Đức có thể phá bỏ truyền thống, điều tàu chiến đến eo biển Đài Loan

Thứ năm, 06/06/2019, 14:21
Đức đang cân nhắc phá bỏ truyền thống tránh đối đầu quân sự suốt mấy chục năm qua.

Tàu tiếp tế A1411 Berlin của Hải quân Đức đậu tại cảng Hamburg hồi tháng 5. (Ảnh: EPA)

Các quan chức cấp cao Đức đang tính đến chuyện điều một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, giống như cách Mỹ và Pháp đã làm để thách thức khu vực Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền nhưng phương Tây coi là tuyến hàng hải quốc tế.

Nếu chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel thực hiện ý định này, đây sẽ là sự đảo ngược đáng kể chính sách tránh xa xung đột. Đức sẽ công khai ủng hộ các đồng minh trong một chiến lược chắc chắn sẽ bị phe đối lập cho là khiêu khích.

Những ví dụ gần đây cho thấy Đức miễn cưỡng chuyện đối đầu quân sự là việc nước này rút hải quân khỏi vùng chiến sự trong chiến dịch can thiệp vào Libya của phương Tây năm 2011, thận trọng trong việc triển khai quân đến Afghanistan và quyết định không tham gia trực tiếp các vụ tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng IS ở Syria, trong khi các nước láng giềng trong NATO của họ gồm Bỉ, Hà Lan, Đa Mạch và Pháp làm ngược lại.

Tháng trước, một quan chức Đức tiết lộ về kế hoạch eo biển Đài Loan cho tạp chí Politico. Tuần trước, một quan chức Đức khác xác nhận Bộ Quốc phòng Đức đang thảo luận vấn đề này. Sẽ không có quyết định chắc chắn nào được đưa ra trước khi mùa hè năm nay kết thúc.

Eo biển Đài Loan là vùng biển nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, và là nơi Bắc Kinh coi là vùng thuộc chủ quyền của họ. Tàu khu trục Pháp khi đi qua vùng biển này vào tháng 4 vừa qua đã bị lực lượng Trung Quốc theo đuôi và xua đi. Bắc Kinh nói rằng họ đã gửi “cảnh báo nghiêm khắc” đến Paris về chuyến đi “trái phép” này.

Cuối tháng đó, Mỹ điều 2 tàu khu trục đi qua eo biển này để “chứng minh cam kết của Mỹ về một khu khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, theo một phát ngôn viên của Mỹ.

Kể từ thời chính quyền Obama, Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động nhằm đối phó với sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc. Còn Pháp đang muốn tận dụng cơ hội để khẳng định vị trí một cường quốc hạt nhân toàn cầu và một cánh tay tiềm năng của Mỹ.

Vì sao Đức lại muốn tham gia? Một số người trong chính phủ của bà Merkel nhìn thấy cơ hội kép, trong bối cảnh quan hệ giữa Berlin với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ồn ào.

Kế hoạch này chăc chắn sẽ có lợi cho Đức khi Washington dọa tăng thuế lên ôtô nhập từ Đức.

Một sứ mệnh hàng hải đến Đông Nam Á cũng là cơ hội để Đức thể hiện với Pháp, trong bối cảnh Paris đang muốn khắc họa hình ảnh một cường quốc duy nhất ở EU vẫn sử dụng sức mạnh quân sự và đáp lại sự phản đối của bà Merkel đối với hầu hết đề xuất cải tổ EU của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bằng cách trở thành một trong những người chỉ trích Đức quyết liệt nhất.

Pháp vừa dành 2 năm và 1,3 tỷ euro để tân trang tàu sân bay nguyên tử Charles de Gaulle. Các tướng Pháp cho rằng Berlin đang điều hành một đội quân “không biết chiến đấu”. Bản thân ông Macron cũng nói rằng mô hình tăng trưởng của Đức, dựa trên cách kiếm lời từ tình trạng mất cân bằng trong khu vực đồng tiền chung euro, đã đến hồi kết thúc.

Cách nói thẳng thừng của ông Macorn đã khuyến khích các nhà bình luận Pháp đưa ra những chỉ trích tương tự. Zaki Laidi, một giáo sư công tác tại ĐH Khoa học chính trị Sciences Po, tháng trước có bài viết nói rằng bà Merkel “đã hoàn toàn không làm gì” để thay đổi vai trò của Đức như một cường quốc đứng ngoài và được Mỹ bảo vệ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chính phủ Đức, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị trong nước, có sẵn sàng thách thức cách mô tả đó và có thể hiện sức mạnh quân sự của mình hay không.

Trên thực tế, Đức đang đối mặt với nguy cơ rơi vào bất ổn chính trị. Các chỉ số kinh tế của nước này không lạc quan lắm. Liên minh tê liệt của bà Merkel với đảng Dân chủ Xã hội không làm được gì nhiều trong 2 năm qua vì bà Merkel sẽ rời nhiệm sở vào năm 2021.

Các cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện cuối tuần qua nói lên nhiều rạn rứt.

Lần đầu tiên kể từ khi Đảng Xanh trở thành một chính đảng từ đầu năm 1980, phong trào vì môi trường này đã vượt qua đảng Dân chủ Cơ-đốc giáo của bà Merkel trong khảo sát dự báo kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Đảng Dân chủ xã hội rơi xuống thứ hạng thấp lịch sử, chỉ hơn đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức 1 điểm.

Về kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức vừa công bố báo cáo dự đoán tăng trưởng GDP của nước này sẽ xuống mức 0,6% , và ít triển vọng sẽ khá hơn trong năm sau.

Tệ hơn là người được Thủ tướng Merkel chọn để kế nhiệm, bà Annegret Kramp-Karrenbauer, lãnh đạo đảng CDU, đang bị hụt hơi trong quá trình chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Một cuộc thăm dò tuần trước cho kết quả rằng 70% người Đức nghĩ rằng bà Annegret Kramp-Karrenbauer chưa sẵn sàng lên lãnh đạo.

Một trong những ý tưởng của bà là dự án mang tính biểu tượng mà Đức và Pháp sẽ cùng chế tạo 1 tàu sân bay để thể hiện vai trò của EU như một “cường quốc vì hòa bình và an ninh”, nhưng không đưa ra nhiệm vụ cụ thể của con tàu này là gì.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai hoạt động hải quân trên eo biển Đài Loan sẽ được coi là hành động đột phá.

Có những quan chức Đức đang muốn bác bỏ cáo buộc rằng Đức là một đồng minh vô trách nhiệm và không cam kết. Và nơi họ có thể thể hiện điều đó là vùng biển quốc tế gần eo biển Đài Loan.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn