Thanh tra Chính phủ đang làm việc với TP.HCM về Thủ Thiêm

Thứ hai, 01/07/2019, 09:46
Theo nguồn tin PV, Thanh tra Chính phủ đang làm việc với TP.HCM về Thủ Thiêm.    

Một số hộ dân còn sót lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện vẫn chờ chính sách tái đền bù thỏa đáng

Nguồn tin cho biết, lúc 8 giờ sáng nay 1.7, Thanh tra Chính phủ đang làm việc với UBND TP.HCM về Thủ Thiêm. Đây là cuộc họp nội bộ, diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM và báo chí không được dự.
Tại cuộc họp này, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm với UBND TP.HCM, sau khi Thanh tra Chính phủ đã công bố ở Hà Nội mới đây.
Nguồn tin cũng cho biết, UBND TP.HCM cũng đã có tham mưu kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự kiến sẽ công bố trong tuần này, sau khi được thông qua để kịp thời tổ chức thực hiện.
Trước đó, vào ngày 29.6, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra (mới) về các sai phạm tại Thủ Thiêm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã làm việc với TP.HCM.

Khiếu nại của người dân "là có cơ sở"

Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), TP.HCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời để nhường chỗ cho "siêu dự án" này, với khoảng 99% diện tích đất đã được bồi thường, giải tỏa.
Dự kiến khi hoàn thành, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là nơi cư trú cho 150.000 cư dân và thu hút 220.000 lao động đến làm việc.
Trên thực tế, quá trình triển khai Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát sinh rất nhiều khiếu nại, tố cáo, bắt đầu từ khoảng năm 2005 khi tiến hành giải tỏa, đền bù nhà đất của người dân, và càng về sau càng gay gắt.
Ngày 7.9.2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng đã chính thức công bố kết luận kiểm tra (thông báo số 1483) một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; khẳng định khiếu nại của người dân là có cơ sở; đồng thời chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn.
Trong đó, có việc TP.HCM điều chỉnh diện tích và ranh giới Thủ Thiêm không đúng thẩm quyền, nhất là việc tăng 4,3 ha thuộc KP.1, P.Bình An (Q.2) không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt trước đó. Thông báo số 1483 cũng đề nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến các vi phạm trên.

Vẫn đang thực hiện thông báo số 1483 về "khiếu nại ngoài ranh Thủ Thiêm"

Ngay sau đó, UBND TP.HCM tổ chức công bố kế hoạch triển khai thực hiện thông báo số 1483 của TTCP. Đến đầu tháng 12.2018, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy TP.HCM công bố dự kiến các chính sách đối với 321 hộ dân trước đây ở khu vực 4,3ha ngoài ranh Thủ Thiêm.
Đường Lương Định Của hiện nay ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Theo đó, đối với phần diện tích đất đã được quy hoạch cho giao thông toàn Thủ Thiêm đi qua khu vực 4,3ha, BTV Thành ủy thống nhất giữ nguyên quy hoạch để phục vụ lợi ích chung. Phần diện tích đất còn lại trong khu 4,3ha được quy hoạch dành cho dịch vụ, thương mại và xây dựng chung cư (được sử dụng cho tái định cư).
Việc tái định cư cho 321 hộ dân được thực hiện theo quy hoạch của khu 4,3ha và nhu cầu thực tế của các hộ dân này… BTV Thành ủy thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đề xuất chính sách đền bù thiệt hại về tinh thần và vật chất cho 321 hộ dân, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và theo hướng có lợi nhất cho người dân.
Ngày 26.6, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM vẫn tiếp tục khẩn trương làm việc với các bộ ngành để phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha làm cơ sở thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư.
Một lãnh đạo trong Thường trực UBND TP.HCM cho biết, UBND TP đã trình BTV Thành ủy chính sách bồi thường, tái định cư; và đang chờ xem xét thông qua.
Về những nội dung mới mà TTCP công bố và kiến nghị trong kết luận ngày 26.6, vị này cho biết TP sẽ tổ chức thực hiện.
Việc sử dụng đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị xác định có nhiều sai phạm

Sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nếu sai phạm kinh tế không khắc phục trước 31.12.2019

Theo kết luận thanh tra (Văn bản số 1037/KL-TTCP công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Theo TTCP, về công tác quy hoạch và bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư đã được kết luận tại Thông báo 1483/TB-TTCP ngày 4.9.2018) được Thanh tra Chính phủ công bố chiều 26.6 cho thấy việc đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn. Trong khi doanh nghiệp thu lợi lớn thì người dân mất đất, khiếu nại phức tạp kéo dài.
Ngoài ra, TTCP đã phát hiện thêm nhiều sai phạm khác liên quan đến quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.
Theo đó, kiến nghị thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng.
Kết luận TTCP nêu rõ trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31.12.2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem xét xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan, thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý

Theo kết quả thanh tra, tổng chi phí đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 83.000 tỉ đồng, gồm 72.800 tỉ đồng chi phí đầu tư, 10.500 tỉ đồng lãi tiền tạm ứng từ ngân sách.
Tuy nhiên, tổng thu dự kiến đến thời điểm hiện nay là 74.600 tỉ đồng. Như vậy, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng 8.734 tỉ đồng.
TTCP đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm, chủ yếu là do việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND TP.HCM và các sở, ngành tham mưu; sự phối hợp giữa các sở, ngành của TP.HCM còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ; một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời...
Đáng chú ý, TTCP chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn