Tiếp tục nghỉ để tránh lây nhiễm
Hết tuần này, theo dự kiến, học sinh nhiều tỉnh, thành sẽ quay trở lại trường học. Điều này khiến nhiều gia đình lo lắng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Chị Lê Thị Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đồng ý với phương án tiếp tục cho học sinh nghỉ. Bởi trường học vốn đông người và dễ lây lan bệnh; nhất là bán trú, việc học sinh ăn chung, ngủ chung càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Tuy không đến lớp nhưng học sinh vẫn học online tại nhà. Do đó, chị Quỳnh cho rằng nên để cho các con được nghỉ thêm để gia đình yên tâm hơn.
Phụ huynh lo ngại virus corona lây nhiễm, mong muốn con tiếp tục nghỉ học. |
Tương tự, chị Hồng Mai (Đoan Hùng, Phú Thọ) lo lắng nếu có học sinh nhiễm bệnh đi học, tốc độ lây truyền của bệnh sẽ là cấp số nhân; hậu quả sẽ khôn lường. Không đi học, sẽ giảm số người nhiễm nCoV cho học sinh và giáo viên là điều thấy rõ nhất. Giảm số người nhiễm bệnh, tăng kết quả phòng, chống dịch, giúp dịch qua nhanh.
Anh Phan Quyền (Nam Định) đề xuất nên cho học sinh nghỉ. Các trường tranh thủ tập huấn tốt hơn cách phòng tránh dịch, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Đến khi nào sẵn sàng và kiểm soát được nguồn dịch thì mới có thể cho các con đến lớp.
“Phụ huynh chúng tôi chấp nhận việc phải xoay sở trông con ở nhà dù là 1, 2 tháng, miễn sao an toàn. Sức khỏe của con là trên hết”.
Mong muốn được trở lại lớp
Bộ phận không nhỏ phụ huynh phản đối việc cho con nghỉ học tiếp. Theo chị Nguyễn Chung (Hà Nội), cho trẻ nghỉ học nhiều không phải là giải pháp hay.
“Tôi thấy con học online thường lười và không có tinh thần như trên lớp. Ngoài ra nếu nghỉ nhiều quá thì sau này các cháu phải học bù rất mệt", chị Chung nói.
Nhiều phụ huynh phàn nàn trong thời gian con nghỉ học phải đau đầu xoay sở nhiều cách để có thời gian trông con. Một số học sinh cũng mong muốn đi học trở lại vì sợ mất kiến thức sau thời gian nghỉ kéo dài, nhất là các em cuối cấp.
Em Phạm Thảo Phương, THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) lo lắng thời gian nghỉ quá lâu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến trình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia đang cận kề. “Em nghĩ các trường đã khử khuẩn đồng loạt, học sinh được tuyên truyền tự bảo vệ mình bằng khẩu trang và nước rửa tay… Vậy là đủ", Phương nói.
Học sinh lo lắng vì nghỉ quá lâu sẽ ảnh hưởng đến tiến trình học tập cuối cấp. |
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM, với đại học nghỉ tiếp một tuần đến 10 ngày tiếp sẽ không có vấn đề gì quá lớn, vì thời gian dự trữ cho năm học đủ để bù đắp cho thời gian nghỉ học vài tuần.
Tuy nhiên, với học sinh phổ thông thì khác, vì ngoài chương trình học tập sẽ ảnh hưởng khá lớn tới tiến độ bài vở năm học và sinh hoạt của mỗi gia đình. Do đó, cần tính toán kỹ đề xuất nên nghỉ tiếp hay không?
“Theo tôi, các cơ quan quản lý cần tiếp tục theo dõi bệnh dịch hàng ngày để đưa ra quyết định nên cho nghỉ hay đi học. Nếu chiều hướng xấu thì vẫn phải cho nghỉ, vì học sinh khả năng phòng dịch kém. Chương trình chậm sau đó sẽ học bù”- PGS Sơn nêu.
Căn cứ tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh quyết định
Tại buổi làm việc chiều 9/2 giữa đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và TP.HCM về tình hình chống virus corona, Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn cho biết - việc có nên cho học sinh tiếp tục nghỉ được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV giao cho sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế đánh giá tình hình, báo cáo với chủ tịch UBND tỉnh, thành phố xem xét quyết định vấn đề.
Theo Thứ trưởng, ngành y tế chỉ đánh giá về sức khỏe. Bộ sẽ báo cáo tất cả dữ liệu cho Ban chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn ngành giáo dục các cân nhắc việc có đề xuất phương án cho học sinh nghỉ học thêm hay không.
Quan trọng các tỉnh phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh, điều kiện thời tiết từng địa phương để có đề xuất cho lãnh đạo tỉnh, thành quyết định.
Như vậy, việc có cho học sinh cả nước tiếp tục nghỉ học hay không tùy theo đánh giá của địa phương. Họ sẽ căn cứ thực tế địa phương và đề xuất của hai Sở Y tế, Sở GD&ĐT, bởi từ trước tới giờ, chưa có chỉ đạo nào cho học sinh trên toàn quốc được nghỉ học, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Thực tế nhiều trường trên thế giới vừa chống dịch vừa mở cửa cho học sinh, vì vậy theo nhiều chuyên gia việc quan trọng là cha mẹ chuẩn bị tâm lý cho con, kèm theo đó là phương pháp để con tự bảo vệ bản thân và các trường cần tạo môi trường an toàn cho các em.
Theo VTC