Tàu hải cảnh Trung Quốc (phía trên) cản trở tàu tiếp tế Philippines ở Biển Đông năm 2014. Ảnh: PBS. |
Trong thông điệp Quốc gia hôm 22/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng không thể đưa lực lượng cảnh sát biển xua đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế nước này ở Biển Đông vì "Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và đang sở hữu vùng biển đó".
Phát biểu này của Duterte lập tức vấp phải phản ứng của nhiều quan chức cấp cao Philippines. Phó chánh án tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng Trung Quốc đang chiếm trái phép 7 đảo nhân tạo cùng bãi cạn Scarborough vốn có diện tích chưa tới 7% Biển Đông, nên không thể nói rằng Trung Quốc "sở hữu" vùng biển này.
"Hải quân các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Canada vẫn thường xuyên đi qua, diễn tập ở Biển Đông, cho thấy Trung Quốc không sở hữu khu vực đó", ông Carpio viết.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. hôm qua khẳng định Trung Quốc chỉ "hiện diện" trên Biển Đông bằng việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và triển khai phi pháp khí tài, binh sĩ trên đó.
Các hành động này của Trung Quốc đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa Biển Đông và không đồng nghĩa với việc nước này "sở hữu" toàn bộ vùng biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng ủng hộ lập luận này của Esperon.
Tuy nhiên, Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, hôm nay lại tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Bắc Kinh vừa "sở hữu" vừa "kiểm soát" vùng biển giàu tài nguyên này. "Khi Tổng thống nói rằng Trung Quốc đang sở hữu (Biển Đông), ngài ấy ám chỉ vị trí của các tiền đồn quân sự Trung Quốc ở đó. Đây là lý do họ kiểm soát vùng biển này", Panelo nói.
Tổng thống Duterte từng nhiều lần bị các nghị sĩ đối lập và cả quan chức trong chính quyền chỉ trích vì lập trường mềm mỏng trước yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông bằng "đường 9 đoạn" do nước này đơn phương vẽ ra, dù nó đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Trong phát biểu hôm 22/7, Duterte giải thích rằng ông chỉ đang thực hiện "hành động cân bằng tinh tế" trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời cho biết sẽ thực thi phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực nhưng "vào thời điểm thích hợp".