Nhân dịp Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng 2019, Thứ trưởng Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời PV về một số vấn đề liên quan.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ với PV về Sách trắng Quốc phòng 2019. |
Tại sao Bộ Quốc phòng công bố Sách trắng lúc này, thưa ông?
Các nước trên thế giới có hai loại Sách trắng Quốc phòng, một là công bố thường niên, dưới hình thức chiến lược, chính sách, kế hoạch quốc phòng hàng năm như Mỹ và một số nước khác; hai là các nước tương đối ổn định, chính sách quốc phòng không thay đổi nhiều thì ra Sách trắng định kỳ 5 năm, 10 năm, hoặc theo vấn đề, sự kiện...
Việt Nam chưa ấn định cụ thể mấy năm ra Sách trắng Quốc phòng một lần. Khi bối cảnh chiến lược của khu vực, thế giới và của đất nước có những thay đổi tương đối quan trọng; đường lối, chiến lược quốc phòng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới thì chúng ta ra Sách trắng Quốc phòng.
Thời gian qua, trên cơ sở dự báo, đánh giá tình hình và nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, chiến lược trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 2019, đất nước chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới (2020-2030), là thời điểm chín muồi để công bố Sách trắng Quốc phòng nhằm bạch hoá những vấn đề có thể công khai về Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam.
Mục tiêu quốc phòng Việt Nam phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia theo nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc; thể hiện vị thế mới và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định của thế giới, khu vực. Đây chính là một trong những mục đích công bố Sách trắng Quốc phòng.
Vì sao Sách trắng Quốc phòng 2019 khẳng định Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách "ba không", trong đó có chủ trương "không tham gia liên minh quân sự"?
So với 10 năm trước, Sách trắng Quốc phòng 2019 có nêu thêm nội dung "không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Đây không phải là quan điểm riêng của Việt Nam mà là xu thế chung của thế giới; là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà Việt Nam luôn đề cao trong giải quyết các tranh chấp, khác biệt.
Chúng ta "không tham gia liên minh quân sự" vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt thù. Liên minh quân sự nghĩa là anh phải gắn hẳn với một bên, có thể đối đầu với bên khác, tức là chuốc thêm kẻ thù. Việt Nam không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, pháp lý quốc tế. Bây giờ, các nước luôn đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, không ai đi bảo vệ thay cho nước khác. Lịch sử chiến tranh của Việt Nam đã khẳng định, chỉ khi có chính nghĩa chúng ta mới giành được thắng lợi, mà muốn có chính nghĩa thì phải giữ cho được độc lập, tự chủ.
Nhiều người đặt câu hỏi "Vì sao không liên minh quân sự nếu như đất nước có chiến tranh?" hoặc "Có phải Việt Nam tự hạn chế mình trước liên minh chiến tranh xâm lược không?". Vấn đề ở chỗ, đây là chiến lược quốc phòng trong thời bình, khi đất nước có nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước sẽ phải hoạch định những chiến lược phù hợp với tình hình thời chiến.
Hơn nữa, chúng ta không liên minh quân sự, nhưng vẫn tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia để có sự ủng hộ quốc tế, không để bị bao vây, cô lập. Với tình hình quốc tế, khu vực, khả năng của đất nước và cách xử trí đối với các thách thức quốc phòng hiện tại, tôi tin rằng chúng ta đủ điều kiện để quản trị được tình hình an ninh, không để phát sinh xung đột, không để xảy ra chiến tranh.
Trong quá trình soạn thảo Sách trắng Quốc phòng, vấn đề "không liên minh quân sự" đã nhận được những ý kiến như thế nào, thưa ông?
Để có được cuốn Sách trắng Quốc phòng 2019, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, có gần 1.000 ý kiến tham gia, cả trực tiếp và bằng văn bản. Chúng tôi cũng đến gặp từng cựu tướng lĩnh để xin ý kiến.
Một số người băn khoăn về việc "không liên minh quân sự" bởi nội hàm của từ "liên minh" không được xác định rõ ràng. Chúng tôi đã giải thích, khi tham gia liên minh các nước sẽ nằm trong một khối quân sự chung, với những mục tiêu cụ thể, dùng các biện pháp quân sự để tranh giành lợi ích, xung đột chống đối thủ chung.
Các nước trong liên minh sẽ phải đặt dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của một quốc gia, thường là nước lớn và tuân thủ các nguyên tắc của liên minh, cho dù không hoàn toàn phù hợp với mình. Mỗi thành viên khi đó sẽ không còn độc lập, tự chủ về những vấn đề của đất nước mình.
Trong lịch sử, Việt Nam cũng chưa bao giờ liên minh quân sự với nước nào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bè bạn, nhưng chúng ta không tham gia khối Warszawa, liên minh quân sự của Liên Xô và Đông Âu.
Chúng ta không tham gia liên minh quân sự nhưng vẫn làm bạn với tất cả các nước, nỗ lực tham gia vào các vấn đề chung của thế giới như gửi quân tham gia gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội...
Bằng cách giải thích như vậy, các ý kiến khác về "liên minh quân sự" sau đó đã đồng thuận với chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Trong Sách trắng, Việt Nam công khai những vũ khí hiện đại nhất và cho biết đã tự sản xuất được nhiều loại trang bị, vũ khí. Xin ông nói rõ thêm về việc này?
