Đề án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM học từ Thụy Điển, Singapore

Thứ hai, 29/07/2019, 08:38
Tác giả đề án làm 34 trạm thu phí cho rằng, TP.HCM tiết kiệm khoảng 245.000 tỷ đồng trong 15 năm nhờ lợi ích từ giảm kẹt xe.

Sau nhiều lần lấy ý kiến Hội đồng tư vấn giao thông đô thị và tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách làm 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.

Đề xuất căn cứ trên đề án của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đó (1.500 tỷ đồng, do nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BLT: xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) nhưng tổng mức đầu tư khái toán chỉ bằng 1/6 (chưa bao gồm chi phí vận hành, bảo trì..).

Ông Lâm Thiếu Quân (Tổng giám đốc ITD) nói "rất vui" vì công sức nghiên cứu đề án suốt nhiều năm đã được nhìn nhận. Ông kỳ vọng thành phố làm được vì đây là định hướng đúng để giải quyết tình trạng kẹt xe, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Khu vực thu phí được ITD đề xuất (bên trong đường màu đỏ).

Lý do đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm, ông Lâm Thiếu Quân cho biết, TP.HCM có 10% người dân đi ôtô, 80% đi xe máy, còn lại dùng phương tiện khác. Nếu cấm xe máy vào trung tâm sẽ ảnh hưởng đến phần lớn người dân, và xe máy chiếm 40% mặt đường nhưng chở được 80% lượng người; còn ôtô chiếm 55% mặt đường nhưng chỉ chở được 10%. Do vậy, kiểm soát ôtô sẽ nhanh hơn, tác động mạnh hơn. Với mức phí đề xuất 30.000-50.000 đồng, lượng ôtô vào vùng thu phí sẽ giảm khoảng 40%.

Theo Tổng giám đốc ITD, giải pháp này đã được Thụy Điển, Singapore áp dụng thành công từ năm 1975 - cơ sở vật chất không bằng TP.HCM hiện tại. Khi đó mọi thứ đều thủ công, trạm thu phí của Singapore chỉ là cái bốt, người đi ôtô phải mua vé giấy, dán lên kính để đi vào trung tâm thành phố với giá 3 đôla một ngày. Năm 1976, lượng ôtô vào trung tâm giảm 40%, đến 1998 khi áp dụng thu phí tự động đã đạt được hiệu quả cao.

Khi xây dựng đề án cho TP.HCM, ITD mời đơn vị tư vấn nước ngoài từng tư vấn triển khai thu phí ở Stockholm (Thụy Điển) tham gia. "Không có lô cốt, trạm thu phí nào mọc lên cả. Ở mỗi vị trí thu phí chỉ có một giá long môn như các trụ treo biển báo giao thông hiện nay. Khi xe đi ngang qua hệ thống sẽ chụp hình và đọc tín hiệu, xe nào vi phạm sẽ gửi giấy phạt đến cơ quan đăng kiểm", ông Quân giải thích.

Về hiệu quả kinh tế, công ty tính toán, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Việc này giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Mỗi năm kẹt xe gây thiệt hại cho TP.HCM khoảng 140.000 tỷ đồng do lãng phí thời gian, nhiên liệu... Khi triển khai thu phí, phương tiện giao thông sẽ đi nhanh hơn 10%. Trung bình mỗi giờ làm việc được tính ra giá trị là 120.000 đồng, mỗi người tiết kiệm được 0,2 giờ kẹt xe quy đổi ra được khoảng 40.000 đồng/ngày. Con số này nhân với số dân và thời gian tiết kiệm trong vòng 15 năm sẽ ra số tiền tiết kiệm khoảng 245.000 tỷ đồng.

"Đây là hiệu quả của toàn xã hội do giảm ùn tắc đem lại chứ không phải hiệu quả trực tiếp từ việc thu phí. Số tiền tiết kiệm được đã được tính toán nghiêm túc từ việc kéo giảm ùn tắc mỗi ngày 15 phút, đối với mỗi người và quy đổi ra giá trị tiền gồm: tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí vận hành phương tiện, lợi ích môi trường và cả phần thu ngân sách", ông Quân nói.

Trước lo ngại giá cả hàng hóa trong khu vực trung tâm tăng cao, ông Quân cho biết, đề án đề xuất chỉ thu phí trong giờ cao điểm - khung giờ xe tải không được lưu thông, nên không ảnh hưởng. Đối với các hộ dân sống tại trung tâm, thành phố có phương án miễn thu phí giống như ở các công trình BOT.

Về việc ITD đề xuất đầu tư hệ thống thu phí trước đây 1.500 tỷ đồng, ông Quân giải thích là đã bao gồm cả chi phí vận hành, bảo trì, tính lãi suất ngân hàng... Công ty cũng từng đề nghị TP.HCM có thể giao một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, còn việc bảo trì, vận hành hệ thống kỹ thuật... thuê tư nhân.

Ôtô chiếm nhiều diện tích mặt đường nhưng vận chuyển được ít người.

Theo đề án, 34 cổng thu phí được làm thành vành đai khép kín và một nhà điều hành để thu phí ôtô vào trung tâm trong 15 năm (2020-2035). Các cổng thu phí sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến, chỉ thu phí chiều ra khỏi trung tâm, giờ cao điểm (6-9h và 16-19h). Ôtô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng; xe biển xanh vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy...).

Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất 3 phương án (giảm 25%, miễn phí mỗi ngày một lượt vào hoặc miễn phí đi xe buýt ở trung tâm).

Toàn bộ tiền thu phí sẽ dành cho quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng như: tăng đầu tư xe buýt mới, miễn phí đi xe buýt ở khu trung tâm, đầu tư thêm các nhà chờ... nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt, giảm xe cá nhân.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất trong đề án của ITD trước đây là việc thu phí ôtô vào trung tâm chưa có trong Luật phí và lệ phí. Nhưng hiện nay TP.HCM đã được quyết định một số loại phí mới - theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Còn đối với việc chế tài chủ xe không thanh toán ở các trạm thu phí, thành phố sẽ kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt khi Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46 về trật tự an toàn giao thông.

Hôm 22/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo UBND TP.HCM phải thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng về hình thức thu phí vì còn nhiều ý kiến trái chiều

Đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) được UBND TP.HCM chấp thuận ngày 6/8/2010. Doanh nghiệp này sau đó được giao nghiên cứu tính khả thi của dự án, trình thành phố xem xét.

Tháng 3/2012 UBND TP HCM nghe ITD báo cáo chi tiết. Nhiều sở ngành không đồng tình vì cho rằng không có hiệu quả kinh tế xã hội và làm giá cả hàng hóa tăng cao, gây ùn tắc ở các cổng thu phí. Ngoài ra, theo tính toán của đơn vị nghiên cứu, nếu áp dụng thu phí thì xe gắn máy sẽ tăng 13% và ôtô giảm gần 70% nên nhiều ý kiến lo ngại xe máy sẽ tràn ngập trung tâm thành phố...

UBND thành phố yêu cầu ITD tiếp tục hoàn thiện, lấy ý kiến người dân và phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học. Suốt 4 năm sau đề án không được nhắc tới.

Đến cuối năm 2016, trước tình hình ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở GTVT làm việc lại với ITD để bổ sung, hoàn chỉnh lại đề án trình UBND TP HCM xem xét.

Tháng 12/2017, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện với sự tham gia của nhiều chuyên gia và sở ngành liên quan như: Sở Giao thông Vận tải, Tư pháp, Phòng CSGT Công an thành phố...

Theo VNE

Các tin cũ hơn