Quảng Đông lao đao khi nhà máy Samsung đóng cửa

Thứ năm, 12/12/2019, 10:23
Quyết định chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc của Samsung để tránh ảnh hưởng của Thương chiến Mỹ - Trung khiến nền kinh tế địa phương tê liệt.

Nhà máy Samsung ở Huệ Châu là huyết mạch của nền kinh tế địa phương trong 30 năm. (Ảnh: SCMP).

Nhìn ra từ nhà hàng nhỏ tại thành phố Huệ Châu, Li Bing vẫn có thể hình dung cảnh khách hàng tấp nập đi đến từ nhà máy ở gần đó. Khu vực phía Bắc đồng bằng Châu Giang này từng là "trái tim" của ngành công nghiệp Trung Quốc. Nhưng trong hai tháng qua, cảnh tượng quen thuộc là những chiếc bàn trống - tình trạng phổ biến quanh khu phức hợp Jinxida ở trung tâm tỉnh Quảng Đông.

Theo SCMP, lý do đằng sau sự suy thoái này rất đơn giản: Samsung đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc vào tháng 10/2019.

Nhà hàng của cô Li đã hưởng lợi từ hàng nghìn công nhân sống gần nhà máy Samsung ở Huệ Châu. Cơ sở sản xuất rộng 120.000 mét vuông này từng nuôi sống nhiều doanh nghiệp địa phương khác trong gần ba thập kỷ.

Tuy nhiên, khi Samsung chuyển dần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ để tránh ảnh hưởng của Thương chiến Mỹ-Trung, các chuyên gia trong ngành đã cân nhắc về vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp như cô Li đang phải trả giá và tự hỏi không biết đi về đâu.

"Trước khi nhà máy Samsung rời đi, doanh thu mỗi tháng của chúng tôi có thể đạt khoảng 60.000 nhân dân tệ (200 triệu đồng) đến 70.000 nhân dân tệ (230 triệu đồng). Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ có thể kiếm được vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày".

Nhiều nhân viên đã chia sẻ trên các phương tiện truyền thông rằng bị ép phải rời nhà máy. Samsung đã phát cho họ smartphone và smart watch mới nhất như một phần gói trợ cấp thất nghiệp.

Với việc không có nhà sản xuất nào thế chỗ Samsung, ít nhất 60% doanh nghiệp địa phương đã phải đóng cửa. Phần còn lại vẫn tiếp tục theo dõi trong vài tuần tới để xem tình hình có tiến triển hay không.

"Samsung là nhà sản xuất phần cứng hàng đầu thế giới. Nhà máy Samsung ở Huệ Châu góp phần quan trọng trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua", Liu Kaiming, người đứng đầu Viện quan sát đương đại, cơ quan theo dõi điều kiện làm việc tại hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc, cho biết.

"Ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông sẽ đóng cửa. Họ không thể duy trì hoạt động nếu không có nhà máy Samsung ở Huệ Châu, chứ đừng nói đến những cửa hàng và nhà hàng nhỏ xung quanh", Liu nói thêm.

Ít nhất 60% doanh nghiệp địa phương buộc phải ngừng hoạt động sau khi Samsung rời đi. (Ảnh: SCMP).

Quyết định đóng cửa nhà máy của Samsung đã tác động tới những khu vực xa hơn, như thị trấn Trường An thuộc thành phố Đông Hoản, cách Huệ Châu 100km về phía Tây, nơi hàng nghìn lao động nhập cư và Giám đốc điều hành của một nhà máy thuộc Janus Intelligent Group bị cắt giảm giờ làm đáng kể.

Một số công nhân đã được yêu cầu nghỉ phép ba tháng, trong khi số khác chỉ được xếp lịch làm việc một hoặc hai ngày mỗi tuần với Samsung, khách hàng lớn nhất của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này kể từ cuối những năm 2000.

Năm 2018, doanh thu của Janus Intelligent Group giảm 14,25% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,86 tỷ nhân dân tệ lỗ ròng. Nguyên nhân thâm hụt do Samsung đã tạm dừng đơn đặt hàng từ quý IV/2018.

Vào tháng 9 năm nay, Janus đã bán phần lớn vốn sở hữu nhà máy ở Đông Quan cho Firstar Panel Technology. Một giám đốc điều hành cấp cao giấu tên của Firstar đã xác nhận với SMCP việc giảm sản lượng nhưng từ chối bình luận về kế hoạch cắt giảm nhân sự. "Nhà máy không còn hoạt động theo đơn đặt hàng của Samsung. Quyết định cho nhân viên nghỉ phép là một phần trong kế hoạch tối ưu hóa bộ máy", ông nói.

Vào ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, SCMP ghi nhận nhiều công nhân ngồi đờ đẫn gần nhà máy. "Chúng tôi mới làm việc được bốn tiếng sáng nay, trước khi được thông báo về ngày nghỉ và không cần làm bù. Quản lý cho biết nhà máy không còn đủ nguyên liệu để sản xuất", một nữ công nhân ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết.

Kể từ tháng 11, hai phần ba lực lượng lao động của nhà máy hơn 3.000 người này đã được thông báo nghỉ với nhiều lý do. Hầu hết ngày nghỉ xen kẽ những ngày làm việc.

"Chúng tôi cảm thấy nhà máy đang thực hiện chiến lược mà không cần sa thải nhân viên. Họ cho phép các Giám đốc điều hành nghỉ phép ba tháng với mức thu nhập dưới 2.000 nhân dân tệ (tương đương 6,5 triệu đồng). Đồng thời, công nhân cũng được yêu cầu nghỉ một hoặc hai ngày xen kẽ những ngày làm việc để chúng tôi không thể duy trì mức thu nhập bình thường và buộc phải xin nghỉ", Liu Fang, công nhân đến từ tỉnh Hà Nam đã làm việc trong nhà máy hơn năm năm, nói.

Theo luật lao động địa phương, người lao động phải làm việc ít nhất 22 ngày mỗi tháng để được hưởng mức lương cơ bản hàng tháng khoảng 1.800 nhân dân tệ (tương đương 6 triệu đồng).

Vài năm trước, nhờ thường xuyên nhận được đơn đặt hàng từ Samsung, nhà máy đã thuê hơn 10.000 nhân công. Các nhà máy của Janus được xây dựng dọc theo hai bên đường và trạm dừng xe bus cũng được đặt theo tên của công ty.

"Vào những đợt sản xuất cao điểm, nhà máy đã thuê hơn 40 tòa nhà với sáu hoặc bảy tầng làm ký túc xá cho công nhân, nhưng con số hiện nay đã giảm xuống một nửa", Liu nói thêm.

Quay trở lại Huệ Châu, chính quyền địa phương vẫn chưa có kế hoạch cho khu vực nhà máy bỏ hoang, trong khi người dân địa phương vẫn mong chờ nhà sản xuất sẽ sớm thế chỗ của Samsung.

"Mức chi tiêu ở địa phương đang xuống mức thấp đáng báo động", Li Hua, chủ một cửa hàng tiện lợi cho biết. "Doanh thu hiện nay của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với tháng 8/2019 do số lượng lớn công nhân đã rời đi vào thàng 9/2019".

Nhà máy Samsung ở Huệ Châu bắt đầu đi vào mở cửa kể từ tháng 8/1992, bốn ngày trước khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, đồng thời Samsung ký hợp đồng liên doanh với chính quyền địa phương.

Một năm sau, Samsung đã chính thức sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng tiên tiến và phổ biến, từ dàn âm thanh nổi vào những năm 1990, máy nghe nhạc MP3 vào đầu những năm 2000 và smartphone kể từ năm 2007.

uang Fumin, Giám đốc bán hàng của một công ty môi giới bất động sản địa phương nói.
"Ngay sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá nhà lập tức giảm từ 4,8 triệu nhân dân tệ trong tháng 8 xuống 3,8 triệu nhân dân tệ, mà vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm", Huang nói thêm. "Trước đây các tòa nhà này có rất nhiều công nhân Samsung và các nhà máy gần đó. Dù muộn thế nào, những người lao động trẻ vẫn đến, ăn tối tại nhà hàng và chơi trò chơi trực tuyến trong các điểm truy cập Internet. Giờ đây, thành phố giống ‘thị trấn ma’ vì các ngôi nhà hầu hết không có người ở vào ban đêm".
Vào thời kỳ hoàng kim vào năm 2011, hai nhà máy Samsung ở Huệ Châu và Thiên Tân đã xuất khẩu lần lượt 70,14 triệu và 55,64 triệu smartphone.
Theo dữ liệu của Cục Hải quan Huệ Châu, vào tháng 10/2019, giá trị mặt hàng xuất khẩu của thành phố giảm 27% so với thời điểm này của năm 2018, xuống còn 14 tỷ nhân dân tệ.
Trong năm 2017, cơ sở sản xuất Huệ Châu đã xuất xưởng 62,57 triệu smartphone, chiếm 31% tổng sản lượng xuất khấu của Huệ Châu. Với doanh thu đem về hơn 105,2 tỷ nhân dân tệ, xếp thứ 10 trong danh sách các đơn vị xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc.
Năm ngoái, nhà máy Huệ Châu đã tụt xuống vị trí 13 với khối lượng xuất khẩu khoảng 16,29 tỷ USD, theo Askci.
Người dân Huệ Châu mong muốn chính quyền địa phương tìm được nhà sản xuất khác thế chỗ Samsung để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. (Ảnh: SCMP).
Hoạt động kinh doanh của nhà hàng bà Li, cũng như những doanh nghiệp gần nhà máy đang bị đe dọa. Họ phải tìm ra giải pháp hoặc buộc phải đóng cửa.
i chia sẻ. "Chỉ khi có công nhân, người dân địa phương mới có thể tiếp tục kinh doanh để duy trì kế sinh nhai".
Một chủ cửa hàng khác gần đó chỉ hy vọng nhà máy thay thế có khoảng 1.000 đến 2.000 nhân công, nói rằng "công việc kinh doanh đang chết dần và không thể đợi thêm nữa".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích