Quân đội Hàn Quốc cho biết hai vụ phóng được ghi nhận vào lúc 5h34 và 5h57 ngày 25/7 (giờ địa phương). Các vật thể được nghi là tên lửa tầm ngắn, phóng từ thành phố Wonson của Triều Tiên, bay 430km hướng ra Biển Nhật Bản, tức vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, theo CNN.
Đại diện Bộ Tổng tham mưu (JCS) của Hàn Quốc nói quân đội đang theo dõi các diễn biến liên quan và "trong tư thế sẵn sàng ứng phó các vụ phóng thử khác". Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên trả lời Yonhap xác nhận Washington đang theo dõi những diễn biến liên quan đến vụ phóng.
"Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích các chi tiết liên quan đến hai vụ phóng này", JCS cho biết.
Một đợt thử tên lửa được Triều Tiên công bố hình ảnh vào tháng 3/2017. Ảnh: AFP. |
Một quan chức quốc phòng tiết lộ với CNN đánh giá ban đầu cho thấy Triều Tiên đã phóng ít nhất một tên lửa tầm ngắn. Vụ việc được đánh giá có nhiều nét tương đồng với đợt thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên hồi tháng 5.
Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, người thường xuyên bị Triều Tiên chỉ trích vì những chính sách diều hâu nhắm vào nước này, có mặt tại Seoul. Ông gặp các quan chức Hàn Quốc để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo chuyên gia về khoa học chính trị và tên lửa Triều Tiên Vipin Narang, Viện Công nghệ Massachusetts, những mô tả ban đầu của quan chức Mỹ cho thấy Triều Tiên đã phóng một loại tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn. Đợt phóng tên lửa của Triều Tiên vào tháng 5 cũng có các đặc tính tương tự. Đó cũng là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa kể từ tháng 11/2017 sau khi tuyên bố đã phát triển xong năng lực vũ khí hạt nhân và chuyển hướng tập trung vào kinh tế.
Vệt khói sau đợt phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 5/5. Ảnh: Planet Lab. |
Vụ phóng tên lửa ngày 25/7 có thể là cách Bình Nhưỡng phản ứng trước thông báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận chung vào tháng tới. Bình Nhưỡng chỉ trích động thái này vi phạm những cam kết giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong các hội nghị thượng đỉnh.
"Vụ phóng không mang tính khiêu khích mạnh như trước, nhưng bản chất vẫn là ăn miếng trả miếng", Narang nhận định.