KTS Nam Sơn: Làm đường sắt tốc độ cao phải tính đến quy hoạch đô thị xung quanh

Thứ tư, 24/07/2019, 09:31
“Muốn phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì phải đi kèm quy hoạch đô thị tương xứng ở khu vực xung quanh. Tôi cho rằng chúng ta không nên bàn đến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho đến khi đường bộ cao tốc hoàn thiện", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Ảnh minh họa

Đầu tháng 7 vừa qua, trong văn bản gửi Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD. Trong khi trước đó Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra con số là 58,7 tỷ USD. Tương ứng với việc tốc độ của tuyến giảm từ 350km/h xuống còn 200km/h.

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ quan điểm: “Theo tôi các Bộ có thể nghiên cứu dự án, nhưng chưa nên xây dựng. Tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam”.

Có hai lý do để ông Sơn đưa ra nhận định trên, thứ nhất là đường bộ cao tốc sẽ đáp ứng lập tức cho nhu cầu các tỉnh, trong khi đường sắt, hay đường không hoặc đường thủy chỉ đáp ứng một phần. Thứ hai là, tính chất kích cầu phát triển đô thị của loại đường này.

Phân tích sâu hơn, KTS Sơn cho rằng nhiều thập niên qua, các tỉnh có tình trạng “đua nhau” làm bến cảng, sân bay. Từ đó dẫn đến việc có những nơi bị quá tải, nhưng cũng có những nơi không sử dụng hết công suất, như sân bay Cần Thơ là 1 ví dụ.

“Đường bộ cao tốc sẽ kết nối các tỉnh và các đầu mối giao thông, điều này sẽ đưa tất cả những hạ tầng đang hoạt động dưới công suất vào khai thác, phát triển” – ông Sơn nói.

Ngoài ra theo ông Sơn, đường bộ cao tốc còn góp phần giải quyết vấn đề ách tắc tại các đô thị loại 1 như Hà Nội, TP.HCM… vì khi thực hiện sẽ có các tuyến vành đai, hướng tâm, nhờ đó có thể điều hướng, tổ chức lại giao thông nhằm giảm tải.

Cũng theo vị KTS, hệ thống đường cao tốc như một sợi xích, mà nếu một số mắt bị đứt sẽ làm mất đi tính hiệu quả. Trong khi thực tế hệ thống đường cao tốc hiện chưa hoàn chỉnh, còn kinh phí xây dựng lại tại “đang thiếu chứ không dư giả”, và nếu đầu tư dàn trải thì không hiệu quả.

“Tôi cho rằng chúng ta không nên bàn đến đường sắt cao tốc cho đến khi đường bộ cao tốc hoàn thiện” – ông Sơn cho hay.

KTS Ngô Viết Nam Sơn.

Về con số chênh lệch 32 tỷ USD giữa hai phương án, KTS Sơn nhận định đó là “tư duy đơn ngành” – điều mà ông cho rằng “rất nguy hiểm”.

“Muốn phát triển đường sắt cao tốc thì phải đi kèm quy hoạch đô thị tương xứng ở khu vực xung quanh. Tôi thấy lo ngại bởi hiện chúng ta chỉ tập trung vào giá trị tuyến đường sắt.

Theo tôi, cần “đưa” Bộ Xây dựng vào thực hiện dự án vì đường sắt cao tốc cũng giống như metro – khi quy hoạch không nên bỏ qua giá trị địa ốc quanh các ga. Như vậy các tỉnh, thành có ga cần có giao thông cao tốc kết nối và quy hoạch lại đô thị.

"Ở Nhật Bản, khi quy hoạch hệ thống tàu cao tốc Shinkansen họ cũng đồng thời quy hoạch luôn khu đô thị xung quanh. Vì vậy, chúng ta cũng nên tính bài toán kinh tế không chỉ cho đường sắt mà cần cả chi phí cho quy hoạch đô thị phù hợp với đường sắt, dù việc bổ sung có thể tăng chi phí lên hàng chục lần” – KTS Nam nêu quan điểm.

Cũng theo KTS Sơn, khi làm đường sắt cao tốc thì đất đai lân cận nhà ga sẽ tăng lên. Giá trị đất trước khi có đường sắt là 1 thì sau có thể là tăng lên 30-50 lần, và tiền chênh lệch đó sẽ bù lại cho chi phí xây dựng.

Ông Sơn đề nghị tính đến khoản kinh phí này chứ không hoàn toàn chờ nguồn vốn ngân sách, vì vậy lúc này cần xác định quy hoạch tại các vùng đất đó, bởi “sẽ tốn tiền quy hoạch” nhưng “cũng là cơ hội để thu hút đầu tư”.

“Giờ vốn đầu tư cho là hơn 50 tỷ USD, nhưng nếu kèm theo quy hoạch chỉnh trang đô thị từ Bắc tới Nam thì có thể thành 500 tỷ USD. Nhưng nhà nước không phải bỏ ra số tiền này mà khi làm xong sẽ thu lại tương đương” – ông Sơn lấy ví dụ.

Một chức năng quan trọng khác của hệ thống này còn là chở hàng hóa, do đó KTS Sơn cho rằng trong xác định hướng tuyến cần tính cả đến việc kết nối với các khu công nghiệp.

Với các lập luận trên, ông Sơn cho rằng “đây là kế hoạch dài hạn, phù hợp với quan điểm không nên làm bây giờ mà các Bộ cần thời gian từ 3-5 năm để hoàn thiện”.

“Các Bộ đang ngồi lại để duyệt dự án của Bộ GTVT, đây là cách tiếp cận chưa đúng. Đúng hơn, trên nền của Bộ GTVT thì Bộ Xây dựng cần đưa ra quy hoạch tương ứng, Bộ Công thương cần đưa ra giải pháp kết nối với các khu công nghiệp, Bộ Tài chính cần tính ngân sách có thể đảm đương bao nhiêu, và Bộ KH&ĐT sẽ tính các giai đoạn đầu tư.

Đây phải là kế hoạch tổng thể của các Bộ, thay vì các Bộ xúm lại bàn nên làm tốc độ 200 hay 300km/h” – ông Sơn nói.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley và có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích