Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua gửi thông báo cho đại sứ quán Mỹ ở Manila về việc nước này sẽ hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA). Quyết định được Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra sau khi Mỹ hủy visa, từ chối cho thượng nghị sĩ Philippines Ronaldo dela Rosa nhập cảnh.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin sau đó thông báo trên Twitter rằng phó đại sứ Mỹ tại Manila đã nhận dược thông báo. Sau thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, VFA sẽ hết hiệu lực sau 180 ngày nếu hai bên không đạt thỏa thuận nhằm đảo ngược hoặc trì hoãn quá trình chấm dứt thỏa thuận.
"Tổng thống sẽ không xem xét những đề xuất của Washington nhằm cứu vãn VFA, cũng như không nhận lời mời thăm chính thức đến Mỹ", phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay.
Lính Philippines diễn tập với binh sĩ Mỹ đầu năm 2019. (Ảnh: USMC). |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sau đó gọi quyết định của Manila là hành động "đáng tiếc", cho rằng đó là bước đi sai lầm vào thời điểm Washington và các đồng minh đang tìm cách hối thúc Bắc Kinh tuân thủ "trật tự theo luật pháp quốc tế" tại khu vực châu Á.
Đại sứ quán Mỹ tại Philippines không giải thích lý do từ chối cho thượng nghị sĩ Rosa nhập cảnh, nhưng dường như quyết định bắt nguồn từ những cáo buộc giết người không qua xét xử trong hơn hai năm Rosa giữ chức tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines.
VFA được thi hành từ năm 1999, cung cấp cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của hàng nghìn lính Mỹ đồn trú luân phiên tại Philippines, nhằm phục vụ các cuộc tập trận và hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Điều khoản chủ đạo của VFA cho phép Washington duy trì quyền xét xử với binh sĩ Mỹ phạm pháp tại Philippines, trừ khi một số trường hợp đặc biệt. Nó cũng giúp lính Mỹ không phải tuân thủ những yêu cầu về hộ chiếu và thị thực tại Philippines.
Duterte cáo buộc Mỹ lợi dụng VFA nhằm tiến hành các hoạt động bí mật như gián điệp và tích trữ vũ khí hạt nhân, khiến Philippines trở thành mục tiêu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chấm dứt VFA sẽ gây hại cho cả Philippines và Mỹ, khiến Washington gặp khó trong duy trì hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngăn Philippines diễn tập chung, nhận viện trợ quân sự từ Mỹ.
Mỹ có thể tìm cách hủy nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ Chung và Thỏa thuận Hợp tác Cải thiện Quốc phòng, đồng thời ngừng hơn 300 chiến dịch huấn luyện chung với Philippines.
Theo VNE