Lính hải quân ở nhà giàn: Lá thư gửi bố và lời thề "còn người, còn nhà giàn"

Thứ hai, 20/01/2020, 11:06
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân lại tổ chức chuyến đi chúc Tết những người lính hải quân đang công tác tại nhà giàn DK1.

Trung úy Nguyễn Đình Nhật (áo trắng) và thượng úy Nguyến Đình Đức (áo xanh) cùng đi chung chuyến tàu ra nhà giàn

Trên chuyến tàu ấy, chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều câu chuyện xúc động về cuộc đời người lính hải quân.

Thuyền phó chở em trai ra giữ nhà giàn

Chiều cuối năm, biển động, đoàn công tác xuất phát tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) trên chuyến tàu KN 263. Và trên chuyến tàu chúc Tết ấy, chúng tôi được nghe câu chuyện đặc biệt của 2 người lính hải quân. Họ là 2 anh em ruột cùng đang làm nhiệm vụ tại nơi đầu sóng ngọn gió. Và thật trùng hợp, trong chuyến đi lần này người anh đóng vai trò là người lái tàu đưa em trai ra gác nhà giàn.

Tâm sự với chúng tôi, thượng úy Nguyễn Đình Đức (29 tuổi), Phó chỉ huy tàu KN 263 cho biết, anh quê ở Hà Tĩnh. 7 năm trước, sau khi ra trường, anh được điều về công tác tại Vùng 2 Hải quân. Vì thường xuyên phải công tác xa nhà nên anh đã hướng cho em trai vào học trường sĩ quan lục quân để có cơ hội ở gần chăm sóc bố mẹ. Thế nhưng chẳng hiểu duyên số run rủi thế nào, sau khi ra trường, anh Nguyễn Đình Nhật (25 tuổi, em trai anh Đức) lại về công tác cùng đơn vị với anh trai. Nói là cùng đơn vị nhưng anh Đức công tác ở tàu kiểm ngư còn anh Nhật thì làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/12. Cả hai anh em ở hai nơi cách nhau đến hàng trăm hải lý.

Anh Đức cho biết, mỗi năm hai anh em gặp nhau được một lần. Mỗi lần cũng chỉ vài ngày rồi trở lại công tác. Năm nay thời gian gặp nhau lâu hơn bởi hai em đi chung một chuyến tàu ra nhà giàn. "Tôi rất vinh dự và tự hào khi cả 2 anh em cùng công tác trong lực lượng hải quân. Dù mỗi người làm một nhiệm vụ khác nhau nhưng cả hai anh em cùng chung chí hướng giữ biển đảo. Chuyến đi lần này tôi chỉ mong em trai vững vàng trong sóng gió để thực hiện tốt nhiệm vụ. Là những người lính hải quân, chúng tôi xin hứa sẽ dốc hết sức mình để giữ bình yên cho biển đảo quê hương," thuyền phó Đức chia sẻ.

Anh Lê Minh Tiến gói bánh chưng trên nhà giàn DK1 trước khi xuống tàu về đất liền

Đứng trên boong tàu, nhìn ra vùng biển động, trung úy Nguyễn Đình Nhật, Phó chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 kể, anh mới về công tác tại vùng 2 được 3 năm nay. Anh cũng mới lập gia đình vào năm ngoái và đã có một con gái. Mỗi năm anh chỉ về nhà được hơn một tháng rồi lại đi. Hôm con gái tròn 2 tháng tuổi, anh được về nghỉ phép. Sau 20 ngày ở bên vợ con, anh lại trở về công tác. Hiểu rõ được nhiệm vụ cao cả của chồng, vợ anh Nhật luôn động viên chồng cố gắng làm tròn trách nhiệm người lính.

“Cưới xong thì tôi khoác ba lô ra đi. Đến khi con gái được 2 tháng tuổi mới có dịp ghé về nhà. Những lúc nhớ vợ con nhưng chỉ biết tâm sự qua chiếc điện thoại. Sóng mạng chập chờn, vợ gửi hình con ra cho ngắm thì phải tải cả ngày mới nhận được. Nhiệm vụ của lính hải quân là vậy, chúng tôi phải gạt chuyện riêng tư sang một bên để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Chúng tôi xin hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo cho đất liền một mùa xuân bình yên”, anh Nhật nói.

Lá thư gửi bố ở nhà giàn

Đã nhiều năm đón Tết trên biển, năm nay trung úy Lê Minh Tiến (37 tuổi) mới được trở về nhà đón giao thừa bên vợ con. Sau khi chào tạm biệt đồng đội trên nhà giàn DK1/10, anh Tiến bước xuống tàu, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc.

