|
Tiêm kích F-35A đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ bay thử hồi năm 2018. (Ảnh: USAF). |
"Chúng tôi khuyến khích Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mua các tiêm kích F-35A được sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm tài khóa 2020 bằng ngân sách bổ sung trong dự luật này", hai viện quốc hội Mỹ cho biết trong thông cáo chung được công bố hôm qua, sau khi phê duyệt phiên bản hoàn chỉnh của Dự luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) 2020.
NDAA 2020 phân bổ 738 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng Mỹ và đang chờ Tổng thống Donald Trump ký thành luật.
Trong dự luật này, Lầu Năm Góc được cấp ngân sách 30 triệu USD để lưu trữ, bảo quản số tiêm kích F-35A và những hệ thống đi kèm được Ankara đặt mua. Quân đội Mỹ cũng được phân bổ 440 triệu USD để mua lại những chiếc F-35A đã xuất xưởng nhưng không được bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ có 90 ngày để xây dựng kế hoạch giải quyết số tiêm kích trên, trước khi đệ trình trước các Ủy ban Quân vụ của Quốc hội Mỹ.
Các nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được bàn giao các tiêm kích F-35A đã đặt mua trừ khi nước này loại bỏ tên lửa S-400, cũng như bảo đảm không bao giờ mua vũ khí Nga trong tương lai. "Tên lửa S-400 ảnh hưởng xấu tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và toàn bộ thành viên Tổ hợp Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", thông cáo có đoạn viết.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng trong chương trình F-35 và đã đặt mua 100 chiếc F-35A với tổng giá trị khoảng 9 tỷ USD, trong đó những chiếc đầu tiên dự kiến được bàn giao trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, quá trình bàn giao F-35 bị đình chỉ sau khi Mỹ phản đối dữ dội hợp đồng mua tên lửa S-400 Nga của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nó sẽ đe dọa tới an ninh của khối NATO và khiến siêu tiêm kích F-35 mất lợi thế.
Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 và giữ lại toàn bộ phi đội F-35A của Ankara tại căn cứ không quân Luke ở bang Arizona. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không thực hiện yêu cầu của Mỹ về việc phá hủy các tổ hợp S-400, đồng thời đe dọa mua tiêm kích Nga để thay thế F-35.
Theo VNE