Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đọc Thông điệp quốc gia ngày 22/7 (Ảnh: AP)
Trong bài diễn văn kéo dài 1 tiếng rưỡi, ông Duterte lý giải về thỏa thuận với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây tranh cãi thời gian qua, liên quan đến việc cho phép ngư dân Trung Quốc hoạt động đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines. Tổng thống cho rằng điều này không vi phạm hiến pháp Philippines.
Theo ông Duterte, thỏa thuận đánh bắt cá với Trung Quốc sẽ giúp bảo đảm không xảy ra xung đột ở các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông.
"Đó là thực tế," Duterte nói về việc Trung Quốc "kiểm soát" Biển Đông. "Đã có các tên lửa hành trình nằm trên đảo [nhân tạo, do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông-PV], có thể phóng đến Manila trong vòng 7 phút."
"Nếu mọi người muốn cử lính thủy quân lục chiến để xua đuổi ngư dân Trung Quốc thì sẽ không một ai sống sót trở về cả."
Hình ảnh tàu đánh cá FB Gem-Ver của Philippines ngày 15/6/2019, 6 ngày sau khi bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở Bãi Cỏ Rong trên Biển Đông (Ảnh: LeAnne Jazul/Rappler)
Duterte nói ông "thậm chí không thể điều động cảnh sát biển để xua đuổi [Trung Quốc]".
"Đó là vấn đề. Họ là những người chiếm hữu [Biển Đông]."
Dành thời lượng 9 phút để nói về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines tiết lộ đã đề nghị ông Tập Cận Bình "vui lòng cho phép" ngư dân Philippines làm việc ở... EEZ Philippines. Đổi lại, ông đã cho phép ngư dân Trung Quốc hoạt động trong khu vực.
"Khi ông Tập nói rằng 'Tôi sẽ đánh cá' thì ai mà cản được ông ấy?" Tổng thống Duterte nêu trong Sona 2019, cho biết ông đáp lại chủ tịch Trung Quốc rằng Philippines cũng sẽ đánh bắt cá trong khu vực.
"Tôi nói với ông ấy rằng 'xin hãy vui lòng cho phép' [ngư dân Philippines đánh bắt cá], bởi vì trước đây họ (Trung Quốc) đã xua đuổi ngư dân của chúng ta."
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. ngày hôm (23/7) bác bỏ phát ngôn của Tổng thống về việc Trung Quốc "sở hữu" Biển Đông. Theo ông, Trung Quốc chỉ thiết lập sự hiện diện ở những vùng tranh chấp lãnh thổ then chốt.
"Tôi cho rằng Tổng thống không nói [Trung Quốc] 'sở hữu' mà là 'hiện diện'," Esperon giải thích trong cuộc họp báo sau sự kiện.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng nhận xét rằng có thể Tổng thống Duterte chỉ có ý đề cập đến bãi cạn Scarborough khi ông tuyên bố Trung Quốc "sở hữu" Biển Đông.
Dù vậy, bất chấp ông Duterte bảo vệ thỏa thuận cho phép ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong EEZ Philippines, Esperon khẳng định cảnh sát biển nước này sẽ được chỉ thị để ngăn chặn những hành động như vậy.
"Đó là nhiệm vụ của chúng tôi (ngăn ngư dân Trung Quốc đánh cá trong EEZ-PV), nhưng tôi không hứa rằng chúng tôi sẽ có mặt được ở mọi nơi," ông nói.
Giới phê bình đã liên tiếp chỉ trích ông Duterte vì không hành động cứng rắn trước những động thái mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như không quyết liệt yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về bác bỏ yêu sách chủ quyền "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh áp đặt trên Biển Đông.
Theo Trí Thức Trẻ