Thầy cô giáo không muốn gắn camera trong lớp học

Thứ tư, 09/10/2019, 08:45
Hầu hết phụ huynh muốn lắp camera trong lớp học để tránh cho con bị bạo hành, an toàn, nhưng các giáo viên không tán thành vì "rất áp lực".

Cô chủ nhiệm lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, vừa bị phát hiện đánh nhiều học sinh, sau khi phụ huynh bí mật gắn camera theo dõi trên tường phòng học. Việc này khiến nhiều phụ huynh muốn các trường lắp camera trong lớp.

Bà Huỳnh Thị Phương (phụ huynh lớp 2, trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cho rằng, không hẳn phụ huynh e dè thầy cô đánh con mình nhưng camera sẽ giúp họ yên tâm hơn khi gửi con ở trường, bởi mọi sự cố xảy ra với con đều được ghi lại. Hồi con học mầm non ở một trường tư thục, bà thường xuyên xem hình ảnh từ camera trực tuyến. Vào bậc tiểu học, con đã khôn lớn hơn nhưng phụ huynh không hết lo.

Ông Lê Vũ Tuấn (phụ huynh quận Bình Thạnh) cho rằng, bậc tiểu học là giai đoạn quan trọng với mỗi đứa trẻ trong việc hình thành nhân cách, năng lực học tập. Do đó, bất cứ hành động nào phản giáo dục của giáo viên sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ. "Dù biết đa số thầy cô là tốt, nhưng vẫn cần một công cụ để kiểm soát một số ít không tốt còn lại. Nếu không có camera thì làm sao phát hiện được giáo viên đánh học sinh nhiều như trường hợp ở trường Phan Chu Trinh, làm sao kịp thời xử lý hay vẫn để nó tiếp diễn", ông Tuấn nói. Theo phụ huynh này, việc lắp camera cần đại trà ở các lớp học, kể cả bậc THCS – THPT.

Lớp 1 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thanh, TP.HCM) trong ngày tựu trường năm học 2019-2020.

Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng giáo dục quận Tân Bình) cũng đồng quan điểm cần lắp camera trong lớp học, bởi không chỉ tạo sự yên tâm cho phụ huynh mà còn giúp giáo viên có ý thức hơn với công việc. "Thực tế nhiều lớp học hiện còn mời phụ huynh vào dự giờ, mọi việc công khai, dạy học ở lớp cũng là việc công chứ không phải tư. Giáo viên nếu làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình thì có gì mà sợ", ông Huy nói.

Trong bối cảnh giáo viên "có người này người kia" thì lắp đặt camera là cách tốt để tất cả làm tốt, làm đúng. Một khi giáo viên tạo được niềm tin từ phụ huynh thì chiếc camera trở nên vô dụng và không mấy ai bận tâm đến sự có mặt của nó. "Trong nhiều trường hợp, camera sẽ giúp ích cho trường và giáo viên. Chẳng hạn một học sinh bị thương, phụ huynh nghi ngờ giáo viên đánh. Nếu giáo viên không làm chuyện đó, thì chẳng phải hình ảnh được trích xuất là chứng cứ minh oan?", ông nói.

Trong khi đó, ông Dương Văn Dân (Trưởng phòng giáo dục quận 8) cho rằng không nên lắp camera một cách đại trà ở các lớp học từ tiểu học trở lên vì hình ảnh của cả lớp có thể bị phát tán, xâm phạm đến quyền trẻ em. Giáo viên sẽ luôn có cảm giác bị theo dõi và tổn thương khi không được phụ huynh và xã hội tin tưởng.

"Hiện các trường chỉ mới dừng ở việc lắp camera tại cổng trường, hành lang, sân trường để quản lý chung. Ở các lớp học, ban giám hiệu phải thường xuyên đi kiểm tra giữa giờ học để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên", ông Dân cho biết.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh cho rằng "tác hại của việc gắn camera là rất lớn". Tâm lý của phụ huynh sẽ luôn đòi hỏi trường phải cung cấp hình ảnh hằng ngày để biết con mình học ra sao, giáo viên thế nào. Đôi khi hình ảnh trên camera không phản ánh hết bản chất sự việc nếu được đưa ra ngoài bối cảnh, dễ sinh ra sự nghi ngờ của cha mẹ với thầy cô. Nhiều phụ huynh có thể liên tục gọi điện, gây áp lực cho trường và giáo viên.

"Thay vì gắn camera, phụ huynh có thể đến trường tương tác nhiều hơn, đăng ký với ban giám hiệu để kiểm tra việc dạy và học ở lớp bất cứ lúc nào. Cha mẹ cũng cần tăng cường trao đổi với nhà trường, giáo viên trong việc giáo dục con em nhiều hơn", hiệu trường này bày tỏ.

Với góc nhìn của giảng viên sư phạm, TS Phan Thị Thanh Tú (Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sài Gòn) cũng cho rằng, lắp camera trong lớp không phải là giải pháp tốt. Ở bậc mầm non trẻ còn quá nhỏ và mục đích của trường là chăm sóc, nuôi nấng chúng nên mới cần lắp thiết bị này. Còn ở bậc tiểu học trở lên trẻ hoàn toàn có thể tiếp nhận và kể với cha mẹ các câu chuyện, sự việc xảy ra trong ngày. Phụ huynh có thể nắm bắt tâm tư của con, kể cả những việc chưa tốt của giáo viên, thông qua việc tâm sự với trẻ.

Việc lắp camera ngoài việc tạo áp lực rất lớn tới giáo viên cũng ảnh hưởng tới quyền riêng tư của học sinh, nhất là học sinh hoà nhập. "Nền tảng của giáo dục là niềm tin mà trước hết là sự tin tưởng người thầy. Việc lắp camera sẽ khiến người thầy bị tổn thương, tạo sự gò bó, thui chột sự sáng tạo", TS Tú bày tỏ quan điểm.

Từ năm học 2018-2019, TP.HCM đã thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, 12 và huyện Hóc Môn và sẽ mở rộng các quận huyện còn lại trong năm nay. Khảo sát hồi tháng 5/2018 cho thấy, phần lớn phụ huynh đồng tình với việc lắp đặt camera trong cơ sở giáo dục mầm non thì giáo viên tâm tư.

Cụ thể, gần 90% phụ huynh ủng hộ lắp camera trong lớp con em mình nhưng không muốn hình ảnh được công khai, chỉ để nhà trường quản lý, giám sát. Trong khi đó, 52% giáo viên được hỏi không đồng tình, cho rằng việc làm này xâm phạm sự riêng tư của học sinh với giáo viên.

Ở bậc tiểu học trở lên, theo khảo sát ở nhiều quận huyện, việc lắp camera theo dõi chủ yếu ở khu vực hành lang, sân chơi, cổng ra vào để kiểm soát chung.

Theo VNE

Các tin cũ hơn