Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa xem xét kỷ luật đối với nhiều đơn vị, cá nhân có biểu hiện sai phạm nghiêm trọng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, đang giữ vị trí chủ chốt ở các cơ quan.
Trả lời PV, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) nhấn mạnh, việc Ủy ban kiểm tra Trung ương xét thi hành kỷ luật đối với loạt cán bộ chủ chốt, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác cán bộ, chuẩn bị cơ cấu cấp cao cho Đại hội XIII.
Ông Nguyễn Túc cho rằng hiện nay, kỷ luật không có "vùng cấm". |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đưa ra kết luận quan trọng về xem xét kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp. Điều này một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Trung ương Đảng trong vấn đề công tác cán bộ, thưa ông?
Đúng vậy. Những sự kiện diễn ra trong tuần qua rất nóng hổi và có tác động lớn tới tình hình chính trị, xã hội trong nước. Từ đó, cho thấy Đảng ta đang rất quyết tâm trong công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Cá nhân tôi cảm thấy rất buồn vì những cán bộ bị xem xét kỷ luật lần này đều đang đương chức và nắm vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy vui vì Đảng ta nói là làm. Và rõ ràng hiện nay, việc xem xét kỷ luật là không có “vùng cấm”, không có những trường hợp ngoại lệ. Thậm chí, kể cả cán bộ đương chức hay về hưu đều có thể nằm trong tầm ngắm.
"Rõ ràng hiện nay, việc xem xét kỷ luật là không có “vùng cấm”, không có những trường hợp ngoại lệ". Ông Nguyễn Túc |
Ông đánh giá thế nào về việc xét kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải?
Trong đợt này, Đảng ta ra kết luận và nghiêm khắc xem xét kỷ luật đối với ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Đây là lần thứ hai Đảng xét kỷ luật đối với một thành viên trong Bộ Chính trị, sau trường hợp ông Đinh La Thăng.
Điều đó cho thấy rằng, cán bộ dù cao hay thấp, lớn hay bé, nếu có sai phạm nhất định sẽ bị kỷ luật nghiêm minh theo điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước.
Theo đánh giá ban đầu, vi phạm của ông Hoàng Trung Hải là không quá nặng, so với sai phạm của ông Đinh La Thăng. Theo báo cáo, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật vì “vi phạm rất nghiêm trọng”, “cho ý kiến về chủ trương” dẫn đến những sai lầm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Đối với trường hợp ông Hoàng Trung Hải, Trung ương Đảng đang xét kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm khi “cho ý kiến chỉ đạo” đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng.
Ở đây, tính chất sai phạm của ông Hoàng Trung Hải có phần nhẹ hơn. Tuy nhiên, với tư cách là người đứng đầu, ông Hải phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về những vi phạm, khuyết điểm của đơn vị và cá nhân quản lý.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (phải) và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh. |
Trong sai phạm của Công ty Gang thép Thái Nguyên, nhiều cán bộ cấp phó mắc vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu lãnh đạo Chính phủ "cho ý kiến chỉ đạo". Những người này cũng bị đề nghị xem xét kỷ luật?
Trong kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị xét kỷ luật đối với những người cấp phó và tham mưu cho ông Hoàng Trung Hải về việc thực hiện dự án “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước”.
Trong đó, hai ông Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ là nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nguyễn Văn Tài. Ngoài ra, còn có Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đỗ Cảnh Dương, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ cũng vi phạm, khuyết điểm trên.
Như vậy, không chỉ có người đứng đầu gây hậu quả sai phạm mà những người tham mưu cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Theo tôi, có khi đội ngũ cấp phó này “mưu” thì ít, mà “tham” thì nhiều. Từ đó, dẫn đến sai lầm và gây thất thoát lớn cho đơn vị.
Cho nên, Trung ương vừa qua rất chú ý đến vai trò và đánh giá đầy đủ những vấn đề vi phạm, khuyết điểm của bộ phận tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược này.
Ông đánh giá gì về việc Ủy ban kiểm tra Trung ương xét kỷ luật đối với trường hợp ông Triệu Tài Vinh?
Đối với ông Triệu Tài Vinh là mắc lỗi “trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang”.
Cụ thể, tôi cho rằng, ông Triệu Tài Vinh đã không thực hiện quy định gương mẫu của người Đảng viên. Và nhất là trong vai trò người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã vi phạm 27 biểu hiện suy thoái do Trung ương đề ra. Cụ thể là để “người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Việc thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh sẽ được Bộ Chính trị xem xét.
Quy trình kỷ luật các cán bộ vi phạm trên sẽ được thực hiện thế nào?
Thứ nhất, đối với các cán bộ làm việc ở cơ quan Trung ương, như ông Hoàng Trung Hải và ông Triệu Tài Vinh, Ban chấp hành Trung ương sẽ họp và quyết định trong thời gian tới. Một số cán bộ khác sẽ do Ban Bí thư và Bộ Chính trị ra quyết định kỷ luật.
Đối với các cán bộ không thuộc cơ quan Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ làm việc và đưa ra quyết định kỷ luật. Theo quy định, thời gian xem xét và kỷ luật phụ thuộc vào tính chất và mức độ sai phạm.
Ngoài ra, việc này còn phụ thuộc vào lịch họp của Trung ương, được quy định và kế hoạch đề ra của Đại hội thứ XII. Theo tôi, khả năng là vấn đề sẽ được quyết định trong tháng 1/2020 tới.
Ở đây, ngoài xét kỷ luật Đảng, chắc chắn còn xem xét án phạt theo quy định pháp luật của Nhà nước. Điều này phụ thuộc vào những sai phạm và hậu quả mà cá nhân, tổ chức gây ra đối với tài sản công. Biện pháp xử lý sẽ tương xứng với mức kỷ luật của tổ chức Đảng.
Những vi phạm và khuyết điểm của cán bộ chủ chốt hiện nay gây ra nỗi băn khoăn cho người dân về công tác cán bộ, đặc biệt là cấp lãnh đạo. Theo ông, cán bộ lãnh đạo hiện nay cần có những phẩm chất gì?
Tôi cho rằng, lãnh đạo phải là cán bộ trung thành, biết chăm lo cho nhân dân và được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Đó là những người “khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Bác Hồ đã dạy, cán bộ phải biết lo cái lo của dân, vui cái vui của dân và buồn cái buồn của dân. Những tấm gương về lãnh đạo được Bác Hồ dày công dẫn dắt và rèn luyện đều có phẩm chất đáng quý trên.
Với những biện pháp mạnh tay và quyết liệt như hiện nay, tôi tin tưởng rằng, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục kiện toàn và làm trong sạch bộ máy cán bộ trong thời gian tới. Đất nước sẽ lựa chọn được nhiều cán bộ lãnh đạo có tâm sáng, có tài trí, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC