Đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt mốc 1,77m và 1,80m tại trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền) chiều 30/9 - cao hơn 3 cm so với dự báo trước đó. Mức này đã vượt qua kỷ lục đỉnh triều 1,72 m trên sông Sài Gòn vào tháng 12/2017.
Triều cường hôm 30/9 khiến nhiều tuyến đường Sài Gòn ngập nghiêm trọng. |
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho rằng, hơn một tuần nay gió chướng hoạt động mạnh khiến mực nước tại các cửa sông dâng cao đúng lúc triều cường lên, nên đỉnh triều mới cao như vậy. Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng này là tình trạng nền đất Nam Bộ nói chung và TP.HCM đang bị sụt lún do hệ quả của việc bêtông hóa và khai thác nước ngầm quá mức.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là lý do khiến mực nước biển dâng lên đáng kể, song đây là kết quả của thời gian dài chứ không ảnh hưởng trong một sớm một chiều. Cụ thể, từ năm 1999 đến nay, xu thế triều cường tăng cao liên tục, đỉnh triều lịch sử luôn bị phá vỡ, hầu như năm sau lại cao hơn năm trước. Việc này thể hiện rõ nhất từ năm 2013 là 1,68 m; năm 2014 là 1,70m; sau hai năm hạ xuống một ít. Đến năm 2017 kỷ lục mới lại hình thành là 1,72m và năm nay triều cường đã xác lập kỷ lục mới - 1,8m.
"Nhưng đây có thể vẫn chưa là đợt triều cường cao nhất, bởi từ giờ đến cuối năm còn 5 lần triều cường lớn. Trong đó ít nhất 1-2 đợt đỉnh triều có thể chạm hoặc phá kỷ lục vừa thiết lập", bà Lan dự đoán.
Đồng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Ân Niên (Hội Khoa học Kỹ thuật thuỷ lợi TP.HCM) cho rằng, vấn đề triều cường ở TP.HCM nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long có nguyên nhân sâu xa từ biến đổi khí hậu. Hiện, trái đất bị "co lại" ở phần rắn, dẫn tới nước biển dâng lên cao.
Ở nhiều tỉnh thành hạ lưu sông Mekong ghi nhận mực nước cao lịch sử, nhiều khu vực ngập nặng, nguyên nhân là triều cường kết hợp lũ từ thượng nguồn đổ về. Nhìn chung, khu vực Nam Bộ với đặc thù là vùng đồng bằng thấp, có hệ thống cửa sông lớn nên mỗi khi có triều cường dễ bị nước biển lấn sâu vào.
"Tương tự như triều cường lập kỷ lục, hiện tượng ngập lụt, sạt lở, hạn hán... cũng là những hiện tượng ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu. Tôi nghĩ phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề trị thuỷ thì mới chống chọi được các hiện tượng này", ông Niên nói.
Người dân TP.HCM trong trận triều cường chiều 29/9. |
Theo PGS TS Lê Trung Chơn (Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TP.HCM), có nhiều nguyên nhân tác động đến đỉnh triều cường, trong đó có tình trạng sụt lún như quan điểm của bà Lan. Hiện tượng này sẽ kéo theo các mốc độ cao phục vụ cho việc quan trắc mực nước sẽ lún theo, ảnh hưởng đến kết quả quan trắc mực nước.
Nguyên nhân của sụt lún đất chủ yếu do quy hoạch và phát triển đô thị không hợp lý, có sự tương quan rõ ràng giữa các khu vực tập trung xây dựng trên nền đất yếu. Ngoài ra, sụt lún còn do khai thác nước ngầm, hiện tượng tân địa kiến tạo (sự nâng lên, hạ xuống các đứt gãy địa chất) và ảnh hưởng của dòng chảy, sự suy giảm phù sa..
"Đây là nguyên nhân quan trọng, để có cơ sở kiểm chứng cho giả thiết này, cần phải đo và xác định lại độ cao các mốc. Nếu khu vực có tốc độ lún lớn, cỡ vài cm thì có thể giải thích lý do tại sao đỉnh triều tại TP.HCM liên tục lập kỷ lục", ông Chơn phân tích.
Ngoài ra, theo ông Chơn, nguyên nhân tác động đến đỉnh triều cường còn là lực hút của Mặt Trăng, Mặt Trời lên trái đất thay đổi, ảnh hưởng theo chu kỳ và theo khoảng cách đến trái đất. Đỉnh triều cường cao nhất xảy ra khi Mặt Trăng và Mặt Trời cùng nằm một phía với tâm trái đất, Mặt trăng và Mặt trời nằm trên một đường thẳng. Đỉnh triều tăng còn do mực nước biển dâng, song nguyên nhân này ảnh hưởng không nhiều vì hàng năm nước biển dâng 2-3 mm...
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM) lại cho rằng, biến đổi khí hậu dù có tác động nhưng không thể gây ảnh hưởng nhanh đến TP.HCM như vậy. Ông không nghiêng về giả thiết nguyên nhân triều cường ngày càng cao là biến đổi khí hậu, bởi thực tế từ năm 1995 đến 2010 nước biển chỉ dâng tối đa 2cm trong khi thủy triều ở TP HCM lại dâng 20-25cm và có thể cao hơn nữa.
Theo ông Phúc, các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là những lá phổi, nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. "Ngập nặng là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này. Thành phố đã sai lầm khi cho đô thị hóa xuống vùng trũng thấp, đã lấp sạch cả vùng trữ nước nên thành phố ngày càng ngập. Bây giờ cứ đi chống ngập theo kiểu giật gấu vá vai thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể nào hiệu quả được", ông Phúc nói.
Góp ý về việc khắc phục triều cường, ngăn ngập nước cho TP.HCM, PGS TS Lê Trung Chơn nói rằng cần chuẩn hóa dữ liệu đầu vào cho việc tính toán, xử lý và chống ngập. Một số việc có thể thực hiện như: làm mới bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2000 (trên cạn và dưới nước) và mô hình độ cao DEM toàn thành phố; đo đạc và cập nhật toàn bộ cơ sở dữ liệu hiện trạng hệ thống thoát nước (gồm cao trình đáy cống, đường kính cống, vị trí hố ga....), đặc biệt khu vực nội thành phục vụ cho việc tính toán, thiết kế xử lý chống ngập.
Ngoài ra, thành phố cần xây dựng các hệ thống cống ngăn triều, chống ngập; quy hoạch cốt nền xây dựng (hạ tầng, dân dụng, giao thông...) phù hợp với địa hình và hệ thống thoát nước thành phố. Đồng thời, có thể phát triển hệ thống cảnh báo và kiểm soát ngập lụt trên nền tảng IoT (Internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) và các ứng dụng đi kèm.
Theo VNE