|
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo |
Đánh giá về vụ việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông, thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nói: Đây là vấn đề được đánh giá hết sức nhạy cảm, phức tạp. Về phía Trung Quốc đây không phải lần đầu vi phạm quyền và chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng biển đã được quy định trong luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Còn Việt Nam tuyên bố vấn đề đó dựa trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế. Trung Quốc hành động như vậy là đi ngược lại với những vấn đề mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thống nhất với nhau - giải quyết mọi vấn đề, mọi tranh chấp theo luật pháp quốc tế thông qua con đường đối ngoại.
|
Tàu cá dân binh đi kèm bảo vệ tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang khảo sát trái phép gần khu vực bãi Tư Chính (Ảnh: Ngư dân cung cấp) |
Điều này có phần giống như lần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam năm 2014. Đó là thực tế không những Việt Nam phản đối mà cũng gây ra sự lo lắng, quan ngại của rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, những nước có liên quan đến Biển Đông, và kể cả những nước lớn có liên quan đến hàng hải trong khu vực, nhất là Mỹ. Do đó quốc tế cũng lên tiếng rất nhiều. Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần ra tuyên bố rất rõ quan điểm của đất nước.
Về đối sách ở thời điểm bây giờ và vị thế của Việt Nam hiện nay không giống như trước đây nữa, mà mọi ứng xử, hành động của Việt Nam hiện nay có tầm ảnh hưởng rất lớn đến khu vực và quốc tế, nhất là khi Việt Nam vừa trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Do đó Việt Nam chủ trương khẳng định quyền, chủ quyền, quyền tài phán với vùng biển mà Việt Nam khẳng định có cơ sở pháp lý, có căn cứ theo luật định quốc tế, được quốc tế công nhận. Mặt khác Việt Nam vẫn yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động đó.
“Nói một đằng, làm một nẻo”
Ông từng nói đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Nhưng theo ông, lần này có gì khác những lần trước không bởi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông?
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Nếu so sánh hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam, đối với vùng biển Việt Nam hiện nay so với trước kia thì xem ra Trung Quốc nhất quán một điều là "nói một đằng và làm một nẻo"... Chúng ta cần phải làm rõ điều này để cho thế giới, dư luận trong nước Trung Quốc và dư luận các nước trong khu vực nhận thức rõ bản chất, lời nói, việc làm của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Tiếp nữa, những hành động của họ theo chiều hướng ngày càng căng thẳng, mưu mô thâm độc, xảo quyệt hơn và theo xu hướng tiến lên chứ không lùi. Không chỉ sự việc giàn khoan mà họ xây dựng đảo nhân tạo, xây dựng sân bay, căn cứ quân sự ở trên những đảo nhân tạo. Rõ ràng những hành động đó Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông và lấy sức mạnh quân sự, lấy sức mạnh của hải quân Trung Quốc để đè nén các dân tộc khác trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần phải làm rõ điều đó cho nhân dân quốc tế, đặc biệt người dân các nước trong khu vực và chính nhân dân Trung Quốc cũng phải biết được điều đó.
Trung Quốc đang ngày càng đi sâu hơn, nguy hiểm hơn. Chúng ta không chỉ có phản đối như mọi lần mà lần này đã phản đối gay gắt hơn, nhanh chóng hơn. Vấn đề đấu tranh trên phạm vi quốc tế chúng ta đã làm rồi. Còn trên các vấn đề khác thì lãnh đạo cấp cao giữa hai nước sẽ còn phải gặp nhau, còn phải nói chuyện và theo tôi nghĩ chúng ta đã thẳng thắn, đã nói ra những vấn đề mà chúng ta không thể chấp nhận được đối với những hành động của Trung Quốc. Chỉ có như vậy chúng ta mới bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ được tự do và độc lập của chúng ta. Quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường hòa bình để đất nước cất cánh, phát triển.
Không được buông lơi chủ quyền của Tổ quốc
Trung Quốc luôn nhất quán chủ trương, đặc biệt ở Biển Đông, đó là chính sách, hành động nhằm biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp sau đó sử dụng sức mạnh quân sự gây hấn, khiêu khích để phục vụ cho ý đồ bành trướng, khẳng định chủ quyền vô lý. Ông nhận định vấn đề này như thế nào và theo ông trong lúc này Việt Nam cần có đối sách, hành động gì để vừa bảo vệ được chủ quyền cũng như bảo vệ môi trường hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước?
Nếu như nói Trung Quốc có chính sách đó thì chúng ta cần phải nghiên cứu. Nhưng rõ ràng ở những nơi có tranh chấp thì Trung Quốc luôn thể hiện sức mạnh quân sự. Điều đó thống nhất với quan điểm của họ hiện nay đang muốn vươn lên vị trí số 1 thế giới chứ không chỉ số 2, kể cả về kinh tế, quân sự. Và kéo theo đó họ muốn gây áp lực với thế giới bằng quan điểm chính tri, ngoại giao. Điều này vấp phải sự phản ứng không chỉ của Việt Nam và của nhiều nước trong khu vực, quốc tế. Vì vậy sức mạnh để chống lại xu hướng quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và ở khu vực khác thì rõ ràng chúng ta không chỉ trông chờ vào một lực lượng là quân sự, mà chúng ta phải nắm vững quan điểm của chúng ta là sự chính nghĩa... Có thể lúc đầu thế lực này, thế lực khác không chịu thừa nhận nhưng lịch sử vẫn là lịch sử sẽ phải thừa nhận sự chính nghĩa của Việt Nam.
|
Lược đồ vị trí bãi Tư Chính (Nguồn UNCLOS-CIA) |
Hiện nay bối cảnh và điều kiện đã thay đổi nhưng mục tiêu nhất quán của Việt Nam là độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ như một phương thức, mục tiêu cụ thể cần phải nghiên cứu, cần phải tế nhị trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên tế nhị không có nghĩa là bỏ, buông lơi chủ quyền của Tổ quốc, của nhân dân. Đấy là quan điểm của chúng ta. Chính vì thế sức mạnh bảo vệ Tổ quốc bây giờ không đơn thuần chỉ là vấn đề quân sự mà còn là sức mạnh chính trị, ngoại giao và phần nào đó còn là sức mạnh về kinh tế, xã hội.
Việt Nam hiện có dân số đứng thứ 13 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Vị thế kinh tế của Việt Nam không chỉ mở rộng làm ăn với Trung Quốc mà còn nhiều nước khác mà mới đây nhất Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU được coi như "con đường cao tốc" nối liền Việt Nam với châu Âu. Đây là lợi thế rất lớn và nếu Việt Nam phát huy được lợi thế này thì các nước phải dè dặt trong việc gây sức ép với Việt Nam kể cả sức ép về kinh tế.
Hiện nay nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam là phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội để lấy đó làm thế mạnh để bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng sức mạnh vật chất mà còn là sức mạnh tinh thần, bằng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Khi Việt Nam đã có thế đứng về kinh tế, xã hội, đất nước Việt Nam hùng cường thì các nước khác sẽ phải thừa nhận những vấn đề mà Việt Nam tuyên bố và đưa ra. Đó là phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Có chính nghĩa, Việt Nam sẽ được quốc tế ủng hộ
Như vậy hành động của xâm lấn của tàu khảo sát Hải Dương 8 thể hiện một điều rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ yêu sách, tham vọng về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông?
Trung Quốc đang muốn đứng lên, trở thành vị trí đầu tàu, vị trí số 1 dẫn dắt thế giới theo quan điểm của mình nhưng ngọn cờ của họ có chính nghĩa, có tập hợp được lực lượng quốc tế hay không là vấn đề khác. Chứ không phải cứ mạnh về kinh tế là có thể sai bảo được các nước.
|
Tàu Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines diễn tập đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông hồi tháng 5 |
Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy nếu chúng ta có chính nghĩa thì trước hay sau dư luận sẽ ủng hộ. Tất nhiên mỗi cách đều có cái giá phải chấp nhận và cần phải có sự tính toán khoa học, chi tiết, cẩn thận và lấy lợi ích quốc gia, độc lập chủ quyền lên hàng đầu. Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ này sẽ tạo môi trường hòa bình, ổn định của Việt Nam trong nội địa cũng như trên biển, trong nước, khu vực, quốc tế để tiếp tục có được sự thu hút đầu tư, hay nói cách khác có sự ủng hộ, quan hệ chặt chẽ kinh tế với thế giới. Và một khi Việt Nam đã có những quan hệ đó thì rõ ràng hành động của Trung Quốc không phải chỉ tác động tới quyền lợi của Việt Nam mà còn tác động tới quyền lợi tới các nước đang có quan hệ làm ăn với Việt Nam. Vì vậy bằng cách gián tiếp, Việt Nam đã tập hợp được lực lượng quốc tế đứng về phía mình trong mọi chuyện kể cả vấn đề Biển Đông.
Cảm ơn ông!
Theo Thanh Niên