Dã tâm lâu dài của Trung Quốc - Tiến sĩ James R.Holmes (Chuyên gia Chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ)

Thứ bảy, 27/07/2019, 09:17
Đến nay, Trung Quốc đã thể hiện rõ một chiến lược lâu dài nhằm thâu tóm Biển Đông là nội dung do tiến sĩ James R.Holmes phân tích gửi cho Thanh Niên dưới đây.

Trung Quốc triển khai các tàu vũ trang với chiêu trò “tàu chấp pháp” để tìm cách kiểm soát Biển Đông

Nhiều năm qua, Bắc Kinh công khai tuyên bố rằng chủ quyền trên Biển Đông bằng bản đồ “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn), rồi còn đệ trình cả tuyên bố chủ quyền này với thế giới (tuyên bố này đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague phán quyết bác bỏ - TN). Và để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền, Trung Quốc tìm mọi cách để kiểm soát bằng sức mạnh, nắm giữ cả bầu trời lẫn vùng biển trong khu vực này. Việc đẩy mạnh tham vọng chủ quyền trên biển còn nằm trong chiến lược để Trung Quốc bành trướng quyền lợi ở các khu vực trên đất liền.

Để đạt được mục tiêu vừa nêu, Bắc Kinh bất chấp sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, như thông qua thương mại, lực lượng mà họ gọi là chấp pháp trên biển, lực lượng quân sự… Trung Quốc triển khai lực lượng tàu cá hùng hậu, phương tiện và thiết bị dầu khí đến Biển Đông tìm kiếm nguồn lợi cứ như khu vực này là “ao hồ” của Bắc Kinh.

Trung Quốc sử dụng các lực lượng núp bóng “dân sự” như cảnh sát biển, hay trước kia còn có hải giám, ngư chính (về sau được sáp nhập vào cảnh sát biển) tự xưng là lực lượng chấp pháp trên Biển Đông. Giữa vùng biển tranh chấp, lực lượng này đơn phương áp đặt luật lệ để Trung Quốc kiểm soát vùng biển dưới cái mác là “quyền lực hợp pháp”. Bắc Kinh bày ra chiêu trò hình thành lực lượng “dân quân biển” tìm cách hoạt động quấy phá lực lượng quân sự và hải quân chính quy của các nước khác. Cùng lúc, hải quân Trung Quốc sẽ phục sẵn cho trường hợp các nước khác phản ứng. Nếu răn đe như thế thành công, Bắc Kinh sẽ không điều quân đội trực tiếp có mặt ở các “điểm nóng” trực tiếp đối đầu. Đó là chiêu trò “bất chiến tự nhiên thành”.

Một chiến thuật khác trong hàng loạt chiêu trò của Bắc Kinh là “tằm ăn dâu”: cứ duy trì liên tục những hành động như trên nhưng không để tạo ra biến cố chiến tranh. Nếu các nước khác không phản ứng hiệu quả thì cứ theo thời gian, Trung Quốc dần độc quyền kiểm soát cả vùng biển tranh chấp.
Đến nay, cộng đồng quốc tế hầu như không đồng thuận với tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, nếu các nước không thể đẩy lùi các chiêu trò của Trung Quốc, thì việc cản trở sự bành trướng của Bắc Kinh sẽ ngày càng khó hơn. Đó là thách thức không chỉ cho các nước trong khu vực, mà còn đối với cả những quốc gia tôn trọng quyền tự do hàng hải hợp pháp.

Vũ trang tàu chấp pháp

Từ năm 2013, Hải cảnh Trung Quốc (CCG) được thống nhất dựa trên sự sáp nhập các lực lượng Hải giám (CMS), Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng - BCD), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp - FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).
Trước khi sáp nhập, Cục Ngư chính đã có trên 140 tàu với 10 tàu hơn 1.000 tấn, Hải giám (CMS) có trên 280 tàu với 27 tàu trên 1.000 tấn. Theo một báo cáo hồi đầu năm từ Đại học Hải chiến Mỹ, CCG đang vận hành không dưới 80 tàu trên 1.000 tấn, trong đó có gần 30 tàu trên 4.000 tấn. Phần lớn tàu đều được vũ trang.
Điển hình như tàu Haijing 37111 hay Haijing 35111 thuộc cùng loại tàu có chiều dài 102,4m, độ choán nước 2.300 tấn và tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ (khoảng 37 km/giờ). Lớp tàu này trang bị pháo 76mm cùng 2 pháo 30mm.
Với tàu trên dưới 2.500 tấn của CCG thì từ 5 năm trước đã mang được 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-9.

Nhận định của một thẩm phán Tòa án quốc tế về luật Biển

Trả lời PV dưới quan điểm cá nhân, một thẩm phán thuộc Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) - tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) - đã chỉ ra sự toan tính từ sớm của Trung Quốc trong việc tìm cách né tránh luật pháp quốc tế.
Theo ông, ngay từ khi ký kết tham gia UNCLOS 1982, Trung Quốc đã kèm theo một “phụ lục” là không chấp nhận thủ tục nào được quy định trong mục 2 phần 15 của UNCLOS đối với tất cả các tranh chấp được đề cập trong các khoản 1 (a), (b), (c) của điều 298 thuộc công ước.
Qua đó, Bắc Kinh tìm cách thoái thác trước các tòa quốc tế liên quan những tranh chấp như: phân định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử - vốn có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển; tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay của nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ không có tính chất thương mại...
Chính vì thế, để đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan các tranh chấp trên Biển Đông thì cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, để tránh rơi vào những trường hợp mà Trung Quốc tìm cách thoái thác. Cách mà Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) là một ví dụ.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn