Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh: Đặt mình vào vị trí người dân Thủ Thiêm mới thấy tổn thất

Thứ hai, 01/07/2019, 08:50
Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố thông báo kết luận, qua điện thoại, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh đã có cuộc trao đổi ngắn với PV.

Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Thanh nói: Lúc trước tôi đã góp ý với lãnh đạo TP.HCM. Ở Thủ Thiêm phải công bố danh sách đền bù cụ thể bao nhiêu để người dân biết và đối chiếu lại. Các hộ dân bị giải tỏa có thể tạm chia làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất là các trường hợp có nhà đất đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Nhóm thứ hai là có nhà đất hợp pháp nhưng chưa có điều kiện làm giấy tờ và nhóm thứ ba là diện xâm chiếm kênh rạch ven sông Sài Gòn. Phải công bố danh sách cụ thể cũng như các khoản tiền đền bù, hỗ trợ để người dân biết.

Lập danh sách bồi thường hỗ trợ, phân chia thành từng nhóm đối tượng nhằm mục đích gì, thưa ông?

Tôi nói phòng ngừa thôi. Không loại trừ thành phố đã xuất ra số tiền rất lớn để đền bù hỗ trợ người dân. Số tiền đó có thực sự đến tay ba nhóm người mà tôi vừa nói hay không. Ngay như Tân Hóa - Lò Gốm là dự án không lớn mà Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận tham ô đến hơn 50 tỷ đồng. Vừa qua ở thành phố tôi cũng có đề nghị như vậy còn anh em lãnh đạo thành phố bây giờ đang làm công việc khắc phục ở Thủ Thiêm có chấp nhận hay không thì tùy.

Ông Võ Viết Thanh

Cứ công khai hết danh sách các nhóm đối tượng bồi thường giải tỏa và số tiền từng trường hợp đã nhận. Thành phố đã xuất bao nhiêu, những người đó có nhận đủ hay không. Đương nhiên, có thỏa đáng hay không thì mình chưa đề cập nhưng ít ra việc đó giúp kiểm tra khoản tiền mấy chục nghìn tỷ đi đâu. Tôi đã góp ý 2-3 lần nhưng chưa thấy lãnh đạo thành phố đề cập gì.

Kết luận thanh tra vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các dự án BT ở Thủ Thiêm. Từng là Chủ tịch UBND TP.HCM trong thời kỳ thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Khu đô thị Thủ Thiêm bây giờ có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) nhảy vào tôi không biết (theo thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ thì có 54 DN - PV). Ngay các DN cũng cần phân chia thành nhiều nhóm. Nhóm vào đầu tư đúng quy định nhà nước; nhóm nào là đầu tư chưa phù hợp với luật pháp và nhóm nào đầu tư hoàn toàn không hợp pháp.

Trước đây tôi đã phát biểu. Những hình thức đầu tư BT mà tôi gọi hơi nặng lời, dễ mất lòng là “biến tướng của chỉ định thầu”, tức là không qua đấu thầu. Nhà đầu tư được hoàn lại không phải bằng tiền mà được trả bằng đất, cũng không qua đấu giá. Được chỉ định thầu nhà đầu tư đã thu được một khoản lợi rất lớn rồi. Họ còn được lợi là nhận được đất không qua đấu giá. Điều này gây hậu quả rất nặng nề. Tôi có đến xem một vài tòa nhà cao tầng dành để tái định cư. Chất lượng công trình rất thấp nhưng giá thành rất cao. Thiệt hại rất lớn là người dân lên chung cư thì họ không thể ở được vì các dịch vụ của các tòa nhà tái định cư rất sơ khai.

Tôi đã nói rất nhiều lần, thậm chí nặng lời. Có đặt mình vào vị trí người dân mới thấy những tổn thất, khiếm khuyết đó.

Cám ơn ông!

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích