|
Dự án sau khi hoàn thành sẽ thu gom nước thải ở nhiều nơi trong đó có nước ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đưa về nhà máy ở Q.2 để xử lý |
Như đã phản ánh, UBND TP từng có công văn “cầu cứu” Thủ tướng liên quan kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02 (thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2). Kiến nghị này nhằm đẩy nhanh tiến độ gói thầu XL-02 trị giá 307 triệu USD, đã được giao cho liên danh Acciona - Vinci (gọi tắt Acciona - Vinci). Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, gói thầu của dự án xử lý nước thải lớn nhất VN này chưa thể triển khai do gặp khiếu nại của các liên danh nhà thầu khác.
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2) có tổng số vốn 524 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu USD; vốn đối ứng ngân sách TP khoảng 1.572 tỉ đồng (tương đương 74 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án từ 2015 - 2020. Gói thầu XL-02 có giá trị 307 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 278 triệu USD, ngân sách TP hơn 616 tỉ đồng (tương đương 29 triệu USD).
Nhà máy sau khi hoàn thành sẽ thu gom, xử lý nước thải trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Khu đô thị mới Thủ Thiêm đồng thời được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường TP. Ban đầu, gói thầu này được 7 nhà thầu nước ngoài quan tâm và sau đó có 5 nhà thầu vượt qua vòng sơ tuyển. Ba nhà thầu lọt vào vòng “chung kết” là các liên danh: Samsung - Kolon - TSK (bỏ thầu gần 226 triệu USD); Acciona - Vinci (bỏ thầu hơn 240 triệu USD); Suez - Posco (bỏ thầu hơn 250 triệu USD). Cuối cùng Acciona - Vinci được chọn.
|
Thi công hệ thống đường ống thu gom nước nằm trong gói thầu XL-01. Nước thải ở TP sẽ được thu gom dẫn qua hệ thống đường ống này đưa về nhà máy xử lý |
“Khiếu nại có cơ sở”
Ngay sau khi công bố kết quả thầu, liên danh Suez - Posco (gọi tắt Suez - Posco) khiếu nại quyết định trúng thầu đã không được đánh giá dựa trên các yếu tố kỹ thuật và kinh tế. Suez - Posco cho rằng việc chọn Acciona - Vinci không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu sẽ gây ra hậu quả cho quá trình vận hành nhà máy sau này.
Theo tài liệu mà PV có được, khi nộp hồ sơ, Acciona - Vinci đề xuất sử dụng công nghệ sinh học để vượt qua vòng sơ tuyển. Nhưng trong quá trình dự thầu, liên danh này lại đề xuất thay đổi sang công nghệ MBBR. Theo Suez - Posco, việc Acciona - Vinci chọn công nghệ MBBR thay vì công nghệ CAR (bùn hoạt tính truyền thống), SBR (phản ứng sinh học theo mẻ) và BF (lọc sinh học) là không tuân thủ yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Đáng chú ý, gói thầu XL-02 xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 480.000 m3/ngày và hồ sơ sơ tuyển yêu cầu nhà thầu phải chứng minh năng lực, kinh nghiệm từng xây dựng nhà máy có công suất tối thiểu 240.000 m3/ngày. Trong hồ sơ dự thầu, Acciona - Vinci đưa ra 4 nhà máy có công suất từ 28.000 - 297.000 m3/ngày để chứng minh năng lực kinh nghiệm. Nhưng khi tham gia đấu thầu, liên danh này chỉ nêu được nhà máy xử lý nước thải có công suất 28.000 m3/ngày công nghệ MBBR do chính mình xây dựng. Công suất này rõ ràng quá nhỏ so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Sau khi xảy ra khiếu nại từ phía Suez - Posco, UBND TP giao Sở KH-ĐT rà soát quy định pháp luật liên quan đến việc đấu thầu. Căn cứ vào quy định của hồ sơ mời thầu, Sở KH-ĐT cho rằng Acciona - Vinci chứng minh kinh nghiệm năng lực bằng một nhà máy sử dụng công nghệ MBBR có công suất 28.000m3/ngày thì không thể xem là “nhà máy xử lý nước thải có kích thước tương tự” với nhà máy có công suất 480.000m3/ngày theo dự án được duyệt. Từ đó Sở KH-ĐT nhận định, nội dung khiếu nại của Suez - Posco “có cơ sở”.
Nguy cơ thiệt hại kinh tế
Ngoài việc bị Suez - Posco khiếu nại, gói thầu này còn bị liên danh Samsung - Kolon -TSK (gọi tắt Samsung - Kolon - TSK) phản ánh với các cơ quan T.Ư rằng, tuy liên danh này bỏ thầu thấp hơn Acciona - Vinci 14,7 triệu USD nhưng vẫn bị loại. Việc liên danh này bị loại, theo kết luận của WB là do Công ty TSK (thuộc liên danh) có “xung đột lợi ích” với công ty tư vấn đấu thầu của gói thầu là Công ty Nippon Koei (NK). Cụ thể, TSK nắm giữ 2,32% cổ phần ở NK và NK là đơn vị tư vấn đấu thầu của gói thầu.
Theo tìm hiểu của PV, tư vấn đấu thầu đầu tiên của gói thầu là Công ty tư vấn CEEM. Sau đó, Ban Quản lý (BQL) đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP (sau này sáp nhập vào BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP) thanh lý hợp đồng với CEEM và chọn NK. Lúc này Samsung - Kolon - TSK đã nộp hồ sơ sơ tuyển và vẫn được đánh giá đạt. Mặt khác, BQL đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP cũng không thông báo cho các nhà thầu về việc thay đổi tư vấn đấu thầu sơ tuyển. Sau khi có ý kiến của WB, BQL đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP đã loại Samsung - Kolon - TSK đồng thời bổ sung Công ty AFC thay thế NK để tiếp tục chấm thầu.
Bộ Công an làm việc với UBND TP
Trả lời PV, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP vẫn bảo vệ quan điểm việc lựa chọn Acciona - Vinci. Việc lựa chọn nhà thầu này được WB (đơn vị tài trợ dự án) giám sát kỹ từ lúc sơ tuyển đến khi quyết định chọn thầu. Tuy nhiên, do có ý kiến của Bộ Công an nên song song với báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng, UBND TP làm việc với các bên liên quan để giải trình rõ việc lựa chọn Acciona - Vinci.
Chiều nay (25.10), dự kiến UBND TP làm việc với Bộ Công an về vấn đề này.
Đàm phán, ký hợp đồng gói thầu chỉ trong 1 ngày
Theo tìm hiểu của PV, ngày 7.3.2019 quyết định chọn nhà thầu được phê duyệt thì ngay hôm sau, 8.3.2019, hợp đồng nói trên được ký kết. Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực đầu tư cho hay, thường với những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD, chủ đầu tư và nhà thầu phải mất 3 - 4 tháng để thương thảo, đàm phán. Do vậy, hợp đồng này được ký sau 1 ngày đàm phán là “nhanh không tưởng”.
|