"Người giúp việc" lặng lẽ của Giáo sư Trần Thanh Vân

Thứ năm, 05/03/2020, 19:12
Mong muốn của thầy cô không chỉ dừng lại ở việc xây một căn phòng, mà muốn tạo dựng một cộng đồng khoa học. Cộng đồng này ban đầu làm khoa học nhưng có thể tạo ra những hiệu ứng, những kết nối khác mà chúng ta không thể hình dung hết được.

Có lần tôi gặp một người trạc 40 tuổi, mặc quần tây, sơ mi tay cộc, đeo chiếc đồng hồ điện tử quai nhựa hiệu Casio thịnh hành từ vài chục năm trước, đang lau nước trên bàn ở Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).

Một lần khác, tôi thấy người đó thu dọn các đồ văn phòng phẩm và khệ nệ khiêng một chiếc rương sắt nặng trịch. Người đàn ông đó là Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc trung tâm ICISE (Quy Nhơn, Bình Định) - nơi được mệnh danh điểm hẹn gặp gỡ của các nhà khoa học quốc tế lỗi lạc.

“Ở ICISE việc nhiều, người mỏng, nên thấy rác mình cúi xuống lượm, thấy bẩn mình lau. Đây là việc của tất cả nhân viên, chứ không chỉ của tạp vụ,” anh Sơn giải thích.

Vì công việc bận rộn, sau nhiều lần hẹn không thành, tôi sắp xếp được một cuộc gặp với anh vào những ngày đầu năm mới 2020. Đồng hồ điểm quá giữa trưa, anh mới xuất hiện sau cuộc họp tổng kết toàn trung tâm. Khi tôi hỏi chuyện, anh khăng khăng: “Nói về trung tâm, về vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân thì hay hơn nói về anh, bọn anh giống như người giúp việc của thầy vậy thôi.”

'Người giúp việc' lặng lẽ của Giáo sư Trần Thanh Vân - 3

Thầy Vân là cách gọi thân mật của giáo sư Trần Thanh Vân - người nổi danh quốc tế với những cống hiến xuất sắc cho khoa học, hiện là Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và Giám đốc không hưởng lương của ICISE. Giáo sư hiện đang sinh sống ở Pháp. Ông đã có lời đề nghị anh Trần Thanh Sơn trở thành Phó Giám đốc Trung tâm với mong muốn cùng anh thực hiện dự án cuối đời của mình: giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra quốc tế và giúp khoa học Việt Nam tiệm cận với tinh hoa khoa học thế giới.

Cơ duyên để anh Sơn trở thành “người giúp việc” cho GS Trần Thanh Vân đã khởi nguồn từ nhiều năm trước. Sau khi tốt nghiệp ngành Sinh học tại Đại học Sư phạm Huế với số điểm cao nhất, anh Sơn về giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình (nay là Đại học Quảng Bình). Ở đây anh biết đến giáo sư Vân qua hoạt động xây dựng làng trẻ em SOS Đồng Hới của vợ chồng giáo sư. Sau đó, anh Sơn nhận học bổng của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Viện nghiên cứu quốc gia Pháp để hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp.

Anh học thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Paris 11, nơi giáo sư Vân công tác. Nơi ở của anh cũng cách chỗ của thầy chỉ hai ga tàu. Mối quen biết trở nên thân tình hơn khi anh tham gia bán thiệp và đồ lưu niệm liên quan đến Việt Nam trong dịp Giáng sinh để gây quỹ cho Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp - Aide à l’Enfance du Vietnam (do GS Lê Kim Ngọc - phu nhân của GS Vân là Chủ tịch).

“Noel bên Pháp lạnh ngắt, phải đứng ngoài trời lạnh để bán thiệp, nên cứ một chặp thầy Vân lại ra chở một nhóm về nhà uống trà, ăn súp nóng, rồi lại đổi nhóm khác. Trong thời gian đó, tôi được gặp gỡ và nói chuyện nhiều hơn với thầy,” anh Sơn kể lại.

Sau đó, khi biết giáo sư Vân không có thư ký và cũng gặp một chút khó khăn khi sử dụng tiếng Việt vì đã sang Pháp quá lâu, anh Sơn tình nguyện giúp giáo sư trong những việc liên quan đến giấy tờ, công văn gửi về Việt Nam. Hằng năm, vào mùa hè, từ năm 2008, trong vai trò phiên dịch viên tình nguyện, anh theo chân các giáo sư Pháp về Việt Nam tập huấn cho giáo viên các trường phổ thông về phương pháp dạy khoa học “Bàn tay nặn bột” do GS Vân khởi xướng. “Ban đầu, tôi giống như một thư kí nho nhỏ cho thầy,” anh nói.

