Việt Nam ở đâu trong xu hướng giảm giờ làm trên thế giới?

Thứ tư, 02/10/2019, 17:12
Vừa qua, việc dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), với một số vấn đề nổi cộm như đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn xuống còn 44 giờ/tuần, giới hạn số giờ làm thêm tối đa, tính lương làm thêm theo lũy tiến..., được đưa ra để lấy ý kiến của các bên liên quan đã gây ra rất nhiều tranh cãi và kiến nghị sửa đổi từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động.

Liệu những đề xuất này có thật sự bất hợp lý hay không và giải pháp nào để hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, không tạo thêm rào cản kinh doanh, cản trở tự do lao động?

Chính phủ cần cân nhắc kỹ càng đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động!

Xu hướng giảm giờ làm trên thế giới

Cứ sau mỗi một cuộc cách mạng công nghiệp thì thế giới lại ghi nhận một lần thay đổi mạnh mẽ về số giờ làm việc trung bình mỗi năm của các nước trên thế giới. Bắt đầu là 60 giờ/tuần vào những năm đầu thế kỷ 19, rồi 50 giờ vào những năm 1940 cho tới hiện tại thì hầu hết các nước trên thế giới đều duy trì mức giờ làm việc tiêu chuẩn từ 40-44 giờ/tuần, cá biệt Pháp chỉ có 35 giờ/tuần.

Ngày nay, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển với sự trợ giúp tích cực từ công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin..., thì nhu cầu về lao động trực tiếp giảm, người lao động không phải túc trực tại xưởng hay văn phòng làm việc thường xuyên mà có thể tự do linh hoạt làm việc ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào khiến việc quy định giờ làm việc tiêu chuẩn 40 hay 44 tiếng đã không còn thích hợp nữa.

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng năng suất lao động của các nước phát triển trên thế giới tăng cao giúp số giờ làm việc trung bình theo tuần giảm xuống. Tại các nước phát triển, số giờ làm việc trung bình trên thực tế đã giảm xuống đáng kể so với mức giờ làm việc tiêu chuẩn mà nhà nước đề ra, đơn cử như Mỹ là 33 giờ/tuần, Pháp 30 giờ/tuần, Hà Lan 27 giờ/tuần và Đức 25,6 giờ/tuần(1).

Bởi vậy, giờ làm việc tiêu chuẩn trên thế giới sẽ sớm được điều chỉnh nhằm đảm bảo cân bằng cuộc sống của người lao động, tăng năng suất lao động và mức tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thực tế tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước có giờ làm việc bình quân cao, duy trì ở mức trên 2.400 giờ/năm vào những năm 1970-1990 cho tới tận năm 2014 mới giảm xuống mức 2.340 giờ/năm nhưng vẫn lọt tốp các quốc gia có giờ làm việc cao nhất trên thế giới cùng với Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Campuchia, Malaysia.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang duy trì mức thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần. Bất chấp các nỗ lực cải thiện của Chính phủ và doanh nghiệp như áp dụng mức thời gian làm việc tiêu chuẩn của khối nhà nước là 40 giờ/tuần hay doanh nghiệp linh động áp dụng mức thời gian 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần theo quy định của nhà nước đối với khối văn phòng, dịch vụ, về căn bản thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến... vẫn áp dụng thời gian làm việc tiêu chuẩn ở mức 48 giờ/tuần. Nghĩa là, người lao động chỉ có một ngày Chủ nhật để dành cho nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động.

Rõ ràng việc phân biệt giờ làm giữa các khối cơ quan có đem lại sự cải thiện cho một bộ phận người lao động nhưng đồng thời cũng tạo ra sự không công bằng và bất bình đẳng trong xã hội.

Do đó, để rút ngắn khoảng cách giờ làm việc giữa các khối cơ quan và doanh nghiệp cũng như đảm bảo thời gian phục hồi sức lao động, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đề cập tới việc giảm giờ làm tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến..., trong khi hơn 80% người lao động muốn giảm giờ làm thông qua một cuộc khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn tới phản đối mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp?

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, chưa có thương hiệu nổi tiếng, sản xuất hàng gia công xuất khẩu là chủ yếu nên giá nhân công rẻ là một trong các lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyên nhân phản đối: Chi phí nhân công tăng, giảm năng lực cạnh tranh so với đối thủ trực tiếp như Thái Lan, Philippines

Nguyên nhân đầu tiên trực tiếp nhất khiến doanh nghiệp phản đối chính là chi phí nhân công tăng cao gây ảnh hưởng tới quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp, nếu không cải thiện năng suất lao động thông qua công nghệ sản xuất hiện đại hay đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, mà muốn duy trì sản lượng hiện tại sẽ buộc phải trả thêm tiền lương làm thêm giờ cho người lao động với tỷ lệ 200% cho bốn tiếng phát sinh thêm vào ngày thứ Bảy.

Đây chắc chắn là một con số không nhỏ đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm như doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, chế biến nông, thủy sản... Lúc này doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn, một là tăng giá thành sản phẩm bán ra dẫn tới giảm khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp tại các nước láng giềng, nơi không bị ảnh hưởng bởi luật, hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thậm chí lỗ do chi phí sản xuất tăng cao.

Việc các doanh nghiệp lo lắng là hoàn toàn có cơ sở khi mà năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, thiếu ổn định trong khi năng suất lao động không được cải thiện bao nhiêu. Sau hàng thập kỷ, năng suất lao động của các nước láng giềng có điều kiện tự nhiên và văn hóa tương đồng với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines vẫn gấp hai, gấp ba thậm chí gấp năm lần so với Việt Nam(3). Hơn nữa, đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, chưa có thương hiệu nổi tiếng, sản xuất hàng gia công xuất khẩu là chủ yếu nên giá nhân công rẻ là một trong các lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, nếu so sánh thời gian làm việc tiêu chuẩn theo tuần của một số nước trong khu vực châu Á thì rất dễ nhận thấy nhóm nước phát triển và nhóm nước có mức thu nhập trung bình cao sẽ có giờ làm việc tiêu chuẩn thấp hơn so với nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp hoặc đang phát triển. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp Thái Lan hay Philippines vẫn đang được duy trì mức 48 giờ/tuần và không có nhiều dấu hiệu là nước họ sẽ điều chỉnh mức này trong thời gian ngắn sắp tới.

Bởi vậy, Chính phủ cần cân nhắc kỹ càng đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động!

Giải pháp giảm có lộ trình, kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Tương tự như với việc dự kiến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 hay lao động nam lên 62, thay vì đột ngột điều chỉnh giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần và ép buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ thì Chính phủ nên xây dựng một lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, tránh tình trạng doanh nghiệp bị “sốc” và không kịp ứng phó. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm giờ làm theo lộ trình, Chính phủ còn có thể cải thiện vấn đề giờ làm việc cho người lao động bằng cách tăng thêm ngày nghỉ lễ quốc gia.

Chúng ta có thể tham khảo cách thức giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn của Hàn Quốc, nước có thời gian làm việc rút ngắn nhanh nhất trong khối OECD nhờ áp dụng linh hoạt cả hai phương án trên. Một mặt Hàn Quốc liên tục tăng ngày nghỉ lễ quốc gia lên tới 16 ngày vào năm 2013, mặt khác đồng thời tiến hành điều chỉnh giờ làm việc tiêu chuẩn xuống.

Hàn Quốc mất ba năm để giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống còn 46 giờ/tuần vào năm 1989 và xuống còn 44 giờ/tuần vào năm 1991. Tới năm 2000, Hàn Quốc lại tiếp tục xây dựng lộ trình giảm giờ làm từ 44 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ phải lần lượt thực hiện việc cắt giảm giờ làm trước các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Tại Hàn Quốc, mức lương làm thêm giờ thông thường tăng 50% so với mức lương làm việc tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trong ba năm đầu của lộ trình cắt giảm giờ làm việc tiêu chuẩn, mức tăng lương làm thêm giờ của doanh nghiệp được giảm xuống còn 25%. Đây là cách giúp doanh nghiệp ổn định tình hình kinh doanh khi chi phí làm thêm giờ được chia sẻ giữa cả người sử dụng lao động và người lao động.

Mất 20 năm để Hàn Quốc giảm giờ làm việc tiêu chuẩn nhằm bắt kịp xu hướng trên thế giới mà không gây tổn hại quá lớn tới lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Vậy trong trường hợp của Việt Nam thì sao? Thiết nghĩ, Chính phủ cần cẩn trọng hơn nữa trong các quyết định có thể gây ảnh hưởng mạnh tới môi trường làm việc của các bên có liên quan như thế này.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích