Tháng 12/2018, Vingroup ra mắt thương hiệu smartphone Vsmart với 4 mẫu di động từ giá rẻ đến tầm trung gồm Joy 1, Hoy 1+, Active 1 và Active 1+. Theo số liệu của GfK, smartphone Vsmart có thị phần ở mức xấp xỉ 2% từ khi ra mắt (tháng 12/2018) đến tháng 4/2019.
Hãng này đứng thứ 9 trong top 10 hãng di động lớn nhất tại Việt Nam. Thông số này khá trùng hợp với thông tin từ các nhà bán lẻ. FPT Shop cho biết doanh số Vsmart chiếm 2-3% lượng bán ra của toàn hệ thống.
Thị phần các hãng di động tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 (theo GfK). |
Tính đến tháng 4, Samsung là hãng có thị phần lớn nhất với 46,88%, Oppo đứng thứ 2 với 22,09%. Phần lớn các hãng còn loại loay hoay với thị phần 5%. Những hãng vào thị trường Việt Nam lâu ngày như Xiaomi cũng chỉ có khoảng 3,8% thị phần.
Đổ không ít tiền quảng bá nhưng Realme hay Huawei có lần lượt 2,45% và 5%. Hai thương hiệu xếp ngay trên Vsmart là Nokia (2,7%) và Vivo (2,3%).
Theo các chuyên gia theo dõi kinh doanh điện thoại di động, ngay từ ban đầu Vsmart đã có lợi thế tốt khi sở hữu một trong những chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Vinmart, sau đó họ còn mua thêm chuỗi Viễn Thông A.
Về chuỗi sản phẩm, quản trị của một diễn đàn công nghệ lớn ở Việt Nam cho rằng Vsmart có cách tiếp cận phù hợp khi tung ra 4 smartphone, thuộc 2 phân khúc phổ thông và tầm trung, với mức giá rẻ hơn đối thủ để thu hút nhiều khách hàng.
Smartphone Vsmart Joy 1 có giá 2,29 triệu đồng, Joy 1+ có giá 2,69 triệu đồng, Active 1 giá 3,99 triệu đồng và Active 1+ là 5,79 triệu đồng. Đây là nhóm sản phẩm có tính cạnh tranh không quá cao tại Việt Nam khi các thương hiệu lớn đều tập trung cho nhóm sản phẩm tầm giá trên 7 triệu đồng để tối ưu lợi nhuận.
F11 và F11 Pro - sản phẩm chủ lực của Oppo - có giá bán lần lượt 7,3 và 8,5 triệu đồng, Samsung Galaxy A50 có giá 6,99 triệu đồng. Ở tầm giá hơn 2 triệu đồng, Vsmart có lợi thế tốt bởi đối thủ chủ yếu là những model đời cũ, giảm giá sâu do vòng đời sản phẩm sắp hết.
Vsmart muốn tạo độ phủ tại Việt Nam bằng những chiếc smartphone giá rẻ. |
Trong khi đó, các model có giá 4-5 triệu cũng chỉ phải cạnh tranh với một số mẫu của Xiaomi, Huawei, Honor và Nokia. Những tên tuổi này đều gặp vấn đề nhất định, như không thể “vào cửa” các nhà bán lẻ lớn do chiết khấu thấp, gặp sự cố trên phạm vi toàn cầu hay chi phí marketing không có.
Vì sản phẩm mới nên Vsmart cũng mạnh tay cho các chiến dịch marketing, quảng cáo truyền hình để tiếp cận người dùng.
Quản trị một diễn đàn điện thoại cho rằng yếu tố thương hiệu non trẻ không phải rào cản với Vsmart khi nhóm sản phẩm họ bán ra ở mức 5 triệu trở xuống. “Với tầm giá này, người dùng sẵn sàng chi tiền để ‘thử’ một sản phẩm thương hiệu Việt”, người này nhận định.
2% có thể là con số mà Vsmart không hài lòng. Trong cuộc phỏng vấn với Finacial Times, CEO Trần Minh Trung của Vsmart tiết lộ tham vọng giành 30% thị phần smartphone Việt Nam, chậm nhất là vào năm 2020.
Điều đó đồng nghĩa Vsmart chỉ còn tối đa một năm rưỡi để đạt được mục tiêu. Trong lịch sử thị trường di động Việt Nam, chưa hãng sản xuất nào chứng kiến mức tăng trưởng chóng mặt như vậy. Trong khi đó, những hãng khi đặt chân vào thị trường này đặt mục tiêu top 2, top 3 nhưng rời đi sau vài năm không phải ít.
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hôm 9/5, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup, tiết lộ hãng sẽ ra mắt 12 mẫu smartphone mới trong năm nay. Đây có thể là quân bài để Vsmart tiếp tục đánh chiếm thị phần tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông David McQueen - Giám đốc nghiên cứu hãng tư vấn công nghệ ABI Research - cho biết mục tiêu chiếm 30% thị phần của Vsmart là quá tham vọng, trong bối cảnh mà các ông lớn như Samsung đã lấp đầy mọi phân khúc.
“Hãy nhìn những hãng như Xiaomi, Vivo lẹt đẹt ra sao dù vào thị trường nhiều năm hay các tên tuổi lớn như LG, Sony phải rời bỏ để thấy thị trường này khắc nghiệt ra sao”, cựu chuyên viên truyền thông một hãng di động lớn ở Việt Nam nói.
Mục tiêu 30% thị phần của hãng không dễ thực hiện. |
“Khi bạn bán một vài mẫu di động giá rẻ, người dùng không đắn đo để mua. Tuy nhiên, nếu bạn tiến lên phân khúc cao hơn, câu chuyện sẽ khác. Đó là chưa kể khi thị phần của bạn lớn lên đôi chút, sẽ không thiếu những chiêu vùi dập đối thủ một cách mạnh mẽ từ các ‘ông lớn’ để bạn không thể ngóc lên”, vị này nhận định.
Bphone của Bkav là bài học rất rõ khi chiến đấu ở phân khúc cao khi hầu như không đủ độ phủ sóng, trong khi Mobiistar đã phải “dạt” sang Ấn Độ vì không thể cạnh tranh.
Thực tế, PV đã ghi nhận những lo lắng từ chính nội bộ của Vingroup khi Samsung thực hiện chiến lược “trẻ hóa” thời gian vừa qua với những model dòng A hay dòng M giá rẻ.
Một khó khăn khác của Vinsmart là dù thiết lập hệ thống bán lẻ rất nhanh, họ chưa xây dựng được cộng đồng người dùng sản phẩm trung thành của mình. Tìm kiếm các hội nhóm sản phẩm Vsmart trên mạng xã hội, nhóm có nhiều thành viên nhất cũng chỉ dừng ở con số 5.000.
Nhìn sang một hãng di động Việt khác là Bkav, nhóm sinh hoạt cho sản phẩm Bphone có khoảng gần 500.000 thành viên.
Các nghiên cứu mới nhất về thị trường đều có kết quả smartphone đang tăng trưởng chậm lại, người dùng ngày càng ít mua máy mới. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh trong ngành smartphone tại Việt ngày càng gay gắt.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có gần 20 nhãn hiệu điện thoại, trong đó 2 cái tên là Samsung và Oppo đã chiếm gần 70% thị phần.
Theo Zing