Quốc hội phân cực như nước Mỹ trước cuộc luận tội Tổng thống Trump

Thứ hai, 16/12/2019, 08:55
Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu hôm 13/12 để gửi các điều khoản luận tội cho toàn bộ Hạ viện, đánh dấu lần thứ tư một Tổng thống Mỹ phải đối mặt với động thái như vậy.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện họp để thông qua các điều khoản luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump, ngày 13/12, trên Đồi Quốc hội ở Washington. (Ảnh: AP).

Đảng Dân chủ đã thúc đẩy việc luận tội Tổng thống Trump, hướng tới cuộc bỏ phiếu lịch sử của toàn bộ Hạ viện Mỹ bằng việc Ủy ban Tư pháp phê chuẩn các cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Đây là bước tiến quan trọng trong cơn bão chính trị gây chia rẽ Quốc hội và cả nước Mỹ.

Theo AP, sự chia rẽ đảng phái trong cuộc bỏ phiếu của ủy ban - 23 phiếu của đảng Dân chủ và 17 phiếu của đảng Cộng hòa - phản ánh bầu không khí tại Quốc hội.

Hạ viện nơi đảng Dân chủ chiếm đa số sẽ phê chuẩn các cáo buộc chống lại ông Trump vào tuần tới nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ tha bổng ông sau phiên tòa vào tháng 1.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler thở phào sau ngày làm việc để tổng kết các điều khoản luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump, hôm 12/12, tại Capitol Hill, Washington, Mỹ. (Ảnh: AP).

Lập luận của hai đảng

Theo điều khoản đầu tiên, ông Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực Tổng thống của mình bằng cách yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ năm 2020 Joe Biden, một mặt giữ viện trợ quân sự làm đòn bẩy.

Trong điều khoản thứ hai, ông bị cáo buộc cản trở Quốc hội bằng cách ngăn chặn các nỗ lực của Hạ viện để điều tra các hành động của ông.

"Hôm nay là một ngày buồn và quan trọng", Chủ tịch Jerrold Nadler, nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang New York, nói với các phóng viên sau phiên họp, đánh dấu lần thứ ba trong lịch sử Mỹ, ủy ban bỏ phiếu đề nghị luận tội Tổng thống. Ông nói rằng toàn bộ Hạ viện sẽ hành động "nhanh gọn".

Tại Nhà Trắng sau cuộc bỏ phiếu, ông Trump bài bác các cuộc điều tra và hành động chống lại ông. Ông gọi nỗ lực luận tội là giả dối, lừa đảo, cuộc săn phù thủy và điều sỉ nhục. Ông nói rằng mình đã hành động đúng đắn và không làm gì sai.

Việc bỏ phiếu diễn ra nhanh chóng và long trọng vào ngày 13/12. Ông Nadler đã đột ngột tạm dừng cuộc tranh luận kéo dài 14 giờ đến gần nửa đêm 12/12 để việc bỏ phiếu có thể được tổ chức vào ban ngày, thuận tiện cho công chúng theo dõi.

Theo CNN, các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa của Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã trình bày những quan điểm khác nhau về cách ứng xử của Tổng thống, cho thấy sự phân cực sâu sắc trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.

Chỉ trích ông Trump vì đã bỏ qua các trát triệu tập của Quốc hội và từ chối cung cấp thông tin quan trọng cho cuộc điều tra của họ, đảng Dân chủ cho rằng luận tội là điểm kiểm tra rất cần thiết đối với vị Tổng thống chuyên chế, người hành xử như một vị vua và là người tìm cách phá hoại cuộc bầu cử ở Mỹ.

Đảng Cộng hòa lập luận rằng đảng Dân chủ đã đưa ra những cáo buộc mơ hồ và không có căn cứ đối với Tổng thống, sau khi không đảm bảo được những bằng chứng sẽ hỗ trợ cho vụ kiện sắc bén hơn chống lại ông.

Ông Nadler cũng cáo buộc ông Trump cố gắng "hủy hoại quyền lực của Quốc hội".

