JARI là phương tiện mặt nước không người lái (USV) đầu tiên của Trung Quốc, có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ như chống ngầm, phòng không và tác chiến trên mặt nước. Nguyên mẫu JARI đầu tiên được hạ thủy hồi tháng 8/2019 và ảnh chụp mẫu USV này gần đây được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghiệp Viễn Đông của Trung Quốc, song không rõ thời gian và địa điểm thử nghiệm, SCMP đưa tin ngày 17/1.
Xuồng chiến đấu JARI dài 15 m, nặng 20 tấn, tốc độ tối đa hơn 77 km/h, được trang bị radar mảng pha chủ động tương tự khu trục hạm tên lửa Type 052D, cùng hệ thống thủy âm có thể theo dõi mục tiêu dưới nước trong khoảng cách 7 km. Xuồng được trang bị một pháo 30 mm, tên lửa phòng không tầm ngắn, hai bệ phóng tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm cùng hai ống phóng ngư lôi chống ngầm.
Xuồng chiến đấu đa năng JARI trong chuyến thử nghiệm trên biển. (Ảnh: SCMP). |
"Tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công có thể mang theo JARI để tăng năng lực trinh sát và tập kích. Sau khi công nghệ được hoàn thiện, những chiếc xuồng có thể triển khai đòn tấn công 'bầy sói' nhằm vào tàu mặt nước cỡ lớn của đối phương", tạp chí Khoa học Công nghiệp Viễn Đông viết.
Tuy nhiên, tạp chí này chỉ ra rằng JARI vẫn còn gặp nhiều trở ngại về công nghệ. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) hiện gặp khó khăn với việc triển khai và thu hồi nhanh JARI, cũng như đảm bảo an toàn hàng hải khi vận hành xuồng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu trên biển.
Hai viện nghiên cứu 716 và 702 của CSIC chịu trách nhiệm phát triển JARI công bố thông tin về chiếc USV này lần đầu năm 2018. CSIC đưa JARI tới trưng bày ở Triển lãm và Hội nghị Quốc phòng Quốc tế tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất năm 2019.
Một số nước khác đang phát triển phương tiện chiến đấu mặt nước không người lái do chúng có chi phí thấp, khả năng cơ động cao, có thể "tàng hình" trước khí tài trinh sát của đối phương và thực hiện được các nhiệm vụ nguy hiểm.
Hải quân Mỹ đã triển khai một số USV để dò thủy lôi và phát hiện tàu ngầm đối phương. Mỹ đang phát triển hai phương tiện mặt nước không người lái cỡ lớn (LUSV) với kích thước tương đương khu trục hạm và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ độc lập hoặc phối hợp với chiến hạm có người lái.
Theo VNE