"Các hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai phớt lờ luật pháp quốc tế. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc cấu thành vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)", ông Engel nhấn mạnh trong thông báo đưa ra hôm 26/7, khẳng định hành vi này đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực.
Thông báo dẫn lại thông tin nhóm tàu thăm dò dầu của Trung Quốc đi vào vùng EEZ của Việt Nam, khẳng định Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh rút nhóm tàu của mình về nhưng Trung Quốc vẫn cố tình bỏ qua.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel. |
"Hành vi quấy rối này là mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Những sự cố như trên chứng tỏ Trung Quốc ngang nhiên coi thường pháp luật và ngoại giao quốc tế", thông báo nhấn mạnh.
Trong thông báo, ông Engel khẳng định đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong khu vực trong việc lên án hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế và thúc giục Trung Quốc rút ngay tất cả các tàu ra khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, chấm dứt các hành động bắt nạt trái phép này.
Tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lần thứ 3 trong vòng 10 ngày lên án hành động của nhóm tàu Trung Quốc.
"Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật", bà Hằng cho biết hôm 25/7.
Trong tuyên bố đưa ra cách đó 1 tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", bà khẳng định.
Theo VTC