"Ôm" trụ sở cũ tính chuyện xây chung cư cao tầng

Thứ tư, 05/06/2019, 09:04
Chiều 4/6, trước chất vấn của các đại biểu về việc nhiều cơ quan nhà nước sau khi di dời vẫn “ôm ” trụ sở cũ, thậm chí còn tính chuyện chuyển đổi xây dựng chung cư cao tầng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, hiện có khoảng 8- 9 cơ quan di dời nhưng chưa bàn giao trụ sở cũ cho Hà Nội. Ông cũng “hứa” sẽ làm việc với những cơ quan này để phối hợp, bàn giao lại đất đai, trụ sở cũ cho thành phố.

Có mới nhưng vẫn “ôm” cũ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung (Điện Biên), thời gian qua, trụ sở các cơ quan nhà nước… sau khi di dời ra khỏi nội thành Hà Nội đã không được thu hồi để phục vụ cho mục đích công cộng, thậm chí có nơi còn biến thành chung cư cao tầng, gây sức ép về hạ tầng, dân số, đi ngược với mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Từ đó, bà Dung đề nghị cho biết nguyên nhân vì sao việc di dời các cơ quan, đơn vị ra khỏi nội thành thực hiện chậm, cũng như việc thu hồi trụ sở cũ để xây dựng các công trình công cộng không được thực hiện nghiêm?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nêu ra hàng loạt các căn cứ và quy trình để thực hiện, từ việc lập danh mục, xác định các tiêu chí lộ trình, biện pháp di dời… Tuy vậy, ông thừa nhận việc thực hiện rất chậm. “Việc này trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ khác nữa. Sau phiên chất vấn này thì phải ngồi lại với các bộ để đánh giá vì sao chậm, giải pháp sắp tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý.

Giơ biển tranh luận, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết: Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời các trụ sở, nhà máy, xí nghiệp sẽ được ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế sau di dời thì phần lớn biến thành chung cư cao tầng, ít có công trình công cộng phục vụ người dân. “Trong 9 cơ quan, bộ ngành đã được bố trí quỹ đất di dời nhưng lại có đến 7 cơ quan giữ lại trụ sở cũ và 2 cơ quan chuyển đổi sang xây dựng chung cư cao tầng, không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng công trình công cộng. Ngoài ra cũng chưa thấy có cơ sở giáo dục nào di dời ra ngoài nội thành. Tất cả thực trạng trên đã tạo ra sức ép về hạ tầng, dân  số, đi ngược với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra khi thực hiện việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trụ sở bộ, ngành”, bà Dung nói đồng thời đề nghị làm rõ thực trạng trên.

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị cho biết rõ vì sao các cơ quan, đơn vị sau khi di dời trụ sở nhưng không bàn giao lại đất? Thừa nhận hiện nay có khoảng 8- 9 cơ quan di dời nhưng chưa bàn giao trụ sở cũ cho Hà Nội, Bộ trưởng Hà cho biết sẽ làm việc với các cơ quan trên để phối hợp, bàn giao lại đất trụ sở cũ cho Hà Nội.

Xử lý dứt điểm dự án 8B Lê Trực và khu nhà HH Linh Ðàm (?)

Nhắc đến hai công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Nội là khu nhà HH Linh Đàm và 8B Lê Trực, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ phối hợp với Hà Nội thế nào để giải quyết dứt điểm hai vi phạm trên. Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Hà cho biết, công trình 8B Lê Trực, khu nhà HH Linh Đàm thuộc trách nhiệm xử lý của Thành phố Hà Nội. Hiện Hà Nội cũng đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ những phần xây dựng trái phép ở công trình 8B Lê Trực.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện có vấn đề phát sinh là việc phá dỡ những phần công trình theo chiều dọc thì ảnh hưởng tới kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. “Bộ Xây dựng sẽ sẵn sàng sử dụng các cơ quan chuyên môn của mình để hỗ trợ Hà Nội thực hiện việc phá dỡ nếu thành phố có yêu cầu”, ông Hà nói.

Về vi phạm tại khu nhà HH Linh Đàm, Bộ trưởng Xây dựng cho hay vi phạm ở đây đã rõ và phải xử lý. Ông nhấn mạnh: “Tôi xin nói thẳng, khu HH Linh Đàm, vi phạm là rõ và trách nhiệm xử lý là của Hà Nội chứ không phải Bộ Xây dựng” - Bộ trưởng Hà quả quyết.

Chưa bằng lòng với trả lời của bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời về việc xử lý công trình 8B Lê Trực và khu nhà HH Linh Đàm cho cử tri được rõ. Làm rõ hơn sau tranh luận, Bộ trưởng Hà cho hay: Đối với công trình 8B Lê Trực, từ tháng 8/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện việc này với yêu cầu nhanh chóng xử lý, đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực của công trình. “Cụ thể Bộ đã giao cho Cục giám định cùng tham gia ý kiến với Sở Xây dựng Hà Nội để xử lý công trình. Như tôi đã nói, Hà Nội có bất cứ yêu cầu gì bộ sẽ sẵn sàng phối hợp để xử lý”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

“Việc này trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ khác nữa. Sau phiên chất vấn này thì phải ngồi lại với các bộ để đánh giá vì sao chậm, giải pháp sắp tới”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về việc chậm di dời trụ sở các  Bộ, ngành

Sẽ thanh tra quy hoạch chi tiết tại các thành phố lớn

Về câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra như việc điều chỉnh quy hoạch, “nhồi cao ốc” vào nội đô, ông Hà cho biết việc xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội được quy định ở một số văn bản. Ông yêu cầu thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm những dự án xây dựng vượt quá tầng cao, vi phạm quy định. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch. “Trong năm nay, cũng như sang năm, Bộ Xây dựng trực tiếp cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là tại trung tâm một số đô thị lớn. Từ đó, có xử lý dứt điểm vấn đề này”, ông Hà nói.

Về vấn đề quản lý quy hoạch, trước ý kiến của ĐBQH về việc nhà đầu tư tác động, chỉ đạo quy hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Tôi cũng chưa nhận được thông tin cụ thể về việc này, nhưng cũng có thể có trong thực tiễn. Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các dự án có thể có những tác động vào những giai đoạn nhất định bằng những biện pháp nhất định. Cái này theo quan điểm của chúng tôi thì chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện những hành vi này”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn