|
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 5.6 |
Chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội sáng 5.6 về việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV ngày hôm qua (4.6), nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đó là quyết định cá nhân của ông Hải.
"Khi còn làm ở Hội đồng nhân dân, tôi cũng đánh giá tốt về năng lực, tâm huyết của anh Hải trong thực hiện nhiệm vụ. Nhưng mà có một số cách ứng xử với công việc và người dân chưa được như mình mong muốn", bà Tâm chia sẻ.
Bà Quyết Tâm giải thích, trong quản lý trật tự đô thị thì ai cũng muốn gọn gàng sạch sẽ đi vào nề nếp, song phải nhìn vào một thực tế là phải có lộ trình. Lãnh đạo thành phố yêu cầu muốn trật tự thì người dân người ta cũng muốn, nhưng công ăn việc làm của người dân, điều kiện sinh hoạt và kinh doanh của người dân là trách nhiệm của chính quyền phải tạo ra.
"Chính quyền cần tạo ra khung pháp lý, tạo ra điều kiện, giúp cho người dân cách mưu sinh. Một gánh xôi bên lề đường giúp họ nuôi sống cả gia đình, nuôi con học hành tử tế và thực ra cũng là giải quyết vấn đề của xã hội chứ không phải chuyện cấm chỗ này, đuổi chỗ kia. Người dân dù có sai chăng nữa thì thái độ tôn trọng, thái độ lịch sự, cầu thị của người thi hành công vụ cũng phải có chuẩn mực…", bà Quyết Tâm nói.
Theo nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, những điều này đặt ra đòi hỏi trong việc xem xét, bố trí cán bộ sao cho phù hợp với nhiệm vụ và môi trường mà cán bộ đó công tác.
Trước khi bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, lãnh đạo thành phố có làm việc, trao đổi với ông Hải không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tôi nghĩ rằng quá trình điều động hay phân công anh Hải có rất nhiều lần trao đổi trực tiếp. Chúng tôi cũng phân công các đồng chí có trách nhiệm gặp gỡ trao đổi và cũng có cân nhắc đến môi trường mới, phân công làm sao để anh Hải có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Tôi nghĩ cách làm công tác cán bộ của thành phố đã rất thấu đáo để vẫn phát huy được sự nhiệt thành của cán bộ, sở trường của cán bộ. Việc giữ trật tự đô thị của thành phố không phải một người làm mà cả hệ thống chính trị làm, trong đó vai trò quyết định là của người dân. Mình cần tạo sự đồng thuận, phải tuyên truyền, nhắc nhở, phải kiên trì và đặc biệt tạo môi trường tốt để người ta tham gia.
Về ứng xử công vụ, bà có bình luận gì về việc ông Hải mới nhận quyết định phân công công việc buổi sáng, chiều lại gửi đơn xin từ chức. Trước đó, ông Hải cũng từng có đơn xin từ chức nhưng sau đó lại rút lại?
Thực ra nói bình luận thì tôi cũng không dám bình luận gì ở đây. Mỗi người có một cách ứng xử của mình sao cho chuẩn mực. Tôi thì rất quý anh Hải trong tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Anh Hải là một cán bộ trẻ, mình cũng muốn tạo điều kiện cho phát triển.
Nhưng ứng xử vừa rồi của anh Hải cũng làm tôi rất ngạc nhiên và cũng rất khó hiểu. Đây là ứng xử với tổ chức, đưa ra công luận như vậy làm cho người dân rất khó hiểu về công tác cán bộ của mình. Không phải việc gì tổ chức làm cũng phải đi nói hết cho người dân nghe được, vì có những vấn đề nội bộ. Cho nên, trong một chừng mực nào đó, ứng xử đó thiếu tôn trọng với tổ chức và tự bản thân mình thiếu tôn trọng bản thân mình. Bởi vì nói cho cùng, muốn người ta tôn trọng, đánh giá đúng được mình, thì trước hết phải tôn trọng mình và phải có ứng xử chuẩn mực.
Có thông tin cách đây 1 năm, Ủy ban Kiểm tra thành phố đã có kết luận về những sai phạm liên quan tới ông Hải. Không biết kết luận thế nào và vì sao không công bố?
Tôi nghĩ cái đó có công bố, nhưng phạm vi công bố thế nào thì theo quy định thôi. Thanh tra cũng có công bố kết luận thanh tra. Tôi nghĩ rằng cái đó có. Không biết báo chí tiếp cận cái đó thế nào thôi. Lãnh đạo chỉ đạo rất minh bạch, thậm chí tôn trọng tới mức sau thanh tra rồi, sau khi bàn bạc có định hướng công tác cán bộ rồi, khi anh Hải đề đạt ý kiến thì chúng tôi vẫn xem xét lại.
Cho nên, tôi cho rằng, đây là ứng xử của một con người. Ứng xử với một cán bộ của Đảng, của dân thì thành phố rất tôn trọng, cầu thị, quan tâm để tạo điều kiện để cán bộ phát triển. Nhưng ngược lại, phải là sự hợp tác giữa đôi bên, giữa cá nhân với tổ chức. Một bên không làm nên được công việc. Tổ chức tôn trọng cá nhân thì cá nhân cũng phải tôn trọng tổ chức.
Vấn đề là kết luận kiểm tra đối với ông Hải như thế nào? Có ảnh hưởng đến thái độ của ông Hải hiện nay không thưa bà?
Cái đó các bạn tìm hiểu thêm. Tôi nghĩ rất công bằng, minh bạch, không có gì khúc mắc ở đây cả. Còn tôi không thể nói được vì thanh tra, kiểm tra là phải bằng văn bản, giấy tờ đàng hoàng và cơ quan chức năng có trách nhiệm công khai chuyện đó.
Còn với tư cách cá nhân, tôi nghĩ cung cấp thông tin như vậy là đủ. Tôi mong muốn các bạn phản ảnh nó trung thực, khách quan để người dân có cái nhìn đúng thực chất vấn đề đó chứ đừng bóp méo, đừng làm căng nó ra quá. Vì đây chỉ là vấn đề phát sinh trong công tác cán bộ thôi.
Trước đó, như PV đưa tin, chiều 4.6, ông Đoàn Ngọc Hải, người được biết đến nhiều qua việc quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường, văn minh đô thị ở quận 1, TP.HCM, đã nộp đơn xin từ chức sau khi nhận quyết định điều động, bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV (SGCC, 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM) vào buổi sáng cùng ngày.
Ông Đoàn Ngọc Hải năm nay 50 tuổi, quê quán Thanh Trì, Hà Nội, trình độ chuyên môn thạc sĩ chính trị, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cử nhân xã hội học. Trước khi được UBND TP.HCM điều động, bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV, ông Hải là Phó chủ tịch UBND quận 1 (phụ trách lĩnh vực quản lý đô thị).
|
Theo Thanh Niên