Cố tình làm rộng kẽ hở pháp luật để sai phạm ở Thủ Thiêm lách qua

Thứ hai, 01/07/2019, 16:37
"Các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM đã làm rộng thêm các kẽ hở để sai phạm lách qua. Có thể thấy sai phạm là có ý đồ", giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ với PV.

Kết luận thanh tra về sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm đã được mong chờ từ rất lâu. Theo dõi kết luận này, ông có bình luận gì?

Kết luận thanh tra đã chỉ ra được những sai phạm cơ bản về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng so với khung pháp luật và thể chế quản lý lúc xảy ra sai phạm. Bên cạnh đó, cũng phải thống nhất với nhau cách nhìn rằng pháp luật và thể chế của ta không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

Lấy ví dụ, phương thức "đổi đất lấy hạ tầng" được thực hiện từ trước Luật Đất đai 1993, nhưng luật này cũng chưa có chữ nào về phương thức này. Mãi đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 1998 mới có một điều mờ nhạt về phương thức này với nội dung giao cho Thủ tướng quyết định. Luật Đất đai 2003 đã khai tử phương thức này.

Thế rồi phương thức đổi đất lấy hạ tầng "hồn nhiên" quay lại vào năm 2007 với tên gọi mới là BT, trái hoàn toàn với quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thực thi Luật Đất đai. Nhưng “BT vẫn cứ thế đi lên phía trước”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đến Luật Đầu tư công 2014 mới có quy định và nghị định hướng dẫn về BT trong khung pháp luật chung về phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

BT tại Thủ Thiêm được phê duyệt từ 2002, trước khi bị Luật Đất đai 2003 khai tử. Cứ theo lịch sử pháp luật thì phân biệt đúng sai trong thực hiện BT tại Thủ Thiêm rất phức tạp.

Tôi cho rằng kết luận thanh tra như một khung để tiếp tục làm rõ ở những bước thực hiện tiếp theo. Việc có hài lòng hay không phải chờ kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra trong vòng 6 tháng tới.

“Sai phạm có ý đồ”

Qua những sai phạm điển hình được nêu trong kết luận thanh tra, theo ông, kẽ hở nào trong chính sách về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đã khiến nhiều cơ quan, ban ngành lợi dụng để vi phạm, trục lợi như vậy?

Theo tôi, câu chuyện chính ở đây là trong hoàn cảnh khung pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng còn nhiều kẽ hở, các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM đã làm rộng thêm các kẽ hở này để sai phạm lách qua.

Trong hoàn cảnh khung pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng còn nhiều kẽ hở, các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM đã làm rộng thêm các kẽ hở này để sai phạm lách qua

Việc thu hồi đất tại khu vực 4,3 ha ở phường An Bình, quận 2, nằm ngoài ranh giới quy hoạch gắn với việc mất bản đồ quy hoạch trong lưu trữ là một ví dụ khá sinh động.

Một ví dụ điển hình khác là định giá mọi khu đất đem đổi lấy hạ tầng đều với giá 26 triệu đồng/m2 khi mà khung pháp luật về BT còn lỏng lẻo, khung pháp luật về định giá cũng rất yếu ớt. Tất cả thẩm quyền quyết định giá đất thuộc UBND cấp tỉnh, thành.

Dù mọi thứ lỏng lẻo, yếu ớt như vậy nhưng vẫn có thể chỉ ra việc UBND TP.HCM quyết định giá đất bình quân như vậy hoàn toàn sai với quy định là giá đất phải phù hợp thị trường.

Có thể thấy sai phạm là có ý đồ nhưng người có thẩm quyền lại chủ quan với phạm vi quyền lực của mình.

Giá trị đất đem đổi cao hơn giá trị hạ tầng

Nhiều sai phạm được chỉ ra như xác định giá đất không sát, chỉ định thầu khi chưa đánh giá năng lực nhà đầu tư, dùng quỹ đất sạch thanh toán cho nhà đầu tư BT mà không qua đấu giá… gây ra nguy cơ làm thất thoát lớn cho ngân sách. Nguyên nhân là gì?

Các sai phạm ở đây là cố tình trong hoàn cảnh pháp luật còn chưa chặt chẽ, trong sự cố tình này có yếu tố chủ quan về phạm vi quyền lực của người có thẩm quyền. Như vậy, yếu tố cố tình vi phạm pháp luật vì lợi ích của các nhà đầu tư là rõ. Pháp luật thiếu chặt chẽ là môi trường thuận lợi để hình thành các phương án sai phạm.

Định giá đất trung bình cho toàn bộ khu Thủ Thiên 26 triệu/m2 là lách vụng, có lẽ vì quá ham lợi ích và quá vội vàng. Còn chỉ cần chỗ này 26 triệu, chỗ kia 26,5 triệu, chỗ khác lại 26,7 triệu thì thanh tra khó mà xác định được sai phạm.

Trong môi trường pháp lý có nhiều kẽ hở như vậy, chỉ cần cân nhắc và có trí khôn là có thể làm nghiêng ngửa lợi ích mà vẫn đúng quy định của pháp luật. Đây là nhược điểm cần nhận thức rõ trong xây dựng pháp luật ở nước ta.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm ở đây chính là chính sách đầu tư BT - đổi đất lấy hạ tầng mà chúng ta đã thực hiện. Những bất cập thời gian qua cũng như sai phạm ở Thủ Thiêm về vấn đề này cho thấy chúng ta cần phải điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

Bất cập của phương thức BT đã được chỉ rõ rất nhiều lần. BT tại Thủ Thiêm càng chứng minh rõ ràng hơn nữa các nhược điểm của chính sách đầu tư này. Nhược điểm cụ thể là giá trị đất đem đổi thường cao hơn nhiều so với giá trị hạ tầng.

Dù có nhược điểm trong thực hiện, nhưng BT cũng là giải pháp tốt để phát triển hạ tầng nhanh hơn, từ đó tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội mạnh hơn. Vấn đề đặt ra là phải tạo khung pháp luật chặt chẽ về BT để khắc phục nhược điểm và phát huy ưu điểm.

Tôi muốn nhắc lại một quy định về BT tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền đưa vào đấu thầu dự án xây dựng hạ tầng. Đây vẫn là điều cần đưa vào khung pháp luật BT trong thời gian tới.

Nếu đất chưa giải phóng mặt bằng thì tổ chức phát triển quỹ đất tìm mọi cách để giải phóng mặt bằng. Thực hiện đấu thầu dự án xây dựng hạ tầng rồi đấu giá đất để có kinh phí trả cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng.

Số tiền thất thoát có thể lớn hơn rất nhiều

Kết luận thanh tra yêu cầu TP.HCM phải hoàn trả ngân sách hàng chục nghìn tỷ vì đầu tư không đúng quy định cho Khu đô thị Thủ Thiêm. Đến 31/12 nếu không thực hiện sẽ chuyển hồ sơ sang công an. Nhiều người băn khoăn với những sai phạm đã nêu hoàn toàn đủ cơ sở chuyển hồ sơ cho công an, tại sao phải gia hạn đến 31/12. Ông nghĩ sao?

Về mặt tài chính, kết luận thanh tra đưa ra con số hơn 8.700 tỷ đồng thâm hụt từ việc đầu tư không hiệu quả ở Thủ Thiêm và hơn 26.300 tỷ mà TP.HCM phải thu hồi, hoàn trả cho ngân sách.

Nhưng đây mới là con số cộng đơn giản cho những chi phí bất hợp lý từ ngân sách Nhà nước ở nhiều công đoạn khác nhau trong suốt quá trình hàng chục năm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết luận cũng chỉ ra rằng cơ chế đầu tư ở đây là BT, tức là chỉ sử dụng nguồn lực tài chính từ đất đai tại chỗ, sao Nhà nước vẫn phải chi ngân sách nhiều hơn thu đến hơn 8.700 tỷ đồng.

Tất nhiên, nhiều người nhìn thấy rõ những sai phạm, nóng ruột cho rằng sai phạm đã quá rõ, vậy có thể chuyển ngay sang điều tra hình sự, không việc gì phải cho thêm 6 tháng để tự khắc phục.

Tôi cho rằng trong quản lý không thể nóng ruột, thời gian 6 tháng để tự phê bình là cần thiết. Có như vậy những người làm sai cũng có thời gian để tự thấy cái sai đó lớn đến mức nào.

Hơn nữa, cái sai ở Thủ Thiêm không phải chỉ được đánh giá ở mức sơ bộ với con số thâm hụt nêu trên, mà con số thất thoát thật phải cao hơn nhiều lần.

Ví dụ như giá đất đem đổi cho nhà đầu tư hạ tầng lấy theo mức trung bình cho toàn khu là 26 triệu đồng/m2 là không đúng. Nếu giá thực là 40 triệu đồng/m2 ở chỗ này, 60 triệu đồng/m2 ở chỗ khác thì thất thoát còn lớn hơn rất nhiều.

Đó chỉ là thất thoát do vô tình gây lãng phí hay có cả tham nhũng do tư lợi thì phải làm rõ. Kiểm điểm kỹ còn có thể phát hiện ra nhiều uẩn khúc, sai phạm khác.

Người nào thạo thông tin về TP.HCM hoàn toàn có thể nhìn vào kết luận thanh tra mà đọc tên các cán bộ chịu trách nhiệm.

Kết luận thanh tra nêu hàng loạt sai phạm, đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm, song không có bất cứ tên của một cán bộ hay lãnh đạo nào được nhắc tới. Có quan điểm cho rằng không loại trừ đây là một sự né tránh?

Kết luận thanh tra là một đề cương chi tiết để làm cụ thể hơn ở những bước tiếp theo. Kết luận này dựa chủ yếu vào việc thực thi pháp luật trong quá trình quy hoạch, điều chỉnh và thực thi quy hoạch, thu hồi và sử dụng đất đai, quyết định và thực hiện các dự án đầu tư, chưa đi vào chi tiết việc thực hiện.

Việc này sẽ được làm rõ trong quá trình tự kiểm điểm, tự phê bình sau thanh tra mà UBND thành phố phải thực hiện đối với các cán bộ thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ vào cuộc để làm rõ về chi tiết thực hiện ở một số công đoạn quan trọng. Bước cuối cùng mà không khắc phục được mọi sai phạm còn phải chuyển sang cơ quan điều tra. Mặt khác, kết luận thanh tra được gửi tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xử lý kỷ luật các cán bộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Như vậy, kết luận thanh tra không “gọi” tên nhưng ai cũng đã nói rõ các đơn vị quản lý của thành phố phải chịu trách nhiệm. Người nào thạo thông tin về TP.HCM hoàn toàn có thể nhìn vào kết luận thanh tra mà đọc tên các cán bộ chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Zing

Các tin cũ hơn