"Quốc hội có thể không được lòng dân và có lẽ chúng ta nên được bầu lại, hoặc có thể chúng ta không nên bầu lại, đó là một câu hỏi cho cử tri. Nhưng quyền lực được quy định của Quốc hội - bảo vệ quyền tự do bằng cách cung cấp cơ chế kiểm soát và cân bằng đối với nhánh hành pháp - là hết sức quan trọng đối với chương trình hiến pháp để bảo vệ quyền tự do của chúng ta. Trung tâm của điều đó là khả năng điều tra các hành động của nhánh hành pháp", ông nói.

Hậu quả chính trị nghiêm trọng

Ông Trump là Tổng thống thứ tư của Mỹ phải đối mặt với các thủ tục luận tội và là người đầu tiên phải trải qua việc này cùng lúc với chiến dịch tái tranh cử.

Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện vào tuần tới có thể gây ra hậu quả chính trị nghiêm trọng cho cả hai đảng trước cuộc bầu cử năm 2020, trong khi người Mỹ chia rẽ sâu sắc về việc liệu Tổng thống có thực sự đáng bị luận tội hay không và liệu Quốc hội hay cử tri nên là người quyết định để ông tiếp tục nhiệm kỳ.

Hạ nghị sĩ Debbie Lesko, đảng Cộng hòa - bang Arizona, bảo vệ Tổng thống trước điều bà gọi là thủ tục tố tụng "gian lận, không công bằng". "Họ không có bằng chứng, không có chứng cớ, không có tội phạm, nhưng dù sao họ cũng tiếp tục và xé nát đất nước này", bà nói.

Đảng Dân chủ phản bác rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ cuộc bầu cử năm 2020 khỏi sự tiếp cận xa hơn của ông Trump để nước ngoài can thiệp.

Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal - nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang Washington - gọi việc luận tội là "điều rất cần thiết để cứu nền dân chủ của chúng ta".

Tổng thống đã từ chối tham gia tố tụng và chỉ thị cho các quan chức chính quyền hành động tương tự. Ông chỉ trích trên Twitter, chế nhạo các cáo buộc chống lại ông trong nghị quyết chín trang của Hạ viện là "bản luận tội mỏng". Nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng Tổng thống đã sai và vụ kiện chống lại ông có căn cứ sâu sắc.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler (trái), đảng Dân chủ - bang New York, và hạ nghĩ sĩ Doug Collins, đảng Cộng hòa - bang Georgia phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Tư pháp Hạ viện về các điều khoản luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump, trên Tòa nhà Quốc hội tại Washington, ngày 12/12. (Ảnh: AP).
Đảng Dân chủ cho rằng ông Trump đã cư xử không đúng mực với Nga kể từ chiến dịch bầu cử năm 2016, cũng là tâm điểm cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller với nghi vấn Nga đã can thiệp bầu cử.
Họ nói rằng ông phải bị ngăn chặn để khỏi "hủy hoại" cuộc bầu cử Mỹ một lần nữa, hay gian lận để có nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới.
Với việc luận tội gần như chắc chắn trong Hạ viện, áp lực sẽ trút lên các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để giữ vững lập trường ủng hộ Tổng thống.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết hôm 12/12 trên Fox News "không có cơ hội nào Tổng thống sẽ bị phế truất". Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ phiên tòa nhanh chóng vào năm tới.
Nhưng ông Trump rất mong muốn một cuộc thách đấu tại Thượng viện sẽ không chỉ tha bổng cho ông mà còn gây ra hậu quả chính trị cho đảng Dân chủ.
"Tôi sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn", ông Trump nói với các phóng viên. Tổng thống cho biết ông muốn một cuộc diễu hành của các nhân chứng tại Thượng viện, bao gồm cả người tố giác chính phủ vẫn ẩn danh, người đầu tiên cảnh báo Quốc hội về cuộc điện đàm Ukraine.
Ông viết trên Twitter ủng hộ các "chiến binh" đảng Cộng hòa tại ủy ban. "Tôi không ngại quy trình tố tụng lâu dài", ông nói.
Theo Zing

Các tin cũ hơn