Năm 2013, sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ, anh về Việt Nam làm Phó Giám đốc bán thời gian của ICISE. “Tôi làm việc ở đây bán thời gian nhưng còn hơn toàn thời gian. Thầy Vân muốn ICISE cũng giống như làng SOS. Ở SOS, ông giám đốc làng phải ở trong làng, vì khi một đứa con đau, bà mẹ đau, bà dì đau hay có chuyện gì ông phải biết và có mặt ngay. Chứ sống ở ngoài rồi đi đi về về như công chức thì không chu toàn cho Trung tâm được. Vì thế, Thầy đề xuất gia đình tôi vào ở trong nhà công vụ của Trung tâm,” anh Sơn nói.

'Người giúp việc' lặng lẽ của Giáo sư Trần Thanh Vân - 4

Theo lời kể của anh, thời gian đầu hoạt động trung tâm gặp vô vàn khó khăn vì không có nhiều tiền để nuôi đội ngũ nhân viên lớn. “Ví như bảo vệ ở những chỗ khác làm xong ca rồi về, bảo vệ ở đây kiêm cả việc dọn rác bãi biển, bưng ghế, chặt dừa cho khách uống… Mà lương thì thấp, hồi mới đầu vào chỉ có 2 triệu/tháng,” anh Sơn cho hay.

Để tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng dự án, toàn bộ nguồn nhân lực ICISE tuyển dụng chủ yếu là người địa phương: bảo vệ, tạp vụ là những người trong làng Phong Quy Hòa; thư kí, kế toán đa phần tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn. “Tôi phải rèn nhân viên hết sức chỉn chu trong công việc, vì đây không chỉ giữ hình ảnh cho trung tâm hay cho Bình Định, mà còn giữ hình ảnh của Việt Nam. Khách đến dự hội nghị một tuần rồi lại về nước, nếu làm việc sai sót khiến các nhà khoa học không hài lòng thì mình không có cơ hội sửa sai lần hai,” anh Sơn nói.

Tất cả nhân viên làm việc tại ICISE đến giờ này đều là những người có tâm với ICISE, với công việc, không phải làm cho xong chuyện rồi về. “Tuy trung tâm không có điều kiện trả lương bổng cao như các doanh nghiệp khác nhưng họ còn trụ lại, nhiều phần vì nể phục và tự hào về thầy Vân. Thầy cống hiến rất nhiều cho trung tâm nhưng không hề nhận đồng lương nào, có thể gọi thầy là Giám đốc 0 đồng,” anh Sơn cho biết thêm.

30 tuổi, năm 1966, thầy Vân cùng nhóm bạn không tiền không bạc đến làng Moriond, tự gom góp kinh phí nấu ăn với nhau rồi báo cáo khoa học cho nhau nghe, biến các hội nghị khoa học mô phạm thành những cuộc gặp gỡ khoa học thân tình. “Từ ý tưởng và tinh thần đó lập ra “Gặp gỡ Moriond” (Rencontres de Moriond). Những cuộc gặp gỡ đó duy trì được hơn 50 năm rồi, mà ở đây có một cơ ngơi thế này, chẳng lẽ mình lại không làm được?”, anh Sơn nói.

Anh Bùi Văn Hải - tổ trưởng Tổ bảo vệ của ICISE kể lại lúc trung tâm mới khánh thành, bảo vệ phải thức cả đêm để canh chừng những người dân thiếu ý thức vào hái trộm dừa, câu trộm cá, lùa bò vào ăn cỏ. Đôi khi phải nhờ cả công an can thiệp.

Nhưng anh cũng không giấu được niềm tự hào về ICISE, tự hào về lãnh đạo khi say sưa giới thiệu cho khách lịch sử hình thành trung tâm; tuổi đời 70, 80 năm của những cây dừa trong khuôn viên; những đàn chim cứ chiều chiều lại bay về ICISE…

“Thầy Vân, cô Ngọc tuổi đã hơn 80 mà vẫn tận tụy với công việc, đi đi về về giữa Pháp với Việt Nam, mình thấy cảm động. Mỗi lần về, thầy cô đều tận tình hỏi thăm mọi người và còn chụp hình chung với anh em bảo vệ, tạp vụ”, anh Hải nói thêm.

'Người giúp việc' lặng lẽ của Giáo sư Trần Thanh Vân - 5

Từ những ngày đầu khởi xướng “Gặp gỡ Moriond”, GS Trần Thanh Vân đã mong ước quê nhà của mình có một nơi tổ chức hội thảo cho các nhà khoa học trên thế giới. Bỏ công bỏ sức, gom góp tiền bạc liên tục gần nửa thế kỉ, cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học khác, GS Vân đã khai sinh ICISE.

Khi nhắc đến ICISE, GS Lê Kim Ngọc nói: “Việt Nam là một nước nghèo, thì cũng giống nhà nghèo. Nhà nghèo mà muốn làm nhà đẹp để tiếp đón bạn bè quốc tế thì mình không đủ sức, thì thôi, mình ráng làm cho được một căn phòng đẹp. Trung tâm này giống căn phòng đó, mình xây nhỏ thôi, không hào nhoáng, nhưng ít nhất nó đầy đủ, đàng hoàng và đẹp trong mức độ nghèo, để con cháu mình có thể tự hào đón tiếp mọi người.”

“Nhưng mong muốn của Thầy Cô không chỉ dừng lại ở việc xây một căn phòng, mà muốn tạo dựng một cộng đồng khoa học. Cộng đồng này ban đầu làm khoa học nhưng có thể tạo ra những hiệu ứng, những kết nối khác mà chúng ta không thể hình dung hết được,” anh Sơn nói.

Ví dụ, theo lời anh Sơn, những nhà khoa học đến đây và yêu mến Việt Nam, khi về nước họ có thể giới thiệu gia đình, bạn bè đến đây du lịch hay chọn nơi này là một chỗ đầu tư tiềm năng.

Những hội nghị được tổ chức ở trung tâm cũng tạo cơ hội cho giới trẻ Việt Nam cũng như khích lệ khoa học trong nước. “Có những hội nghị với tên chương trình rất mới, rất lạ, thậm chí Việt Nam chưa có nhóm nghiên cứu nào về lĩnh vực đó. Mới lạ vậy nhưng Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE vẫn tổ chức để mọi người biết trên thế giới có hướng nghiên cứu đó. Những sinh viên trẻ học Vật lý chưa biết làm gì sắp tới có thể tìm tòi và đi theo những hướng này,” anh Sơn cho hay.

Ngoài ra, ICISE dùng chi phí dôi ra từ các hội nghị, tìm kiếm thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ khác để tài trợ cho hoạt động của sinh viên, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, GS Jerome Friendman (đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990) đến ICISE dự hội nghị, trung tâm đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho các bạn đoạt giải Olympic quốc tế các môn Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Thiên Văn học đến Quy Nhơn giao lưu và sống với GS một ngày.

“Cuộc gặp gỡ này sẽ kích thích lòng yêu khoa học và mong muốn của các bạn. Khi còn trẻ và có cơ hội gặp một ông giáo sư đoạt giải Nobel, được nói chuyện với giáo sư và thấy ông cũng bình thường như mọi người, các bạn có thể nghĩ ông làm được thì chắc trong tương lai mình cũng làm được,” anh Sơn nói.

Những kết nối ICISE tạo ra cho Việt Nam, giống như GS Đàm Thanh Sơn (đoạt giải Dirac 2018) từng chia sẻ: “Những kết nối này vô hình lắm, khó lòng tính toán hay đong đếm hết được.”

Điển hình như năm 1968, GS Vân tài trợ cho GS Nhật Bản Takaaki Kajita (khi đó 28 tuổi) tham dự “Gặp gỡ Moriond”. Đến năm 2015, ông đoạt giải Nobel Vật lý. Năm 2016, ông đến ICISE dự hội nghị và bày tỏ mong muốn được giúp đỡ GS Trần Thanh Vân. Chính ông đã đề xuất thành lập Nhóm Vật lý Neutrino Việt Nam (thuộc ICISE) và tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu này tham gia thí nghiệm T2K ở Nhật Bản. Tại Việt Nam chỉ có duy nhất một nhóm nghiên cứu về Neutrino thực nghiệm và nhóm nghiên cứu này vinh dự đại diện cho quốc gia cắm cờ Việt Nam  tại thí nghiệm với 11 nước khác.

Từ một vùng đất hoang vu, vắng người qua lại, nằm trong khu vực làng phong Quy Hòa nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng, ICISE đã thành hình và được Liên hoan Kiến trúc Thế giới tổ chức tại Berlin đề cử top 16 hạng mục “Công trình kiến trúc giáo dục đại học và nghiên cứu đẹp nhất thế giới” (2017).

Đến nay, trung tâm đã đón tiếp gần 5.000 đại biểu từ 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có 14 GS đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học giành nhiều giải thưởng danh giá khác.

“Trong 7 năm qua, dù không phải làm được 100% những gì mong muốn và kỳ vọng, vì mình cũng không tài giỏi gì quá, nhưng tôi tin rằng mình đã thực hiện được phần nào đó trong việc góp sức cho dự án tâm huyết cuối đời cống hiến cho khoa học Việt Nam của thầy Vân,” anh Sơn chia sẻ chân thành.

Theo PLO

Các tin cũ hơn