Bà Elisa Granato tiêm vắc xin trong chương trình thử nghiêm lâm sàng đầu tiên tại Anh. Ảnh: ĐH OXFORD |
Theo đài CBS, việc thử nghiệm vắc xin được gọi tên là "ChAdOx1 nCoV-19" trên người của ĐH Oxford cũng đang được tiến hành và các nhà khoa học thuộc dự án này cho biết họ rất hi vọng một vắc xin khả dụng có thể được sản xuất rộng rãi vào tháng 9 năm nay.
Có được sự bứt phá mạnh mẽ này chính là bởi nhóm nghiên cứu đã sở hữu công nghệ bào chế vắcxin từng được phát triển trong nghiên cứu trước đây với các loại virus khác, trong đó có một virus "họ hàng" với virus gây đại dịch COVID-19.
Bà Sarah Gilbert, giáo sư ngành vắc-xin học tại ĐH Oxford, nói: "Về quan điểm cá nhân, tôi rất tự tin về vắc xin này, vì đó là công nghệ tôi đã dùng trước đây".
Loại vắc xin này lấy vật chất di truyền của virus corona chủng mới bơm vào một virus cảm lạnh đã được trung hòa để không thể lây bệnh cho người. Loại virus được chỉnh sửa này sẽ bắt chước virus gây bệnh COVID-19, kích hoạt hệ miễn dịch để tấn công lại virus corona "giả mạo", giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus corona thật.
Loại vắc xin này đã được chứng minh phát huy tác dụng, bảo vệ 6 con khỉ loài rhesus macaque trong thí nghiệm đã phơi nhiễm với lượng virus corona rất lớn.
Trong thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành với vắc xin ChAdOx1 nCoV-19, 550 người tham gia được dùng vắc xin, 550 người khác không dùng.
"Có cảm tưởng như cuối cùng tôi có thể làm được gì đó…", nhà khoa học và cũng là một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin ChAdOx1 nCoV-19, bà Elisa Granato, chia sẻ. "Đây là cách để tôi có thể đóng góp vào một việc có ý nghĩa".
Để không lãng phí thời gian, nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới đặt tại Ấn Độ, sẽ bắt đầu sản xuất hàng triệu liều vắc xin do nhóm khoa học ở ĐH Oxford phát triển từ tháng tới, ngay khi chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tại Anh.
Theo báo South China Morning Post, Viện Serum Ấn Độ ngày 28-4 thông báo đã có kế hoạch năm nay sản xuất tới 60 triệu liều vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 do ĐH Oxford phát triển.
Theo TTO