|
Màu nước sông Tô Lịch thay đổi khi xả nước. |
Liên quan đến mâu thuẫn về việc thông báo trước khi xả nước Hồ Tây "cuốn trôi" thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, ngày 18/7, ông Võ Tiến Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã có trao đổi với PV về vấn đề này.
Theo ông Hùng, phía công ty ông luôn có sự kết nối điện thoại với Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) và các bên liên quan khác để cùng giám sát việc thường xuyên xả nước Hồ Tây, nên chắc chắn đơn vị sẽ có thông báo trước khi xả.
Ông cho biết thêm, trước khi tiến hành thí nghiệm xử lý ô nhiễm vào ngày 18/5, phía JVE cùng các Sở ban ngành đã họp với Công ty Thoát nước Hà Nội và được đại diện công ty thông báo rõ việc vận hành hệ thống thoát nước Hồ Tây với sông Tô Lịch.
"Các phai vận hành hệ thống này có cả quy trình, chúng tôi đã thực hiện theo quy trình đó 20 năm nay. Nếu vì lý do thử nghiệm ô nhiễm mà không xả nước gây ngập úng cả thành phố thì không cho phép", ông Hùng nói.
Ông khẳng định, việc xả nước Hồ Tây vào ngày 9/7 đã làm mực nước sông Tô Lịch dâng lên 50 – 60cm, mực nước này không "ăn thua" gì so với cơn mưa chiều tối 15/7. Khi đó, lưu lượng nước sông dâng lên mốc 4.4 (tương đương khoảng 1,2 mét so với ngày bình thường) ngay tại vị trí đặt thử nghiệm.
|
Nước xả Hồ Tây từ cống vào khu đặt thử nghiệm của chuyên gia Nhật. |
Trước đó, Hồ Tây cũng thường xuyên xả nước, điển hình như vào tháng 5/2019 trước khi diễn ra thử nghiệm trên sông Tô Lịch, đơn vị đã tiến hành xả một lần. Lẽ ra phía Công ty thoát nước sẽ xả liên tục trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7 nhưng vì đang làm thử nghiệm nên tạm dừng.
Tuy nhiên, vào thời điểm ngày 9/7, mực nước ở hồ Tây đã cao quá mức 26cm và dự báo sẽ có mưa, nên đơn vị buộc phải xả nước. Đến ngày 15/7 thì Hà Nội đổ mưa lớn.
Ông Hùng nói thêm, từ đầu phía JVE cùng chuyên gia Nhật tiến hành thử nghiệm ô nhiễm sông Tô Lịch, phía Công ty thoát nước Hà Nội đã hỗ trợ người, thuyền và một số thiết bị máy móc phục vụ công tác lắp đặt trên sông. Việc lấy mẫu thí nghiệm hàng tuần, hàng tháng đều có người của công ty phụ giúp, kể cả công tác dọn vệ sinh hàng ngày vẫn cử công nhân hỗ trợ.
"Các Sở ban ngành đã có chỉ đạo công ty hỗ trợ tối đa để họ thực hiện thí nghiệm, chính vì thế chúng tôi mới luôn giữ nước Hồ Tây, nhưng giữ đến lưu lượng vượt quá mức chịu đựng thì bắt buộc phải xả thôi, trước khi xả đơn vị đã có thông báo. Công ty do Sở Xây dựng điều hành nên mọi hoạt động đều phải báo cáo chứ không làm tự do được", ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi về việc có nhận được thông báo trước khi Hồ Tây tiến hành xả nước vào sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thừa nhận, đơn vị này có được thông báo.
"Chúng tôi không lường trước được rằng sẽ có việc xả hơn 1 triệu mét khối nước Hồ Tây, bởi 10 năm nay chưa có một lần nào như thế... trước khi xả họ chỉ gọi điện thì làm sao mình chống lại lệnh được", ông Tuấn Anh nói.
Trước đó, tiến sĩ Takeba Akira - Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại & Môi trường Nhật Bản nói, việc Hồ Tây xả nước vào sông Tô Lịch là điều đương nhiên cần phải làm theo đúng quy trình thoát lũ mùa mưa của thành phố Hà Nội. "Chúng tôi nghĩ đến mùa mưa nó chỉ là một trận mưa to và đã có giải pháp cho vấn đề này, nhưng các bạn đã biết lượng nước xả vào khu xử lý lên đến hơn 1 triệu mét khối, gấp 10 lần lượng nước thải chảy vào cả sông Tô Lịch. Do vậy, một phần lớn lượng vi sinh vật đã được kích hoạt để xử lý phân giải chất ô nhiễm bị trôi đi", tiến sĩ Takeba Akira phân tích. |
Theo Tri Thức Trẻ