Một số người chơi lan ở Lâm Đồng cho biết buổi lễ giao dịch chậụ hoa lan có giá kỷ lục này được gia đình anh Tống Duy Dân (30 tuổi, ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) tổ chức một cách long trọng trước sự chứng kiến của nhiều người dân và giới sưu tầm lan.
Anh Tống Duy Dân bên chậu hoa vừa được bán với giá 5 tỷ đồng
Hoa giả hạc vùng Ma Bó của Lâm Đồng này là loại quý hiếm và cây hoa của anh Dân độc đáo nhất. Người chơi lan thường chơi lá rồi tới chơi hoa, riêng cây Giả hạc Ma Bó của anh Dân đẹp cả lá và hoa nên giá trị rất cao.
Ngày 25/7, anh Tống Duy Dân xác nhận chuyện này và cho biết sau hơn 10 năm sưu tầm hoa lan thì đây là chậu hoa mà anh ưng ý nhất.
Chậu hoa này có 2 thân tơ (mỗi thân dài 65cm) và một thân già 80cm. Cánh hoa màu hồng cánh sen, loại cánh sáp rất dày, mũi màu hồng, khuôn hoa đều và mặt hoa rất đẹp.
Lá đột biến màu vàng nhạt làm nổi bật các sọc xanh xen kẽ trông rất lạ mắt hoặc lá màu xanh xen kẻ các sọc vàng, gần giống như lá cây Phát tài. Hoa có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
Lá loài lan này đột biến gần giống lá cây Phát tài
Anh Dân kể cách đây một năm rưỡi anh đã mua chậu hoa này của một người bạn chơi lan với giá 1 triệu đồng. Sở dĩ anh thích chậu lan này vì có lá sọc đột biến giống lá cây Phát tài. Anh Dân đã bán chậu Giả hạc Ma Bó đột biến này cho một người ở TP.Bảo Lộc với giá 12 triệu.
Sau đó khi tình cờ nhìn thấy bức ảnh mà người bạn chụp lại chậu lan này lúc nở hoa, anh Dân phát hiện chậu Giả hạc Ma Bó mà mình vừa bán không chỉ có lá đẹp mà hoa cũng lạ chưa từng thấy.
Anh cấp tốc tìm đến tìm đến TP.Bảo Lộc mua lại chậu lan này với giá 17 triệu đồng; chăm sóc một thời gian và vừa bán với giá 5 tỷ đồng cho một người ở Hải Phòng.
Thông qua một người trong hội chơi lan tên là Lân, đại gia ở Hải Phòng đã biết đến cây giả hạc đột biến Ma Bó hiếm gặp của anh Dân và đã đánh tiếng mua.
Cũng theo anh Dân, quá trình sưu tầm các loại lan giả hạc đột biến trong và ngoài nước thì các loại giả hạc đột biến của Ma Bó thường có khung hoa đẹp hơn hẳn, do đó giá bán cao hơn nhiều.
“Giả hạc Tây Nguyên thơm nhất, trong khi giả hạc ngoài Bắc đa phần không có hương thơm”, anh Dân chia sẻ.
Theo TPO