Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Bắc Kinh để đi thị sát các khu vực như Hohhot và Xích Phong ở Nội Mông. Với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao nên mọi động thái của ông Tập đều được phân tích, lý giải về ý nghĩa, tín hiệu đằng sau đó. Đối với chuyến thăm Nội Mông, nhiều ý kiến cho rằng, đây là chuyến khảo sát liên quan đến vấn đề dân tộc, sắc tộc.
Được biết, đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình tới Nội Mông kể từ sau Đại hội khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu tiên vào trước Tết Nguyên đán tháng 1/2014 và lần thứ hai vào tháng 7/2017 tại khu căn cứ quân sự Chu Nhật Hòa, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
So với nhiều khu vực cấp tỉnh khác, việc ông Tập đã đến Nội Mông ba lần trong nhiệm kỳ của mình là điều rất hiếm. Tuy nhiên, điều này có thể được lý giải như sau: Ông Tập vốn là đại biểu Nhân đại Trung Quốc khu vực bầu cử Nội Mông. Trong kỳ Lưỡng hội vào tháng 3/2018, các đại diện khác của đoàn đại biểu Nhân đại Nội Mông Mông Cổ đã gửi lời mời về thăm địa phương và ông đã trả lời rằng "sẽ nhất định có cơ hội trong tương lai".
Củng cố vấn đề dân tộc
Ý nghĩa của chuyến thị sát Nội Mông của Tập Cận Bình được cho chủ yếu thể hiện trong bài phát biểu vào ngày 16/7 trước đội ngũ quan chức Nội Mông. Được biết, ông Tập Cận Bình chủ yếu nói về ba khía cạnh, một là sự phát triển của Nội Mông, trọng tâm là sinh thái và dân sinh, thứ hai là xây dựng đảng, đó là chương trình nghị sự mà ĐCSTQ hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ, thứ ba là sự đoàn kết dân tộc - đây dường như là vấn đề lưu tâm rất lớn của ông Tập.
Đầu tiên, Khu tự trị Nội Mông, được thành lập năm 1947, là khu tự trị dân tộc thiểu số cấp tỉnh đầu tiên của Trung Quốc. Nó được gọi là khu tự trị kiểu mẫu, sớm hơn các khu tự trị khác như Tân Cương, Quảng Tây, Ninh Hạ và Tây Tạng. Thứ hai, thành phố Xích Phong là khu vực đa sắc tộc với khoảng 30 dân tộc cùng sinh sống như Mông Cổ, Hán, Hồi, Mãn. Hơn nữa, sau khi đến Xích Phong, ông Tập ngay lập tức đến thăm một cộng đồng đa sắc tộc - Cộng đồng nhà Lâm Hoàng.
|
Ông Tập thăm khu Nội Mông mới đây. |
Sau đó, ông Tập Cận Bình cũng đã đến nhà Trương Quốc Lợi. Nhà Trương Quốc Lợi là gia đình tứ đại đồng đường, đa sắc tộc gồm ba dân tộc Mông Cổ, Mãn, Hán. Tại đây, ông nhấn mạnh rằng, "các dân tộc cần... như những hạt lựu bao bọc nhau thật chặt".
Việc lựa chọn khu tự trị kiểu mẫu như Nội Mông, đặc biệt lựa chọn cộng đồng đa sắc tộc ở thành phố Xích Phong và nhà Trương Quốc Lợi nhằm tránh làm nổi bật một dân tộc nhất định, trở thành định hướng chung cho các dân tộc khác cùng tồn tại, giao lưu.
Ngoài ra, chuyến đi của ông Tập Cận Bình cũng đặc biệt cho thấy tầm quan trọng của văn hóa dân tộc thiểu số. Ví dụ, ông đã tham quan về trang phục dân tộc thiểu số của cộng đồng nhà Lâm Hoàng, ca ngợi các thành viên của nhóm văn hóa Wulan Muqi, tham quan các di tích của nền văn hóa Hồng Sơn, văn hóa Khiết Đan Liêu, văn hóa Mông Văn tại bảo tảng Xích Phong cũng như xem xét các thư tịch cổ tại Đại học Nội Mông và nhấn mạnh địa phương cần tăng cường thu thập, chỉnh lý và bảo vệ những cuốn sách này.
Điều chú ý là, Xích Phong cũng là một khu vực có nền văn minh 8.000 năm và là một trong những cái nôi của nền văn minh Trung Quốc. Cổ vật mang tính biểu tượng Ngọc Long của văn hóa Hồng Sơn được giới lịch sử xem là "Đệ nhất long Trung Hoa" được phát hiện tại đây.
Trong cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu Nội Mông vào tháng 3/2018, ông Tập cũng từng nhấn mạnh rằng, kết quả của những phát hiện khảo cổ như "Đệ nhất thôn Hoa Hạ", "Đệ nhất long Trung Hoa" đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, Trung Quốc đã là một cộng đồng từ thời cổ đại.
Giới quan sát cho rằng, chuyến khảo sát của Tập Cận Bình tại Nội Mông lần này mang ý nghĩa rất rõ ràng về việc thúc đẩy các quan điểm chính trị liên quan đến vấn đề dân tộc, nhấn mạnh sự đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc.
Vấn đề dân tộc luôn là vấn đề trọng tâm của chính quyền Bắc Kinh. Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, ông cũng có nhiều hành động thực chất trong vấn đề này. Quan sát xu hướng của Bắc Kinh về vấn đề dân tộc trong những năm gần đây, giới quan sát cho rằng xu hướng phân biệt sắc tộc trong nhiều năm qua đã được cải thiện, đặc biệt vấn đề sắc tộc ở Tân Cương. Đây cũng là một khía cạnh đáng chú ý trong nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình.
Trước đó, trong hai ngày 28,29/9/2014, ĐCSTQ đã tổ chức "Hội nghị Công tác dân tộc trung ương và Đại hội biểu dương tiến bộ đoàn kết dân tộc toàn quốc lần thứ 6", có 6 ủy viên thường vụ Bộ chính trị tham dự, bao gồm ông Tập Cận Bình. Một loạt các bài phát biểu của Tập Cận Bình được coi là một sự điều chỉnh lớn đối với chính sách dân tộc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã cho thấy những lợi thế và hiệu quả của việc quản lý chính sách dân tộc nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề dân tộc sẽ luôn là một thách thức khó khăn đối với Bắc Kinh.
Theo Tri Thức Trẻ