Việt Nam công khai vũ khí vì trong thế giới hiện nay, không thông tin nào là bí mật hoàn toàn, hơn nữa, việc sản xuất, mua sắm vũ khí trang bị của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế, phù hợp với mục tiêu hoà bình, tự vệ, không đe doạ nước khác. Khả năng khai thác, làm chủ vũ khí hiện đại của bộ đội ta cũng rất tốt. Đơn cử như vừa qua, cán bộ, chiến sĩ xe tăng Việt Nam đi thi Army Games, sử dụng xe tăng thế hệ mới do Nga sản xuất nhưng đã xuất sắc xếp thứ nhì. Chúng ta phải hiểu rõ tính năng kỹ, chiến thuật, thao tác rất giỏi thì mới đạt được kết quả đó.
Ngoài ra, chúng ta cũng tập trung bảo dưỡng, giữ tốt dùng bền vũ khí trang bị, khi cần là sẵn sàng sử dụng được ngay. Các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng đã và đang tập trung cải tiến, sản xuất một số vũ khí trang bị như vũ khí bộ binh, pháo binh, thông tin... phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Một số sản phẩm đã xuất khẩu như súng trường, vật tư, vật liệu quốc phòng, thuốc nổ... Có những vũ khí công nghệ cao chúng ta tự nghiên cứu, sản xuất đạt kết quả nhất định, dù "chưa bày lên mâm" để trình diễn hay giới thiệu, nhưng cũng tự tin "khi cần có cái để dùng". Vũ khí trang bị hiện đại rất quan trọng, không thể thiếu, nhưng vấn đề có ý nghĩa quyết định vẫn là con người có ý chí, trình độ, sử dụng vũ khí trang bị theo cách đánh của Việt Nam.
Kế hoạch mua sắm vũ khí, hiện đại hoá quân đội của Việt Nam thời gian tới như thế nào?
Hiện đại hoá quân đội, mua sắm vũ khí là quá trình không có điểm dừng. Năm nào Việt Nam cũng phải mua vì mỗi năm vũ khí lại hiện đại hơn. Hiện quân đội được trang bị 6 tàu ngầm, có các trung đoàn không quân Su-30 MK2, hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa bờ đối hải, hệ thống radar, trinh sát kỹ thuật, đơn vị tăng thiết giáp...
Trong thời bình, Việt Nam chỉ mua vũ khí với một số lượng vừa đủ, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời quân đội tích cực nghiên cứu cải tiến, hiện đại hoá những loại vũ khí, khí tài hiện có. Việt Nam cũng dự trữ công nghệ chế tạo một số loại vũ khí, trang bị hiện đại, sẵn sàng sản xuất theo yêu cầu thời chiến.
Các tiêu chí mua sắm vũ khí được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định rất rõ với nguyên tắc chung là đa phương hoá, đa dạng hoá, không lệ thuộc về vũ khí, trang bị vào một quốc gia nào. Việt Nam chọn mua vũ khí có chất lượng tốt, khả năng khai thác, sử dụng phù hợp với đường lối quân sự, chiến lược, chiến thuật của Việt Nam và có giá thành cạnh tranh.
Tại sao lần này Việt Nam không công bố các số liệu như tổng quân số thường trực, lực lượng dự bị động viên, ngân sách quốc phòng... như trong Sách trắng Quốc phòng 2009?
Sách trắng Quốc phòng 2019 không nêu con số cụ thể, vì quân số, trang bị... của quân đội thường có sự thay đổi trong từng năm. Vì vậy, số liệu sẽ được cập nhật đến các cơ quan chức năng như Cục Tuyên huấn, Cục Đối ngoại, sẵn sàng cung cấp, công khai cho các tổ chức quốc tế, các quốc gia, báo chí có nhu cầu.
Tương tự, ngân sách quốc phòng các nước thường có tỷ lệ cố định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước tuỳ vào số tiền được cấp để tính toán mua sắm. Nhưng Việt Nam lại căn cứ yêu cầu thực tế để lên kế hoạch mua sắm, chi tiêu mỗi năm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt ngân sách quốc phòng. Từ con số tuyệt đối này mới quy ra tỷ lệ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ví dụ như năm 2008, ngân sách quốc phòng là 27.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,8% GDP, năm 2018 là khoảng 2,36% GDP, hay trong những năm mua sắm vũ khí trang bị thì ngân sách quốc phòng cao hơn những năm khác. Ngân sách quốc phòng Việt Nam vừa đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa phù hợp với khả năng đất nước, không trở thành gánh nặng của nền kinh tế.
Đối với các nước, sách trắng chủ yếu để đối ngoại, tuyên truyền với quốc tế, nhưng Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 được soạn thảo trước hết cho tất cả người dân Việt Nam. Sách trắng sẽ được phổ biến rộng rãi trên truyền thông, trong các trường đại học, trung học để mọi tầng lớp nhân dân, từ già đến trẻ có nhận thức đúng đắn về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, quân sự, để mỗi người có tư tưởng nhất quán, tích cực ngăn chặn, hạn chế những tư tưởng ngược chiều đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo VNE