|
Các học sinh trung học từ tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay Nhật Bản trước đại sứ quán Nhật ở Seoul. (Ảnh: SCMP). |
Aya Yanagishima, giáo viên gốc Nhật sống tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gần đây phải tránh đề cập tới gốc gác của mình khi giao tiếp bởi lo sợ bị phân biệt đối xử. Lệnh hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc của Nhật Bản hồi đầu tháng đã "đổ thêm dầu vào lửa" trong quan hệ hai nước và gây phẫn nộ với người Hàn.
Ngay cả những học sinh trong độ tuổi 6-12 của Yanagishima cũng không bớt gay gắt với cô. "Khi tôi nhắc tới từ 'Nhật Bản', các học sinh buột miệng nói ra những điều như 'em ghét Nhật', hoặc 'cha mẹ cô cần phải xin lỗi, tổ tiên của cô là rác rưởi'", nữ giáo viên 31 tuổi kể lại. Một học sinh thậm chí yêu cầu cô đề nghị Thủ tướng Nhật Shinzo Abe xin lỗi vì đã xúc phạm người Hàn.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo từ lâu đã lạnh nhạt do tranh chấp lãnh thổ tại nhóm đảo Dokdo/Takeshima cũng như nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, động thái hạn chế xuất khẩu mới đây của Nhật Bản khiến căng thẳng trở nên dữ dội, do các vật liệu bị hạn chế như polyimide, chất cản quang và hydro florua độ tinh khiết cao có vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất màn hình smartphone và chip nhớ của các công ty công nghệ lớn Hàn Quốc. Nhật Bản kiểm soát 70-90% nguồn cung những vật liệu này trên toàn thế giới, khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế.
Tokyo cho biết biện pháp của họ là cần thiết do đã "mất niềm tin" trong mối quan hệ với Seoul, đồng thời cáo buộc Hàn Quốc xử lý không đúng cách các vật liệu nhạy cảm nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong khi đó, Seoul cho rằng Tokyo đang trả đũa việc tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu tập đoàn thép Nippon của Nhật đền bù cho những nạn nhân bị ép lao động cưỡng bức thời Thế chiến II.
Đối với người dân Hàn Quốc, lệnh hạn chế xuất khẩu đã làm bùng phát tư tưởng bài Nhật và tạo ra làn sóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật, từ những thương hiệu thời trang tới chuỗi cửa hàng mì ramen, mỹ phẩm, bia, thậm chí cả văn phòng phẩm.
Ôtô cũng trở thành mục tiêu trong làn sóng tẩy chay, khi chủ sở hữu các xe mang thương hiệu Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan phản ánh tình trạng xe bị đập phá. Một người đàn ông giấu tên ở thành phố Daegu cho biết xe của anh bị rưới đầy nước kim chi, trong khi nhiều người thông báo chiếc xe Nhật của họ bị cào xước và phá hoại. Tình hình tệ đến mức một số chủ xe phải dán thư xin lỗi lên kính lái và thề sẽ không mua xe Nhật trong tương lai.
Hôm 23/7, đoạn video Song Mo, người đàn ông 48 tuổi sống tại thành phố Incheon, tự tay đập nát chiếc Lexus mà anh đã sử dụng trong 8 năm lan truyền khắp mạng xã hội và được đưa tin rộng rãi. Sự việc xảy ra ở một bãi đỗ xe, xung quanh treo cờ Hàn Quốc và tấm biển đề chữ "Nói không với Nhật Bản". "Hãy tẩy chay Nhật Bản. Tôi cảm thấy xấu hổ khi lái một chiếc Lexus. Mọi người hãy cùng tham gia làn sóng tẩy chay này", Song kêu gọi đám đông.
Việc lái xe Nhật ở Hàn Quốc cũng ngày càng khó khăn khi các trạm xăng và cửa hàng sửa ôtô từ chối phục vụ xe do Nhật sản xuất. Hiệp hội Xăng dầu Hàn Quốc gần đây tuyên bố không bán nhiên liệu cho những chủ xe Nhật, trong khi một tổ chức điều hành gara cũng thông báo không tiếp nhận các phương tiện này.
Ngoài tẩy chay hàng hóa, người dân Hàn Quốc còn thể hiện sự phản đối với Nhật Bản qua nhiều hình thức khác. 6 sinh viên đại học tại Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc, bị giam hôm 22/7 sau khi đột nhập bất hợp pháp vào lãnh sự quán Nhật Bản để biểu tình. Trước đó vào ngày 19/7, một người đàn ông 78 tuổi tử vong sau khi tự thiêu trước tòa nhà sứ quán Nhật Bản ở Seoul để bày tỏ nỗi căm phẫn. Số lượng đặt tour du lịch Nhật Bản cũng giảm tới 50%, dù đây từng là điểm đến hàng đầu của du khách Hàn Quốc.
Choi Hee-man, một nhân viên bảo vệ ở thành phố Paju, thừa nhận ông sẽ không giúp đỡ người Nhật hoặc đối xử tử tế với họ. "Chúng tôi nên đối xử với họ đúng như cách họ đối xử với chúng tôi. Thậm chí trước khi tôi sinh ra, chúng tôi đã có quan hệ căng thẳng với Nhật Bản", cụ ông 69 tuổi cho biết, nói thêm rằng hầu hết người cùng thế hệ với ông không ưa quốc gia láng giềng.
|
Tấm biển kêu gọi tẩy chay hàng Nhật tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters). |
Trong khi đó, người Nhật cũng giữ thái độ tiêu cực đối với người Hàn, đặc biệt là những người lớn tuổi, dù thế hệ trẻ có tỏ ra cởi mở hơn. "Tôi không thể tin tưởng người Hàn", người đàn ông 59 tuổi tên Kazuhiko sống tại tỉnh Aichi, cho biết. "Đương nhiên có người này người kia, nhưng người Hàn có vẻ hiếu chiến. Tôi từng nghe nói người Hàn cư xử khá tệ, nên tôi không có ấn tượng tốt về họ".
"Hàn Quốc thường làm phiền chúng tôi và yêu cầu bồi thường cho những sự việc trong quá khứ", Miyuki, người phụ nữ 60 tuổi ở Nagoya, đề cập tới việc Seoul yêu cầu Tokyo bồi thường cho những lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục thời chiến tranh.
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch áp thêm lệnh hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, có thể nhắm tới các sản phẩm phục vụ quá trình sản xuất vũ khí, đồng thời dự định loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng", gồm những quốc gia bị hạn chế thương mại ở mức tối thiểu. Nếu quyết định này được thông qua, các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ cần thực hiện quá trình xin giấy phép phức tạp mỗi khi muốn xuất khẩu những mặt hàng bị hạn chế sang Hàn Quốc.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono hôm 26/7, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha kêu gọi Tokyo không loại Seoul khỏi "danh sách trắng", đồng thời cảnh báo động thái này sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn. Hàn Quốc còn cáo buộc hành động của Nhật Bản vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhấn mạnh họ sẽ đưa ra các biện pháp đối phó cần thiết, bao gồm đệ đơn khiếu nại. Đáp lại, Tokyo bác bỏ các cáo buộc và khẳng định họ tuân thủ quy định của WTO.
Theo VNE