Anh Tiến kể anh nhập ngũ năm 2002. Ban đầu anh đóng quân ở đảo Phú Quý, từ năm 2011, anh chuyển về Tiểu đoàn DK1 và làm nhiệm vụ ở DK1/9, 1/15, 1/10, 1/20. Hiện gia đình anh ở Biên Hòa (Đồng Nai). Vợ chồng anh có hai con, đủ cả nếp lẫn tẻ. Con gái lớn Lê Trịnh Minh Châu đã học lớp 2, bé trai Lê Minh Duy vừa tròn 4 tuổi. Anh bảo rằng, đã 10 tháng nay anh đi biệt. Những lúc vợ con ốm đau chỉ biết động viên qua sóng điện thoại.

Những ngày còn ở nhà với con, anh Tiến thường kèm cặp bé Minh Châu học bài, tâm sự chuyện bạn bè, trường lớp. Đến ngày anh Tiến trở lại nhà giàn công tác, vì nhớ bố, bé Châu đã viết những tâm sự của mình lên tờ giấy rồi kẹp vào quyển vở. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, vợ anh Tiến bất ngờ đọc được lá thư của con gái. Thế rồi chị âm thầm chụp hình lại và gửi lá thư qua tin nhắn cho chồng xem. Vợ chồng anh Tiến vừa buồn cười sự ngây thơ của con gái vừa thấy thương con hơn bao giờ hết. Từ đó chẳng có hôm nào anh Tiến quên gọi về trò chuyện cùng con trước giờ đi ngủ.

Trung úy Tiến chuẩn bị thịt heo gói bánh chưng cho đồng đội ở nhà giàn

“Mình đi xa, con gái đầu thường hay viết thư kể về những cảm xúc hằng ngày khi vắng bố. Viết rồi cháu lặng lẽ gấp trong tập vở đợi khi bố về sẽ đưa cho bố xem. Những lá thư tay ngắn ngủi đó được mẹ bắt gặp chụp lại gửi ra nhà giàn. Biết những tâm sự của con, hai vợ chồng tôi cố gắng giành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự để con gái bớt cảm thấy trống vắng”, trung úy Tiến kể.

Mấy ngày nay, khi nghe bố thông báo sắp được về nhà ăn Tết, Minh Châu vui lắm. Cô bé mong ngóng bố về từng giờ để dẫn đến lớp ra mắt bạn bè. Khi anh Tiến thắc mắc, bé Châu mới thổ lộ. Vì ngày nào cũng chỉ có mẹ chở đi học nên Minh Châu bị bạn bè trêu chọc là bị bố bỏ rơi, dù cô bé đã giải thích là bố làm bộ đội hải quân phải công tác xa nhà. Lúc này, một bạn liền cãi lại: “Tại sao bố mình cũng làm bộ đội nhưng vẫn đưa đón mình đi học hằng ngày”.

Bức thư của cô bé Minh Châu gửi bố
Anh Tiến kể: “Con bé buồn lắm, chẳng biết giải thích thế nào cho các bạn hiểu nên chỉ biết khóc thôi. Mọi chuyện sau đó đến tai cô giáo chủ nhiệm. Biết được hoàn cảnh gia đình tôi nên cô giáo liền giải thích cho học sinh hiểu và ra đề cho các bạn viết một lá thư gửi người lính hải quân ngoài đảo xa. Sau đợt đó, con gái tôi tự hào lắm, vì bố đã trở thành đề bài cho cả lớp làm bài thi”.
Bởi vậy khi biết chắc bố về, Minh Châu đã căn dặn bố phải về trước ngày trường cho nghỉ Tết để lên trường đón con và ra mắt với bạn bè. Cô bé còn xin bố mua bánh kẹo phát cho bạn bè trong lớp để cho các bạn không tìm cách chọc ghẹo mình nữa.

Còn người còn nhà giàn

Đại tá Đặng Mạnh Hùng (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) cho biết, các nhà giàn DK1 như những vọng gác tiền tiêu, canh giữ, quản lý, nắm tình hình và khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa đã và đang đặt ra những yêu cầu cao hơn. Bộ Tư lệnh Vùng 2 luôn chủ động quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ đến các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

“Các cán bộ chiến sĩ nhà giàn luôn xây dựng bản lĩnh chính trị cho mình, kiên định mục tiêu, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền. Còn người còn nhà giàn, đấy là quyết tâm rất lớn của cán bộ chiến sĩ nhà giàn. Vì nhiệm vụ đặc biệt của các nhà giàn nên các cán bộ chiến sĩ luôn phải sẵn sàng chiến đấu 24/24 kể cả trong ngày Tết. Với trách nhiệm của mình, những người lính hải quân chúng tôi sẽ quyết tâm vững chắc ở vị trí tiền tiêu, để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc”, đại tá Hùng khẳng định.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn