Những cuốc xe miễn phí nặng ân tình của tài xế GrabBike

Thứ năm, 12/12/2019, 13:59
Tài xế GrabBike Trần Văn Quý từng bị gọi là “thằng hâm”, khi chạy khắp TP.HCM để chở người nghèo, người tàn tật mà không lấy một đồng.

Tài xế GrabBike Trần Văn Quý chạy khắp TP.HCM để chở người nghèo, người tàn tật mà không lấy một đồng nào

Không khó để nhận ra anh Quý, 32 tuổi - một tài xế GrabBike ngoài đường, bởi cả đằng trước và đằng sau chiếc xe của anh đều gắn tấm biển “Xe miễn phí” rất to. Đây là cách để những người gặp khó khăn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của anh, khi cần di chuyển mà không có tiền.

Xe miễn phí, ai cần thì vẫy

Sinh ra ở Đồng Tháp, một nơi gần biên giới, từ nhỏ đã theo bố mẹ lên TP.HCM sinh sống, anh Quý cho biết mình rất hiểu hoàn cảnh của những người nghèo, những người có bệnh phải lên thành phố khám, chữa bệnh mà trong người không có nhiều tiền, cũng không bà con thân thích.

“Hồi xưa ở dưới quê, tôi thấy mẹ cũng bị bệnh hoài, nên giờ tôi thương những người như vậy. Một cuốc xe tính ra cũng chỉ 15.000-20.000 đồng, nhưng là cả một bữa ăn tử tế với họ. Thế nên, tôi cố gắng giúp được họ tới đâu thì giúp, cũng coi như tạo công đức cho hai đứa con ở nhà”, anh Quý cười hiền bộc bạch.

Anh cho biết, thực ra trước đây cũng từng nhiều lần chở khách miễn phí, nhưng khoảng 3 tháng nay mới bắt đầu “mạnh dạn” treo biển. Ban đầu, anh Quý treo biển “Xe từ thiện”, nhưng bị hủy chuyến nhiều, do khách hàng không thích cảm giác bỏ tiền ra đi xe mà lại bị mang tiếng “đi từ thiện”. Sau đó, được mọi người góp ý, anh đã đổi thành “Xe miễn phí”, nghe đỡ nặng nề hơn.

Anh Quý cho biết, nhờ báo đài đưa tin nhiều, anh được mọi người dần biết đến, họ không còn hủy chuyến mỗi khi thấy tấm biển nữa

Đối tượng mà anh Qúy hay chở miễn phí thường là người nghèo, người già, tàn tật. Anh kể về kỷ niệm một lần chở bà cụ vừa khám bệnh ở bệnh viện Tân Bình về bến xe: “Lúc đó, tôi đang chuyển hàng cho khách thì gặp bà cụ vẫy tay xin đi nhờ. Cảm thấy khá bất tiện vì 2 tuyến đường ngược nhau, lại không thể hủy chuyến của khách được vì hàng đang cầm rồi. Thế nhưng, tôi vẫn tặc lưỡi giúp bà cụ khi thấy bà đau yếu, lại còn phải chống nạng. May sao khi gọi điện trình bày với khách, người ta thông cảm nói mình đến trễ không sao”.

Thừa nhận những khó khăn gặp phải khi phải dành một phần thời gian mưu sinh để lái xe từ thiện, nhưng anh Quý cho rằng, bù lại, anh cảm thấy vui vì làm được nhiều việc tốt, đêm về ngủ rất ngon.

Làm từ thiện nên tự nguyện

Bắt đầu chạy Grab từ tháng 7/2017 đến nay, anh Quý vẫn nhận thêm việc sửa xe máy tại nhà những khi có mối. Anh lạc quan cho rằng mình vẫn còn “giàu có” hơn rất nhiều người, nếu có cơ hội giúp họ thêm miếng thịt cho bữa cơm tối thì nhất định nên giúp.

Anh khẳng định vẫn đặt gia đình lên trên hết. “Tôi phải lo được cho vợ con mình trước đã, xong mới giúp người ngoài được. Tôi xác định cố gắng kiếm tiền 50%, 50% còn lại để giúp đời”, anh nói.

“Tôi sẽ rất vui nếu có thể có 100-200 tài xế làm giống mình, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều”, anh Quý chia sẻ

Những việc làm của anh Quý dần truyền cảm hứng cho nhiều tài xế khác trong cộng đồng Grab. Một vài đồng nghiệp gọi điện hỏi han anh cách giúp đỡ, và làm các tấm biển. Grab cũng động viên, tặng quà và nhiều lần mời anh đến các buổi tôn vinh tài xế có đóng góp cho xã hội.

Khi được hỏi có muốn hành động của mình trở thành một niềm cảm hứng cho xã hội, anh Quý cho biết: “Tôi sẽ rất vui nếu có nhiều tài xế làm việc thiện giống mình, như vậy xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, việc giúp người là sự tự nguyện chứ không nên ép buộc. Tài xế cũng cần phải lao động vất vả vì gia đình của họ. Ai sẵn sàng thì làm, không thì thôi, không sao cả”.

“Tôi biết có nhiều anh chị em tài xế cũng chở người nghèo miễn phí, chẳng qua họ không gắn biển như mình, nên mọi người không biết đó thôi”, anh Quý khẳng định.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích