|
Tàu Type 001A, bên cạnh là tàu hậu cần Hô Luân Hồ |
Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh, một con tàu lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo, sử dụng cùng loại động lực và hệ thống điện như tàu tiền bối.
Như với tàu Liêu Ninh và các tàu lớp Kuznetsov khác, tàu sân bay mới của Trung Quốc cần 13.000 tấn nhiên liệu (dầu diesel máy thủy) cho hoạt động của nó, kèm theo là nhiên liệu cho 6-8 tàu khu trục tên lửa và hộ tống hạm đi kèm để hình thành một nhóm tàu tác chiến.
Việc bổ sung nhiên liệu cho tàu sân bay cần được thực hiện mỗi khi 1/3 số nhiên liệu mang theo được tiêu thụ, như đã từng diễn ra trong việc sắp xếp vận hành của hậu cần quân đội Trung Quốc trong dịp triển khai nhiệm vụ chống cướp biển trên vịnh Aden, khi tàu hộ tống các tàu thương mại Trung Quốc, theo tạp chí quốc phòng Kanwa.
|
Tàu Hô Luân Hồ |
Tàu sân bay Type 00A sẽ tiêu thụ 1.100 tấn nhiên liệu mỗi ngày khi đi với tốc độ 37km/h, và 1.500 tấn nếu hoạt động trong tình trạng chiến đấu. Phi đội J-15 trên tàu sân bay cũng cần được cung cấp nhiên liệu và dầu bôi trơn.
Khi tàu sân bay mới ở ngoài khơi, tàu tiếp dầu, đạn dược và nhu yếu phẩm Type 903 trọng tải 23.000 tấn là nguồn cung nhiên liệu, thực phẩm và các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên với năng lực cung cấp của tàu, hải quân Trung Quốc sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu tiếp liệu, tiếp phẩm cho toàn bộ nhóm tàu sân bay hơn hai lần.
Các nhà quan sát nói giống như tàu Liêu Ninh, tàu nhóm Type 001A chỉ có thể tồn tại ngoài biển trong 6 ngày giữa các lần tiếp liệu, thời gian chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với nhóm tàu sân bay của Mỹ, vốn không cần tiếp nhiên liệu trong nhiều năm vì chạy bằng năng lượng hạt nhân
Để khắc phục điểm yếu rất lớn này trước khi Trung Quốc có thể hạ thủy tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên trong tương lai xa, xưởng đóng tàu Quảng Châu thuộc tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc đang tăng tốc độ đóng tàu Type 901 trọng tải 50.000 tấn. Đây là tàu hỗ trợ tấn công nhanh, với hai con tàu cùng lớp đã được đưa vào phục vụ.
Trung Quốc xây bến cho tàu sân bay ở đá Chữ Thập
Một chi tiết khác cũng được tiết lộ về tàu sân bay Type 001A là nó chủ yếu được giao nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra ở biển Đông từ cảng nhà của nó ở Ngọc Lâm, Tam Á, thuộc đảo Hải Nam, nơi bến riêng cho hai tàu sân bay đã gần hoàn tất.
Một bến cho tàu sân bay khác cũng đang được hình thành ngay ở trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng và cải tạo trái phép.
|
Đá Chữ Thập, ảnh do quân đội Trung Quốc công bố |
Theo Asia Times, việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực này là nhằm mục tiêu tạo ra một “Vạn lý trường thành” bằng cát, với các căn cứ hậu cần cho tàu chiến của họ, trong lúc quân đội Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh hoạt động tuần tra và củng cố việc đòi chủ quyền, cho dù đó là đòi hỏi phi lý.
Sẽ mất hơn một ngày để tàu Type 001A đi từ Tam Á đến đá Chữ Thập khi chạy với tốc độ 37km/h.
Căn cứ quân sự ngoài Trung Quốc đầu tiên của Bắc Kinh đặt ở Djibouti, và một cảng dân sự ở Sri Lanka do quân đội Trung Quốc thuê lại, sẽ có vai trò quan trọng trong việc tiếp liệu cho các tàu sân bay của Trung Quốc.
Theo Tiền Phong