"Tôi muốn trang bị vũ khí laser được cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ tại loạt căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tăng khả năng đối phó những cuộc tấn công đường không. Đây là lựa chọn tốt hơn các tổ hợp đánh chặn to, cồng kềnh như Patriot hoặc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)", tướng Charles Brown, chỉ huy Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước.
Vũ khí laser thử nghiệm trên tàu đổ bộ USS Ponce năm 2014. (Ảnh: US Navy). |
Mối đe dọa từ tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ được thể hiện rõ trong vụ tấn công hai nhà máy dầu của tập đoàn Aramco tại Đông Bắc Arab Saudi hôm 14/9. Các hệ thống phòng không đắt tiền của Riyadh đã hoàn toàn bất lực, không có phản ứng trước đòn tập kích của đối phương.
Mỹ sau đó quyết định triển khai một tổ hợp Patriot, 4 radar cảnh giới hiện đại, 200 binh sĩ và một tàu khu trục trang bị lá chắn Aegis tới Arab Saudi để lấp khoảng trống phòng không của nước này.
Lầu Năm Góc hôm 23/9 cũng công bố hợp đồng trị giá 16,3 triệu USD nhằm chế tạo một nguyên mẫu vũ khí vi sóng Phaser để triển khai ở "khu vực bí mật ngoài lãnh thổ Mỹ", kiểm tra khả năng chống UAV trong điều kiện tác chiến thực tế.
Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá vũ khí năng lượng định hướng như laser và vi sóng là ưu tiên quan trọng, cho rằng chúng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tác chiến. Vũ khí laser không gặp tình trạng hết đạn như pháo và tên lửa, nhưng đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn để duy trì vận hành. Các vũ khí laser của Mỹ hiện nay vẫn ở giai đoạn thử nghiệm sơ bộ, chưa đủ khả năng đưa vào tác chiến thực tế.
Theo VNE