Tên lửa Falcon 9 của SpaceX nổ tung giữa không trung

Thứ hai, 20/01/2020, 14:49
Tên lửa đẩy Falcon 9 biến thành cầu lửa trong thử nghiệm nhưng tàu vũ trụ Crew Dragon kịp thoát hiểm thành công.
Thử nghiệm phóng hỏng của tên lửa Falcon 9. (Ảnh: Guardian).

Tên lửa Falcon 9 chở tàu vũ trụ Crew Dragon nổ tung trong thử nghiệm diễn ra tại trạm không quân Cape Canaveral ở Florida vào rạng sáng ngày 20/1 theo giờ Hà Nội. Tuy nhiên, khoảng 80 giây sau khi phóng, tàu Crew Dragon đã kịp tách khỏi tên lửa, tự động bung dù và hạ cánh an toàn giữa Đại Tây Dương. Thay vì chở phi hành gia, con tàu mang theo hai người nộm.

Bắt đầu thử nghiệm, tên lửa Falcon 9 cất cánh như thường lệ, nhưng khoảng một phút trước khi bay với tốc độ siêu thanh ở độ cao 19,3 km phía trên Đại Tây Dương, các động cơ đẩy cực mạnh giúp tàu Crew Dragon tách ra khi động cơ tên lửa ngừng hoạt động theo kế hoạch và bộ trợ đẩy trở nên mất kiểm soát, biến Falcon 9 thành quả cầu lửa khổng lồ.

Tàu Crew Dragon đạt tới độ cao khoảng 43,5 km trước khi mở dù để hạ cánh xuống đại dương. Dù biển động và trời âm u, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Trong vòng vài phút, tàu thu hồi đã di chuyển tới cạnh tàu Crew Dragon. SpaceX thường thu hồi bộ trợ đẩy để giảm chi phí phóng bằng cách lập trình cho thiết bị đáp thẳng đứng trên sà lan nổi giữa biển hoặc trở lại bãi phóng. Nhưng lần này, tên lửa Falcon 9 từng được tái sử dụng ba lần, vỡ vụn thành nhiều mảnh và rơi xuống biển.

Các phi hành gia NASA không thể khởi hành trên đất Mỹ từ sau khi chương trình tàu vũ trụ con thoi kết thúc năm 2011. Elon Musk, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành SpaceX, và giám đốc NASA Jim Bridenstine, cho biết trong chuyến bay tiếp theo, tàu Crew Dragon có thể chở hai phi hành gia vào đầu tháng 4. Theo Kathy Lueders, quản lý chương trình tàu có người lái của NASA, thử nghiệm phóng hỏng này là mốc quan trọng cuối cùng trước khi cơ quan này cho phép SpaceX chở phi hành gia Doug Hurley và Robert Behnken lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Thời gian phóng phụ thuộc vào việc NASA quyết định để nhóm phi hành gia trên trạm ISS nhiều tháng liền hay chỉ 1 - 2 tuần. Thời gian lưu lại dài hơn sẽ đòi hỏi tập huấn lâu hơn.

Tầm quan trọng của khả năng thoát hiểm khi tên lửa đẩy trục trặc được chú ý sau sự cố năm 2018 của nhà du hành vũ trụ người Nga Alexey Ovchinin và phi hành gia NASA Nick Hague. Trong chuyến bay trở về Trái Đất từ trạm ISS của họ, tên lửa Soyuz bị hỏng hai phút sau khi khởi hành. Hai phi hành gia thoát chết nhờ khoang hồi quyển trang bị hệ thống khẩn cấp để tách khỏi tên lửa an toàn. Tuy nhiên, tàu vũ trụ con thoi Challenger không có khả năng thoát hiểm như vậy vào năm 1986 và cả 7 phi hành gia thiệt mạng do tàu bay quanh quỹ đạo gặp sự cố 72 giây sau khi phóng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn