Phóng viên: Trước những vi phạm của Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam trong những ngày qua, quan điểm của ông thế nào?
|
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Những ngày qua, hoạt động của tàu Trung Quốc ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là đã vi phạm luật, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và luật pháp quốc tế.
Cần nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc với những câu chuyện áp đặt chủ quyền một cách phi lý theo đường lưỡi bò của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Việc biến vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp, hoàn toàn thuộc quyền hợp pháp của Việt Nam theo UNCLOS 1982 thành vùng biển có tranh chấp cũng hoàn toàn không thể chấp nhận. Nghĩa vụ của các nước là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin, trong đó có việc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác đối với các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế.
Ông đánh giá thế nào về các giải pháp mà Việt Nam thực hiện khi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam lần này?
- Việt Nam kiên quyết giữ vững quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển theo UNCLOS 1982 nhưng luôn coi trọng giữ được môi trường hòa bình. Việt Nam luôn nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, trong đó có việc tôn trọng vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Không thể xóa nhòa được điều đó.
Lực lượng chức năng luôn hiện diện tại vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam Ảnh: Lương Duy Cường
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ trương tất cả các vấn đề còn bất đồng trước tiên đều phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong quá trình xảy ra vụ việc này, Việt Nam duy trì thường xuyên đối thoại với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, rút các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đây là chủ trương rất xác đáng, vừa chính đáng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Đây là biện pháp vừa mềm mỏng vừa kiên quyết vừa kiên trì đối thoại để duy trì luật pháp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, đồng thời các lực lượng trên biển của Việt Nam vẫn hiện diện để bảo đảm thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia.
Nếu Trung Quốc không rút thì Việt Nam nên hành động và phản ứng thế nào? Đâu là biện pháp vừa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc vừa giữ được hòa bình, ổn định trên Biển Đông của đất nước và khu vực?
- Để vừa bảo đảm chủ quyền biển đảo, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông vừa duy trì môi trường hòa bình, Việt Nam vừa kiên trì đối thoại với Trung Quốc, khẳng định nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đề nghị Trung Quốc rút tàu vi phạm, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam.
Có mấy điều các nước đều phải thực hiện: Tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Thứ hai, không chỉ các nước trong khu vực mà cả các nước khác, cả cộng đồng quốc tế có trách nhiệm tham gia vào hành động vì an ninh, an toàn hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 là lợi ích của tất cả các quốc gia, của cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam cần chia sẻ với công luận về vấn đề này.
Khi có phức tạp nảy sinh, phải xây dựng lòng tin và giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Nếu tình hình còn diễn biến phức tạp, Việt Nam sẽ vừa kiên trì đối thoại với Trung Quốc vừa kiên trì các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 để bảo vệ chủ quyền của mình nhưng đồng thời cũng phải làm cho quốc tế và công luận biết chuyện này. Các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có Trung Quốc và ASEAN, phải có trách nhiệm bảo đảm môi trường hòa bình ở khu vực và tôn trọng luật pháp quốc tế. ASEAN bảo đảm các nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc về các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Trong bối cảnh các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để đi đến ký kết văn bản Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông đánh giá thế nào về tác động hành động này của Trung Quốc với tiến trình đàm phán COC?
- Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, xây dựng lòng tin, trong đó có tôn trọng vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình, đó mới chính là những điểm căn bản để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và là cơ sở để hướng tới một COC thực chất và có hiệu quả. Rất mong các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, tuân thủ nguyên tắc đó, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển, trong đó có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Theo NLĐ