"Chính quyền hiện tại không làm gì để thực thi phán quyết cách đây 3 năm. Các hành vi vô ý hoặc cố ý của họ đang làm dấy lên nguy cơ từ bỏ hoặc giảm nhẹ phán quyết của Tòa trọng tài", Phó chánh án Toà án Tối cao Philippines Antonio Carpio phát biểu đúng dịp Philippines kỷ niệm 3 năm Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hague ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.
"Chúng tôi đang làm suy yếu vị thế của mình bằng cách để Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)", ông Carpio cho hay.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario cho rằng thắng lợi của Philippines cách đây 3 năm đang bị gác lại, kéo theo những hành vi đe dọa và bắt nạt trái phép ở Biển Đông.
Tổng thống Duterte khẳng định Trung Quốc vẫn sẽ được phép đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vì tình hữu nghị giữa 2 nước. (Ảnh: Rappler) |
Tuyên bố của Phó chánh án và Cựu Ngoại trưởng Philippines đưa ra sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte mới đây cho biết ông cho phép Trung Quốc tiếp tục đánh cá ở Vùng đặc quyền kinh tế Philippines bất chấp căng thẳng giữa 2 nước sau vụ tàu cá nước này bị đâm chìm ở bãi Cỏ Rong. Phủ Tổng thống Philippines sau đó cải chính tuyên bố này, nhưng bản thân ông Duterte chưa hề lên tiếng.
Lời bố cáo trên của ông Duterte dường như đi ngược lại với phán quyết tại tòa La Hague hôm 12/7/2016, tuyên bố duy trì các quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Rappler cho rằng khẳng định mới đây của nhà lãnh đạo Philippines cho thấy Manila đang thua Bắc Kinh dù 3 năm trước đó họ giành được phần thắng được quốc tế công nhận.
Cũng theo Rappler, vào ngày kỷ niệm phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông hôm 12/7 mới đây, chính phủ Philippines không đưa ra bất cứ tuyên bố nào.
Biểu tình gần điện Malacañang nhân kỷ niệm 3 năm Tòa Trọng tài quốc tế La Hague ra phán quyết về Biển Đông. (Ảnh: Rappler) |
Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, Trung Quốc trên thực tế chỉ tuân thủ 2 trong tổng số 11 phán quyết đưa ra tại La Hague. Đó là cho phép người Philippines đánh cá dọc bên ngoài bãi cạn Scarborough và ngừng hủy hoại môi trường ở Biển Đông (nhưng chỉ về mặt kỹ thuật).
Theo Rappler, việc Trung Quốc không tuân thủ 9 phán quyết còn lại là không thể chấp nhận, nhưng điều tồi tệ hơn là Philippines đang từ chối thực thi các phán quyết ở La Hague.
Thậm chí vào tháng 8/2017, Mỹ, Australia và Nhật Bản phải thúc giục Manila hiện thực hóa chiến thắng pháp lý của mình trong việc chống lại các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte thường xuyên đề cập tới mối đe dọa chiến tranh với Trung Quốc nếu Philippines tuân thủ phán quyết tại Tòa trọng tài.
Điều này cùng với việc không có một lực lượng cảnh sát quốc tế giám sát việc Trung Quốc thực thi phán quyết tai La Hague theo luật sư Paul Reichler, người góp công lớn trong chiến thắng của Manila trước Bắc Kinh cách đây 3 năm là 2 trong số các nguyên nhân khiến phán quyết năm 2016 không mang lại quá nhiều ý nghĩa.
"Làm thế nào bạn có thể khiến một đất nước lớn, mạnh tuân thủ nghĩa vụ của họ, đặc biệt khi bạn là quốc gia nhỏ hơn, yếu thế hơn. Chỉ có thể là hợp tác với các quốc gia khác có cùng lợi ích để kêu gọi, gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền", ông Reichler phân tích.
Ông Reichler gợi ý Philippines có thể bắt tay với Indonesia, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có chung lợi ích với Manila để ngăn cản một Trung Quốc với dã tâm bành trướng khu vực đang ngày càng lộ rõ.
"Tôi cho rằng Trung Quốc lớn và hùng mạnh tới mức chỉ có nhóm các quốc gia hành động cùng nhau mới đối đầu được với họ", vị luật sư nổi tiếng cho hay.
Ông Carpio chia sẻ các quan điểm tương tự. Cùng với đó, theo ông, các chiến dịch tự do hàng hải mà các cường quốc như Mỹ, Anh, Nhật Bản cũng đang giúp thi hành phán quyết của tòa Trọng tài ở Biển Đông.
"Các chiến dịch này là các cách thức thi hành phán quyết mạnh mẽ nhất. Nhưng không may, chính phủ của ông Duterte lại tự tách mình khỏi các chiến dịch này", ông Carpio nhận định.
Trong một cuộc khảo sát mới đây, 84% người Philippines được hỏi tin rằng "chính phủ nên thành lập một liên minh với các quốc gia khác sẵn sàng giúp đỡ bảo vệ an ninh ở Biển Đông". Theo Rappler, đây có thể sẽ là một phương án hiệu quả nếu nhìn vào thực tế hiện nay rằng Trung Quốc đang rất "ngán" các liên minh đa phương. Họ thích các cuộc đàm phán song phương với các nước láng giềng yếu ớt hơn.
Theo luật sư Reichler, Philippines với tư cách là một quốc gia có chủ quyền có quyền lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất để đối phó với Trung Quốc.
Nhiều nghị sỹ đối lập chỉ trích Tổng thống Duterte nhún nhường Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn. (Ảnh: Phủ Tổng thống Philippines) |
"Tuy nhiên, người ta hy vọng rằng sẽ có một phương án vừa đảm bảo lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, vừa không giảm thiểu các quyền chủ quyền của Philippines cũng như mở rộng các nỗ lực giành chiến thắng trên Biển Đông", ông nói.
Với cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Duterte, nhiều người lo ngại những gì Philippines nỗ lực trong suốt nhiều năm để đạt tới chiến thắng tại La Hague có thể sẽ "đổ sông, đổ bể".
Nhưng ông Reichler cho rằng không phải vậy.
"Có những lợi ích rất tích cực từ phán quyết đó. Chẳng hạn như việc ngư dân Philippines đánh cá một lần nữa tại bãi cạn Scarborough. Cùng với đó, các quyền rõ ràng và vững chắc của Philippines mãi mãi được thiết lập ở Biển Đông", vị luật sư với 30 năm “hành hiệp” trên các phiên tòa quốc tế cho hay, khẳng định không có bất cứ cá nhân hành động nào có thể bác bỏ phán quyết năm 2016.
"Đó là một phán quyết vĩnh viễn trong hệ thống pháp lý quốc tế. Chỉ có thắc mắc rằng liệu Philippines có quyết định hưởng các quyền lợi từ phán quyết này không", ông nói.
Vị luật sư tốt nghiệp trường Luật Harvard khẳng định dựa trên hiểu biết của ông, chính phủ Philippines không từ bỏ bất cứ phán quyết nào, chỉ có chăng Manila không thực hiện các quyền mà mình được hưởng một cách đầy đủ và điều này đang tạo ra khoảng trống mà Trung Quốc "thích thú" lấp đầy.
"Các quyền sẽ luôn là của Philippines và nó sẽ tùy thuộc vào việc Philippines khi nào và như thế nào thực thi và củng cố chúng", ông cho hay.
Theo VTC