Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng 10/2017. (Ảnh: CSIS). |
Yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc có nguồn gốc từ sự thiếu hiểu biết và nhầm lẫn nghiêm trọng về Biển Đông của Trung Quốc trong giai đoạn 1933 - 1947, học giả Bill Hayton từ viện Chatham House của Anh khẳng định tại Hội thảo về Biển Đông lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Mỹ (CSIS) tổ chức tại Washington ngày 24/7.
Hayton dẫn các tài liệu và minh chứng lịch sử từ Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chỉ bắt đầu quan tâm đến Hoàng Sa từ năm 1909, sau khi có thông tin Nhật Bản chiếm đóng và khai thác đảo Pratas, nằm gần Đài Loan. Đầu tháng 6/1909, Trung Quốc bắt đầu tổ chức đoàn khảo sát đi Hoàng Sa (nơi Việt Nam đã xác lập chủ quyền từ thế kỷ 17) và nêu yêu sách với quần đảo. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát và nhiều năm sau đó, Trung Quốc không quan tâm và có bất cứ động thái gì để thể hiện "chủ quyền" với quần đảo này, thậm chí Trung Quốc còn coi Hoàng Sa là cái "bẫy chết người", thường xuyên làm đắm tàu thuyền nước ngoài.
Cho tới ngày 14/7/1933, sau khi Pháp, lúc đó là chính quyền bảo hộ cho Việt Nam, khẳng định có chủ quyền với các thực thể ở Trường Sa, nội bộ Trung Quốc hoàn toàn không hay biết về sự tồn tại của Trường Sa, vẫn nhầm tưởng Trường Sa và Hoàng Sa là một. Trong một văn bản Bộ Hải quân Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/7/1933 nhằm xác minh thông tin về việc Pháp khẳng định chủ quyền với Trường Sa, bộ này khẳng định "sau khi khảo sát, không thấy có đảo nào ở 10 độ vĩ Bắc, 150 độ kinh Đông giữa Việt Nam và Philippines".
Tuy nhiên, vì nghi ngờ kết luận trên của Bộ Hải quân, chính phủ Trung Quốc lúc đó thành lập một "Uỷ ban điều tra về bản đồ đất nước" và đã tiến hành 25 cuộc họp từ giữa năm 1933 đến cuối năm 1934. Ủy ban này lập nên một danh sách 132 đảo được coi là của Trung Quốc ở Biển Đông.
|
Bill Hayton tại hội thảo của CSIS ở Mỹ ngày 24/7. (Ảnh: CSIS). |
Theo Hayton, danh sách này được sao chép và biên dịch hoàn toàn từ tiếng Anh sang tiếng Trung từ một Bản đồ Thuỷ Văn về Biển Đông do Anh vẽ năm 1906. Trong bản danh sách sao chép đó, các tên đảo được phiên âm sang tiếng Trung từ tên tiếng Anh. Ví dụ, bãi James Shoal được dịch và phiên âm thành Bãi Tăng mẫu, Vanguard Bank (bãi Tư Chính của Việt Nam) thành Bãi Tiền vệ (sau này đổi tên thành Vạn An Bắc).
Trong quá trình sao chép và phiên âm, Trung Quốc vô tình sao chép cả các lỗi và nhầm lẫn từ Bản đồ Thuỷ Văn của người Anh mà không hay biết. Nhiều thực thể trong danh sách không tồn tại trên thực địa vẫn được Trung Quốc đưa vào danh sách.
Cho tới năm 1933, Trung Quốc chưa bao giờ quan tâm, có yêu sách, và cũng chưa bao giờ khảo sát toàn bộ Biển Đông.
"Tuy nhiên, người Anh biết rõ các nhầm lẫn của mình nên đã nhận ra các nhầm lẫn y hệt trong danh sách đảo mà Trung Quốc sao chép", Bill Hayton nói.
Một bằng chứng khác về việc Trung Quốc hoàn toàn không có thông tin về các thực thể ở Biển Đông là Trung Quốc đã máy móc dịch tên đảo và hiểu sai hoàn toàn bản chất các thực thể ở Biển Đông. Bãi ngầm, trong tiếng Anh gọi là "shoal", đã được Trung Quốc dịch thành Bãi (滩 - Tan) và hiểu đó là các đảo, bãi nổi.
|
Bản đồ quần đảo châu Á, do Công ty Eastward Stanford xuất bản năm 1918. |
Vì nhầm tưởng các bãi ngầm Tăng Mẫu (James shoal) và Vạn An Bắc (Vanguard bank) là bãi nổi, năm 1936, Bạch Mai Sơ, một nhà địa lý học Trung Quốc đã vẽ một đường nét liền bao quanh các "đảo" trên Biển Đông, lấn sâu xuống phía Nam và phía Tây Biển Đông để thể hiện cái gọi là chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. Bản Đồ của Bạch Mai Sơ sử dụng có nguồn gốc từ bản đồ năm 1918 của Anh về Biển Đông.
"Sự thiếu hiểu biết và sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc về Biển Đông đã khiến 'đường 9 đoạn' có hình thù như hiện nay", Hayton nhận định.
Trịnh Tư Ước và Phó Giác Kim, hai sinh viên giúp Bạch Mai Sơ vẽ đường chữ U liền đoạn sai lầm nói trên, đã được tuyển dụng vào Bộ Nội vụ Trung Quốc vào năm 1946 và được giao nhiệm vụ xác lập biên giới quốc gia sau khi Thế chiến II kết thúc. Dựa trên bản đồ đường chữ U sai trái mà họ hỗ trợ vẽ năm 1936, họ đã tiếp tục dựng lên bản đồ đường chữ U 11 đoạn đầu tiên cho chính phủ Trung Quốc vào năm 1947.
|
Bản đồ đường chữ U đầu tiên Bạch Mai Sơ xuất bản năm 1936 là đường quy thuộc các "đảo" ở Biển Đông. (Ảnh: Bill Hayton). |
Yêu sách này cũng đã liên tục thay đổi trong nửa đầu thế kỷ 20. Hayton cho rằng nếu vào những năm 1930 - 1950, Trung Quốc thực sự hiểu biết về trạng thái địa lý các thực thể trên Biển Đông, đường chữ U mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông có thể bé hơn nhiều lần so với đường chữ U hiện nay.
"Minh chứng lịch sử nêu trên cho thấy cái gọi là yêu sách 'đường 9 đoạn' hiện nay của Trung Quốc là một yêu sách rất mới xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và các nhầm lẫn của Trung Quốc về Biển Đông", theo Bill Hayton. Hayton thậm chí còn cho rằng "đường 9 đoạn" còn ít tuổi hơn cả bố mẹ của ông, "chứ không phải đã có từ nghìn đời nay như Trung Quốc thường nói".
Hayton cho rằng nhầm lẫn của Trung Quốc trong lịch sử là nguồn gốc chính của tranh chấp Biển Đông hiện nay. Vì vậy, một hướng tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông hiện nay là làm rõ sự thật lịch sử.
"Đài Loan là nơi lưu trữ tất cả các hồ sơ của Trung Quốc những năm 1930 - 1940. Họ có thể nắm giữ chìa khoá quan trọng cho tranh chấp Biển Đông hiện nay", Hayton gợi ý.
Theo VNE