|
Những nhận định trên được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM do UBND thành phố tổ chức hôm 18/10. Sự kiện quy tụ các lãnh đạo Chính phủ, TP.HCM và hàng nghìn chuyên gia tập trung giải bài toán làm thế nào để phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính mới của khu vực và thế giới. Đa số các chuyên gia dự sự kiện nhấn mạnh TP.HCM đang đứng trước cơ hội có một không hai và sở hữu nhiều lợi thế để trở thành trung tâm tài chính.
Ưu thế vị trí
Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu tại Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, nếu lấy TP.HCM làm tâm điểm và xem xét trên phạm vi bán kính 3 giờ bay thì thành phố nằm ở vị trí trung tâm của toàn khu vực Đông Nam Á. Đây là vị trí chiến lược tạo điều kiện để thành phố trở thành trung tâm của thị trường tài chính khu vực.
Cùng với đó, quy mô thị trường chứng khoán liên tục tăng trưởng 10-15% mỗi năm, các hoạt động cải cách thể chế diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam liên tục tăng hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo trên thế giới.
"Việc Việt Nam tăng hạng trong danh sách 126 nền kinh tế sáng tạo trên thế giới là một biến đổi cực kỳ lớn, là kết quả của nỗ lực cải cách, đẩy mạnh khoa học - công nghệ và coi đây như là trụ cột của tăng trưởng kinh tế Việt Nam", ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Môi trường kinh doanh ổn định
Các chuyên gia cũng khẳng định bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới càng tạo điều kiện thúc đẩy sự trỗi dậy của TP.HCM. Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dâng cao, tình hình bất ổn tại Hong Kong - trung tâm tài chính châu Á và thế giới - chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các công ty nước ngoài đang tái định vị cơ sở sản xuất để giảm thiệt hại. Một trong những lựa chọn sáng giá hiện nay là TP.HCM. Đây là cơ hội để thành phố chớp thời cơ đón các nhà đầu tư ngoại.
Mặt khác, sự năng động của khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây ở hầu khắp các lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, fintech càng làm tăng sức hấp dẫn của khu vực mà tại đó, TP.HCM đang là điểm đến đầu tư nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
|
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 quy tụ hàng nghìn chuyên gia trong và ngoài nước. |
Trong khi đó ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự trỗi dậy của các nền kinh tế châu Á là chất xúc tác quan trọng đối với TP.HCM. Đến năm 2020, dự kiến châu Á chiếm đến 50% tầng lớp trung lưu của thế giới, tạo điều kiện để thành phố thu hút nhân tài, dòng vốn đầu tư và các định chế tài chính quốc tế. Với những lợi thế kể trên, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, TP.HCM không chỉ có thể trở thành trung tâm tài chính, mà còn là một nơi đáng sống trong tương lai.
"Tuy còn nhiều hoài nghi nhưng với những lợi thế riêng, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Việc này cần phải làm ngay. Chỉ trì hoãn một chút cũng có thể bỏ lỡ cơ hội quý giá", ông Dũng nói.
Nền kinh tế năng động, sáng tạo
Cũng tại sự kiện các chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại London (Anh), Luxembourg, Dubai, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong đó ông Yue Yi - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hong Kong cung cấp ba yếu tố quan trọng hình thành trung tâm tài chính quốc tế bao gồm kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và hiệu suất của ngành tài chính.
Theo đó, một trung tâm tài chính quốc tế cần đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, ổn định, GDP trên đầu người cao, hoạt động giao dịch thương mại đầu tư diễn ra ở quy mô lớn, các chính sách kinh tế tài chính ổn định.
Kế đến, môi trường kinh tế vi mô cần hấp dẫn nhà đầu tư thông qua nguồn nhân lực chuyên môn cao dồi dào, các ưu thế vì chi phí bao gồm chi phí bất động sản, nhân công, thuế phí... Mức độ minh bạch và hiệu quả của hệ thống tư pháp, chuẩn sống cao, cơ sở hạ tầng phát triển cũng là những tiêu chí quan trọng.
Ở góc độ hiệu suất, hệ thống tài chính cần đạt chi phí giao dịch thấp, hoạt động theo thông lệ quốc tế, sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
|
Ông Yue Yi - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hong Kong. |
Ông Yue Yi lấy ví dụ về Hong Kong. Để trở thành trung tâm tài chính quốc tế như hiện nay, đặc khu này trải qua ba giai đoạn kéo dài nhiều thập kỷ. Trước hết là đặt mục tiêu dài hạn và quy hoạch tổng thể trung tâm tài chính vào những năm 70, kế đến là giai đoạn hiện đại hóa ở thập niên 90. Và cuối cùng, trong thế kỷ XIX, khi một số trung tâm tài chính truyền thống như New York, London đối mặt khủng hoảng, Hong Kong nắm bắt thời cơ và trở thành điểm sáng trên bản đồ trung tâm tài chính toàn cầu.
"Hong Kong hiện là thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới. Trong 25 năm liên tiếp, nơi đây cũng được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất thế giới", ông Yue Yi cho biết.
Tương tự, ông Yue Yi nhận xét TP.HCM cũng đang sở hữu những tiềm năng tương tự đặc khu này trước đây. Đó là sự năng động của nền kinh tế, tinh thần cởi mở của Chính phủ trong cải cách thể chế, đồng thời là các ưu thế về nhân khẩu học, xã hội ổn định, môi trường sống tốt, các hiệp định thương mại tự do bắt đầu phát huy tác dụng.
Những bài toán cần giải
Bên cạnh lợi thế trở thành trung tâm tài chính mới của khu vực và thế giới, TP.HCM cũng đối diện nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại đã giảm từ mức 26% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020. Quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn khiêm tốn. Tỷ lệ vốn hóa trên GRDP thấp - chỉ 52%, trong khi đó Singapore là 243%, Kuala Lumpur (Malaysia) 143% còn Bangkok (Thái Lan) là 120%.
Còn theo ông Vũ Thành Tự Anh, tuy thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt và ổn định nhưng quy mô còn nhỏ, khối lượng giao dịch chỉ khoảng 180 triệu USD mỗi ngày. Hệ thống tài chính đang chia tách, trong khi thị trường chứng khoán đặt trụ sở tại TP.HCM thì thị trường phái sinh lại ở Hà Nội. Điều này làm giảm hiệu quả và tính cạnh tranh.
"Vị thế của TP.HCM và Việt Nam trên bản đồ các thị trường tài chính trên thế giới còn khiêm tốn. Thành phố vẫn chưa xuất hiện trong bất kỳ bảng xếp hạng thị trường tài chính mạnh nào", ông Tự Anh dẫn giải.
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM. |
Theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, để thu hút các định chế tài chính quốc tế - đặc điểm cốt yếu của một trung tâm tài chính, TP.HCM cần giải bài toán về chính sách thuế, chính sách tiền tệ và cơ sở hạ tầng. Trong đó bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, logistics và thanh toán.
"Làm thế nào để tiền vào tiền ra một cách tự do, thông thoáng, đây là điều kiện quan trọng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế", ông Hòe nhấn mạnh.
Các chuyên gia kiến nghị, để nắm bắt cơ hội hiện tại, TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, không chỉ hoạt động khoa học công nghệ mà còn trong việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù mà thành phố đang được hưởng. Thành phố cũng cần là nơi thử nghiệm những chính sách mới nhất, cởi mở và mạnh mẽ nhất nằm tìm hướng đi riêng biệt.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, thời gian tới thành phố sẽ hoàn thiện đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế để kịp trình Chính phủ xem xét vào tháng 6 năm sau. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết cho đề án. Các việc cần làm ngay bao gồm khởi động đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thị trường tài chính, tăng cường gặp gỡ, hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế, song song đó là đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông, số hóa cơ sở dữ liệu.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nếu thành phố thực hiện tốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong dân hiệu quả, sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần có sự phối hợp từ các tỉnh thành lân cận để tăng nguồn lực cho "đầu tàu" là TP.HCM.
"TP.+HCM khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh người nông dân Việt Nam ngày xưa khi muốn chuyển nước từ nơi thấp sang nơi cao thì cần guồng nước. Người phía trước có gắng sức thì cũng cần có những người đi sau hợp lực mới thành công, Tương tự, các địa phương cũng phải chung sức để 'đầu tàu kinh tế' sớm thành trung tâm tài chính quốc tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2019 do UBND TP.HCM chủ trì tổ chức với sự đồng hành của các đơn vị gồm Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý quận Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp), Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM).... Đề án phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế được giao cho Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM phối hợp Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện nghiên cứu. |
Theo VNE