Dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại Trung Quốc đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nguồn cung nghiêm trọng ở nền kinh tế 1,4 tỷ dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhà chức trách Trung Quốc đã tiêu hủy ít nhất 1,17 triệu con lợn để ngăn chặn dịch lây lan.
Hãng nghiên cứu Fitch Solutions cho biết do nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, Trung Quốc buộc phải bù đắp bằng nguồn hàng nhập khẩu. Ngoài ra, người tiêu dùng nước này bắt đầu quan tâm tới "thịt giả" có nguồn gốc thực vật.
Thống kê của Viện Thực phẩm sạch Mỹ cho thấy vào năm 2018, ngành công nghiệp thịt có nguồn gốc thực vật của Trung Quốc đạt quy mô 910 triệu USD, tăng 14,2% so với năm 2017.
Trung Quốc đang đối mặt với việc thiếu hụt thịt lợn trầm trọng. (Ảnh: Eater). |
Trong khi đó, quy mô của thị trường Mỹ chỉ đạt 684 triệu USD trong cùng năm đó, tăng 23% so với năm 2017.
CNBC dẫn lời nhà phân tích Simon Powell thuộc Jefferies nhận định dịch tả lợn châu Phi quét sạch 20 triệu tấn thịt lợn khỏi thị trường Trung Quốc. Do đó, người tiêu dùng Trung Quốc tìm đến thịt giả có nguồn gốc thực vật để thay thế.
Ngoài ra, các mối lo ngại về sức khỏe và môi trường cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt có nguồn gốc thực vật tại Trung Quốc. Thịt giả được làm từ đậu phụ hay lúa mì, các loại thực phẩm quen thuộc với người Trung Quốc.
Một công nhân Trung Quốc sử dụng kỹ thuật truyền thống để làm đậu phụ tại nhà. (Ảnh: Getty Images). |
Xu hướng ăn chay để bảo vệ sức khỏe và giảm tác động tới môi trường cũng đang dần phổ biến ở Trung Quốc. Dù vậy, nhà phân tích Powell cho rằng tiêu thụ thịt giả khó có thể trở thành một xu hướng thực sự phổ biến ở Trung Quốc.
Một phần nguyên nhân là thịt lợn đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày của người Trung Quốc. Theo OECD, thị trường Trung Quốc năm 2018 chiếm khoảng 46% tổng lượng thịt lợn được tiêu thụ trên toàn thế giới.
Theo Zing