|
Phó phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc Quách Vệ Dân công bố sách trắng tại Bắc Kinh ngày 2/6. (Ảnh: SCMP). |
Trung Quốc ngày 2/6 công bố sách trắng về thương mại, chỉ trích Mỹ "vô trách nhiệm" khi cáo buộc Bắc Kinh hồi tháng 5 rút lại những cam kết hai bên đã đồng ý. Sách trắng còn đổ lỗi cho Mỹ đã khiến nỗ lực đàm phán bế tắc khi ngày càng đưa ra thêm nhiều đòi hỏi và "khăng khăng đưa ra các yêu cầu liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc".
Một số nhà phân tích cho rằng động thái công bố sách trắng của Trung Quốc nhằm gửi tới Mỹ thông điệp rằng Bắc Kinh sẽ không để bị Washington "bắt nạt" trong bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận thương mại tương lai.
"Tôi không coi việc Trung Quốc ra sách trắng là động thái leo thang căng thẳng trong chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng có vẻ họ đang phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không để bị chính quyền Trump đẩy vào thế yếu", Simon Lester, phó giám đốc Trung tâm chính sách thương mại Herbert A. Stiefel của Viện Cato có trụ sở tại Mỹ, nói.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang nói với Washington rằng họ sẽ không "nhượng bộ về những vấn đề về mang tính nguyên tắc", nhưng cũng sẵn sàng cam kết nếu Mỹ đưa ra "đề xuất đáng tin cậy".
Sau khi Mỹ tăng thuế 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và ra các lệnh hạn chế tập đoàn Huawei giao dịch với doanh nghiệp nước này, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ và dự kiến công bố danh sách đen công ty nước ngoài bị coi là "gây tổn hại lợi ích của các công ty Trung Quốc". Trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, truyền thông Trung Quốc ám chỉ tới việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, khoáng sản quan trọng để sản xuất chất bán dẫn trong các linh kiện điện tử, nhằm củng cố đòn bẩy của Bắc Kinh trong đàm phán.
Mặc dù Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ về bế tắc trong đàm phán thương mại, các quan chức nước này cuối tuần qua nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng quay lại bàn thảo luận. Mei Xinyun, nhà nghiên cứu liên quan đến Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh muốn phá băng với Washington trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng này.
Mei cho biết nhiều người Trung Quốc hy vọng rằng nếu Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20, họ có thể đưa ra một thỏa thuận giống như "lệnh ngừng bắn" mà họ đã thống nhất tại sự kiện tương tự ở Buenos Aires năm ngoái. Mei đánh giá sách trắng là bước đệm để Trung Quốc khởi động vòng đàm phán mới với Mỹ bằng cách nêu rõ ràng các giới hạn của Bắc Kinh và giảm khả năng tính toán sai lầm của các nhà đàm phán.
Tuy nhiên, hiện chưa chắc chắn ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau tại Osaka và động thái ra sách trắng của Trung Quốc có thể phản tác dụng. Mỹ đã bày tỏ thất vọng về sách trắng của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh "theo đuổi trò chơi đổ lỗi, bóp méo bản chất và lịch sử đàm phán thương mại giữa hai nước".
Wang Huiyao, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nói rằng sách trắng không chỉ là về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nó còn là thông điệp mà Trung Quốc gửi tới các nước khác, đặc biệt là những bên sẽ đến Osaka.
"Điều quan trọng là nêu rõ lập trường của mình, không cần biết các bên khác có chấp nhận hay không", Wang nói. "Trung Quốc chưa làm được nhiều ở khía cạnh này và chúng tôi đang học cách bắt kịp với Mỹ trong việc truyền đạt lập trường với phần còn lại của thế giới".
Không chỉ phát tín hiệu với Mỹ và thế giới, động thái ra sách trắng của Trung Quốc còn được đánh giá là một nỗ lực nhằm xoa dịu các áp lực chính trị, làm hài lòng công chúng trong nước khi đàm phán thương mại với Mỹ đổ bể, nhất là khi Bắc Kinh nhấn mạnh trong sách trắng rằng "tôn trọng các vấn đề chủ quyền" là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
"Các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không muốn tạo ấn tượng với dư luận trong nước rằng Trung Quốc đang cúi đầu trước áp lực của Mỹ", một chuyên gia quan hệ quốc tế nói. "Họ nhấn mạnh 'vấn đề chủ quyền' nhằm xoa dịu những lo ngại rằng Bắc Kinh chiều theo Mỹ quá nhiều".
Sách trắng không nói rõ "vấn đề chủ quyền" là gì nhưng một nguồn tin giấu tên nói rằng một trong những điều khoản quan trọng trong dự thảo thỏa thuận thương mại là Mỹ yêu cầu phải có cơ chế để theo dõi, đảm bảo Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết. Mỹ muốn có quy định rằng họ có thể tăng thuế với các sản phẩm Trung Quốc nếu không hài lòng với tiến trình thỏa thuận và Bắc Kinh phải hứa rằng họ sẽ không đánh thuế để trả đũa.
Ngoài ra, chính quyền Trump còn yêu cầu Bắc Kinh có biện pháp mạnh mẽ hơn với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ nước ngoài và ra quy định nghiêm khắc hơn để ngăn chặn việc ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc. Những yêu cầu này có thể khiến Trung Quốc phải sửa luật.
Gu Su, nhà phân tích chính trị tại Đại học Nam Kinh, bày tỏ thất vọng vì sách trắng không nêu rõ "vấn đề chủ quyền" là gì và chúng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi các yêu cầu của Mỹ.
"Tài liệu lẽ ra phải vạch ra bức tranh rõ ràng về những gì đã xảy ra trong cuộc đàm phán thương mại và nó đã lâm vào bế tắc như thế nào. Tuy nhiên, sách trắng không làm được điều đó", Gu Su nói. "Cả Trung Quốc và Mỹ đều không tiết lộ bức tranh hoàn chỉnh, khiến công chúng vẫn mù mờ về vấn đề này".
Nhiều nhà quan sát cho rằng với những động thái thể hiện sự kiên quyết, cứng rắn của Trung Quốc, khả năng Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại trong thời gian ngắn là rất thấp.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là một phần của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường và đang lan sang các lĩnh vực khác. Mỹ gần đây ra các lệnh cấm nhắm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và chỉ trích các hoạt động "đe dọa chủ quyền nước khác" của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần trước, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề mang "giá trị cốt lõi".
Các nhà phân tích lo ngại rằng khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kéo dài, nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng suy thoái toàn cầu.
Theo VNE