Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này đủ khả năng phong tỏa không cho vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz, nhưng không muốn làm điều này.
“Một điều chắc chắn rằng chúng tôi có đủ khả năng để làm điều đó, nhưng chúng tôi, tất nhiên, là không muốn làm như vậy, bởi eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư chính là chiếc phao cứu sinh của đất nước” - ông Zarif tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg, khi được hỏi liệu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) có tiến hành phong tỏa eo biển Hormuz hay không.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh eo biển Hormuz là một nơi “rất đông người qua lại”, do đó đang phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm. Ông Zarif cũng nhắc lại cuộc tấn công của Hải quân Mỹ nhằm vào chiếc máy bay dân dụng của hãng hàng không Iran Air trên lãnh hải Iran năm 1988, khiến 290 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif tuyên bố Iran thừa sức đóng cửa eo biển Hormuz. (Ảnh: RIA) |
“Chúng tôi đang cảm nhận được sự nguy hiểm, thế nên mới muốn tránh sự leo thang căng thẳng. Nhưng chúng tôi cũng không thể không bảo vệ đất nước của mình” - ông Zarif kết luận.
Trước đó, lực lượng IRGC đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz không cho các quốc gia khác vận chuyển dầu qua đây trong trường hợp Mỹ còn tiếp tục gia tăng áp lực trừng phạt lên Iran. Đáp lại, Lầu Năm Góc tuyên bố luôn sẵn sàng để đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Baqeri từng nói rằng Iran sẽ có thông báo trước về việc đóng cửa eo biển Hormuz nếu thực sự quyết định này được đưa ra. Ông Baqeri cũng nhấn mạnh rằng chừng nào các tàu chở dầu xuất khẩu của Iran vẫn đi qua Hormuz, eo biển này vẫn sẽ mở. Theo tuyên bố của ông, Iran sẽ đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào tại khu vực này.
Eo biển Hormuz kết nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman là cửa ngõ vận chuyển của gần một phần năm lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới. Phần lớn lượng dầu xuất khẩu từ Ả-rập Xê-út, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Kuwait và Iraq, cũng như hầu hết lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới – Qatar, đều được vận chuyển qua cửa ngõ này.
Theo VTC