Khu vực Đông Á dậy sóng hôm 23/7 khi máy bay chiến đấu của 4 cường quốc Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc xuất hiện trong cuộc đối đầu chưa từng có tiền lệ trên vùng trời ngoài khơi quần đảo Dokdo - trong tiếng Nhật là Takeshima - đối tượng tranh chấp từ lâu giữa Seoul và Tokyo.
Theo CNN, tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tuyên bố tiêm kích nước này đã bắn tổng cộng 360 phát đạn nhằm cảnh cáo chiếc cường kích kiêm chỉ huy trên không Beriev A-50 của Nga sau khi máy bay này 2 lần xâm nhập không phận Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên Seoul đưa ra cáo buộc đối với máy bay Nga.
Moscow lập tức bác bỏ cáo buộc của Seoul, đồng thời giận dữ tuyên bố cuộc xuất kích của máy bay F-15 Hàn Quốc đã can thiệp nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho máy bay Nga đang hoạt động phía trên vùng biển quốc tế.
Máy bay Beriev A-50 của quân đội Nga. Ảnh: AP. |
Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cáo buộc máy bay Nga đã xâm phạm không phận quần đảo Dokdo/Takeshima. Tokyo cho biết cũng đã cử máy bay xuất kích để ngăn chặn.
Chưa dừng lại ở đó, cả Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố 2 máy bay cường kích H-6 của Trung Quốc cũng xuất hiện trong đội hình bay cùng với các máy bay Nga hôm 23/7.
Tối cùng ngày, Moscow tuyên bố quân đội Nga và Trung Quốc đã hoàn thành cuộc tuần tra chung trên không đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dù Nga tuyên bố hoạt động hôm 23/7 không nhắm vào bất cứ quốc gia nào trong khu vực, các chuyên gia nhận định việc máy bay Beriev A-50 của Nga bay vào không phận gần quần đảo Dokdo/Takeshima có thể là bước đi có tính toán nhằm dụ Hàn Quốc và Nhật Bản cử máy bay xuất kích, từ đó giúp Moscow thu thập thông tin tình báo quân sự.
"Nhiệm vụ này sẽ giúp họ có được bản đồ tổng quát về hệ thống phòng không quốc gia của Hàn Quốc", Peter Layton, cựu phi công của Không quân Australia và hiện là chuyên gia tại Viện Griffith Asia, nhận định.
Từ Seoul, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố hoạt động chung hôm 23/7 thực chất là cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc.
Hàn Quốc cho biết 2 máy bay cường kích H-6 của Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không mà Hàn Quốc tuyên bố (KADIZ) từ lúc 6h44 ngày 23/7 theo giờ Seoul. Tiếp sau đó, hai chiếc cường kích Tu-95 của Nga cũng đi vào KADIZ.
Bốn chiếc máy bay này sau đó bay theo đội hình chung, quay trở lại KADIZ vào lúc 8h40 và ở di chuyển trong vùng này trong 24 phút sau đó.
Sau khi nhóm máy bay này rời khỏi KADIZ, một chiếc cường kích Beriev A-50 của Nga tiến vào KADIZ và xâm nhập vùng trời phía trên quần đảo Dokdo lúc 9h09 và 9h33. Mỗi lần xâm nhập của máy bay Nga kéo dài khoảng 3 phút.
Bản đồ hướng di chuyển của máy bay Nga và Trung Quốc hôm 23/7. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
Để đối phó với máy bay Nga, Hàn Quốc đã xuất kích hàng loạt máy bay chiến đấu F-15F và KF-16. Trong một thông báo sau đó, Seoul tuyên bố đã bắn tổng cộng 360 phát đạn cảnh cáo máy bay Nga.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đã gửi 30 tín hiệu cảnh báo tới máy bay Nga yêu cầu chấm dứt việc xâm nhập không phận nước này. Tuy nhiên, phi công Nga không hồi đáp tín hiệu cảnh báo của Hàn Quốc.
Từ Moscow, Bộ Quốc phòng Nga giận dữ bác bỏ cáo buộc và thông tin mà Seoul đưa ra. Moscow cáo buộc máy bay Hàn Quốc đã có hành xử không phù hợp trên không phận quốc tế.
"Họ đã có hành động thiếu chuyên nghiệp khi cắt ngang đường di chuyển của máy bay mang tên lửa chiến lược của Nga, đe dọa an toàn của máy bay", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố. Tuy nhiên, cơ quan này không làm rõ máy bay nào của Nga liên quan trong vụ việc.
Moscow tuyên bố không công nhận vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc, đồng thời cho biết đây không phải lần đầu tiên phi công Hàn Quốc thất bại trong nỗ lực ngăn cản máy bay Nga bay qua không phận trên vùng biển quốc tế.
Bộ Quốc phòng Nga cũng bác bỏ thông tin tiêm kích Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo. Moscow khẳng định nếu phi công Nga cảm thấy "bất cứ mối đe dọa nào về an toàn, họ sẽ có đáp trả ngay lập tức".
Cuộc đối đầu càng trở nên phức tạp hơn khi Tokyo cũng lên tiếng cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận quần đảo Dokdo/Takeshima, đồng thời cho biết máy bay Nhật Bản cũng xuất kích ngăn chặn sự xâm nhập của máy bay Nga.
"Chúng tôi xác nhận máy bay A-50 đã xâm phạm không phận Nhật Bản, trong khi 2 máy bay ném bom Tu-95 và 2 máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay xung quanh Nhật Bản. Chúng tôi đã có biện pháp đối phó với sự xâm phạm này", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố.
Khi nhận được câu hỏi từ phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết không nắm rõ chi tiết vụ việc.
"Các bạn dùng từ 'xâm nhập' và tôi muốn thận trọng khi sử dụng cụm từ đó, trong bối cảnh Trung Quốc và Hàn Quốc là những láng giềng thân thiện và đây là tình huống không rõ ràng", bà Hoa Xuân Oánh cho biết.
Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong cho biết Seoul đã gửi công hàm phản đối "mạnh mẽ" tới nhà chức trách Nga về vụ việc hôm 23/7.
"Chúng tôi coi đây là tình huống rất nghiêm trọng, nếu hành động kiểu như thế này còn tái diễn, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn", ông Chung tuyên bố.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới cả Nga và Hàn Quốc vì xâm phạm và nổ súng trong không phận nước này. Nhà chức trách Hàn Quốc sau đó bác bỏ công hàm phản đối của Nhật Bản.
Carl Schuster, cựu giám đốc từng làm việc tại Trung tâm Tình báo hỗn hợp của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, nhận định việc nổ súng cảnh cáo trên không có tính chất "rất rất nghiêm trọng" và "rất rất hiếm khi xảy ra".
Tiêm kích F-15 của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
Ông Schuster cho rằng việc tiêm kích Hàn Quốc nổ súng cho thấy Seoul coi sự xâm phạm của máy bay Nga là hành vi "rất nghiêm trọng và cố ý". Ông cho biết không thể lý giải việc máy bay Nga quay trở lại không phận Hàn Quốc sau loạt đạn cảnh cáo trong lần đầu tiên.
"Xâm nhập ở mức độ (khiến đối phương) phải nổ súng cảnh cáo quay đầu thường là kết quả của hành vi cố tình xâm nhập không phận", ông Schuster nói.
Khu vực Đông Á chất chứa những xung đột về lãnh thổ có tính lịch sử lâu dài. Tuy nhiên, Nga và Hàn Quốc hiếm khi rơi vào xung đột ở mức độ như vừa xảy ra hôm 23/7.
Vụ đụng độ trên không phận quần đảo Dokdo/Takeshima đã là sự cố căng thẳng thứ 8 trong đó quân đội Nga là một bên liên quan diễn ra tại khu vực Đông Á chỉ trong chưa đầy 2 tháng.
Trước đó, hai tàu chiến Mỹ và Nga đã suýt va chạm với nhau hôm 8/6. Cả Washington và Moscow đều đổ lỗi cho nhau trong vụ việc. Vị trí chính xác vụ việc giữa tàu chiến Nga và Mỹ không được công bố, tuy nhiên một số nguồn tin cho biết sự cố diễn ra ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Trong thời gian qua, quan hệ song phương Nga - Trung đã đạt đến đỉnh cao "chưa từng có", theo miêu tả của Tổng thống Putin. Trong bối cảnh cả Moscow và Bắc Kinh đứng trước sức ép từ Mỹ và phương Tây, quan hệ song phương được thắt chặt về mọi mặt, trong đó có đẩy mạnh hợp tác về quân sự.