Người biểu tình Hong Kong đụng độ cảnh sát khi họ hướng tới Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh hôm 28/7. (Ảnh: SCMP).
Chính phủ Trung Quốc thông báo Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) thuộc Quốc vụ viện hôm nay sẽ tổ chức một cuộc họp báo ở Bắc Kinh để đưa ra "quan điểm và lập trường về tình hình gần đây ở Hong Kong".
Đây là lần đầu tiên HKMAO tổ chức họp báo về tình hình Hong Kong kể từ khi thành phố được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Động thái cũng cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã đưa ra quyết định về Hong Kong từ khi làn sóng biểu tình và đụng độ bạo lực để phản đối dự luật dẫn độ bắt đầu từ ngày 9/6.
Thông báo được đưa ra sau khi người biểu tình hôm 28/7 đụng độ với cảnh sát chống bạo động bên ngoài Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh ở Hong Kong tuần thứ hai liên tiếp. Cảnh sát đã khống chế và bắt ít nhất 49 người, trong khi 16 người bị thương và phải nhập viện.
SCMP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Hong Kong cho biết ba xe chống bạo động trang bị vòi rồng lớn đang được thử nghiệm trên đường phố và có thể được triển khai để sẵn sàng xử lý tình trạng bất ổn vào giữa tháng 8. Cảnh sát đang cân nhắc liệu có sử dụng xe để phun sơn lên người biểu tình cực đoan nhằm xác định dễ dàng các nghi phạm hay không.
Được thiết kế để kiểm soát đám đông với chi phí 16,5 triệu đôla Hong Kong (2,12 triệu USD), những chiếc xe Mercedes-Benz được đưa tới thành phố vào tháng 5 năm ngoái và đóng tại trụ sở Đơn vị Tác chiến Cảnh sát ở Fanling. Một số quan chức muốn triển khai xe càng sớm càng tốt trong bối cảnh biểu tình bạo lực leo thang, song các xe bọc thép này vẫn cần vượt qua các bài kiểm tra trên đường phố.
Nguồn tin cho biết các xe chống bạo động sẽ nhanh chóng giải tán đám đông, tạo khoảng cách an toàn giữa người biểu tình và cảnh sát, giảm khả năng đụng độ và nguy cơ gây thương tích cho những người có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền và một số nghị sĩ quan ngại khả năng vòi rồng có khả năng gây tử vong. Một nông dân Hàn Quốc từng bị vòi rồng hất ngã trong cuộc biểu tình năm 2015, khiến anh đập đầu xuống đường và tử vong sau đó.
Xe chống bạo động trang bị vòi rồng của cảnh sát Hong Kong. (Ảnh: SCMP).
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bùng nổ nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc. Biểu tình đa phần ôn hòa, nhưng đôi lúc trở nên bạo lực.
Trưởng đặc khu Carrie Lam sau đó tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết", nhưng điều này không thể xoa dịu những người biểu tình. Hàng trăm nghìn người hôm 21/7 tiếp tục tuần hành và có hành động phá hoại tại Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh ở quận Tây. Người biểu tình hôm 26/7 tập trung ở sân bay quốc tế Hong Kong (HKIA), một trong những sân bay bận rộn nhất châu Á, để tiếp tục phản đối dự luật.