|
Từ ngày 20-23/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Thiểm Tây, kiểm tra công tác phục hồi bảo tồn sinh thái tại khu vực dãy Tần Lĩnh và công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Cùng thời điểm đó, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế cũng thực hiện chuyến khảo sát địa phương đầu tiên của năm 2020. Ông tới Cam Túc từ ngày 18-21/4.
Mới đây, ông Uông Dương, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tương đương Mặt trận tổ quốc) cũng đã tới Vân Nam, Quý Châu để tìm hiểu công tác thoát nghèo tại địa phương.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa lại tới thăm các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Hồ Nam, thị sát vụ xuân và chăn nuôi lợn của địa phương.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, ngoài chuyến đi mang ý nghĩa cụ thể của ông Tập tới Vũ Hán và Chiết Giang hay chuyến thị sát tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán của Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, hầu như đội ngũ quan chức cấp cao Trung Quốc đã không rời Bắc Kinh trong khoảng ba tháng.
Theo giới phân tích, việc các quan chức lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc rời Bắc Kinh để thị sát địa phương vốn là công tác bình thường nhưng trong bối cảnh hiện tại, động thái này lại phát đi tín hiệu khác biệt. Đó chính là, từ phòng chống dịch bệnh đến nối lại sản xuất, lao động, xóa đói giảm nghèo, canh tác vụ xuân, chống tham nhũng v.v...., một loạt các hành động từ trung ương cho thấy, trật tự của xã hội Trung Quốc đang tái khởi động toàn diện.
|
Ông Tập Cận Bình tới thăm Chiết Giang. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Sự "bất thường" đằng sau những chuyến thị sát thông thường
Từ hành trình của giới lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Tần Lĩnh, nông trại trà An Khang, Bảo tàng Tây Thiên Đại học Giao thông, Tập đoàn ô tô Thiểm Tây, cộng đồng cư dân địa phương....
Từ nội dung thị sát có thể thấy, chuyến thăm Thiểm Tây có một số điểm tương tự với chuyến đi đến Chiết Giang trước đó. Ví dụ, lịch trình chuyến thăm đều chú ý đến việc nối lại sản xuất, lao động và nhấn mạnh bảo vệ sinh thái, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt.
Theo Đài phát thanh truyền hình Trung Quốc CCTV, "trong chuyến thăm Thiểm Tây của Tập Cận Bình có một số địa điểm liên quan mật thiết đến việc xóa đói giảm nghèo".
Đầy là hành động tiêu chuẩn trong các cuộc thị sát địa phương trước đây của ông Tập Cận Bình, nhưng chuyến đi tới Vũ Hán và Chiết Giang trước đó, điều này không được nhấn mạnh.
Trước và sau khi ông Tập Cận Bình thị sát Thiểm Tây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương CCDI đã tới các địa phương như Quảng Đông, Tân Cương, Cam Túc... tìm hiểu các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Sớm hơn nữa, ông Trần Nhất Tân, Tổng thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp lý Trung ương ĐCSTQ, từng giữ chức Phó trưởng ban giám sát của chính phủ trung ương tới Hồ Bắc, đã tổ chức bốn cuộc họp và triển khai các hoạt động chống tội phạm đặc biệt.
Báo tiếng Hoa Đa chiều nhận định, những chuyến đi dày đặc gần đây của giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy trật tự xã hội bị gián đoạn bởi dịch bệnh đang nhanh chóng trở lại nhịp điệu ban đầu với sự thúc đẩy của đội ngũ quản lý cấp cao.
Một số nút phục hồi
Vào ngày 22/4, hệ thống giao thông Vũ Hán đã tái khởi động toàn diện, đến nay các biện pháp hạn chế do dịch bệnh về cơ bản đã được dỡ bỏ. Đồng thời, Lưỡng hội - hội nghị quan trọng nhất trong năm của ĐCSTQ dự kiến sẽ khai mạc trong thời gian sắp tới, tất cả dường như đang hồi phục.
Dư luận nói chung coi việc phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1 là một nút thắt quan trọng trong phản ứng của Trung Quốc đối với dịch bệnh. Kể từ đó, 31 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc đại lục đã theo dõi và tuyên bố rằng họ đã bước vào trạng thái ứng phó khẩn cấp cấp một.
Tại Vũ Hán, khoảng 50.000 người được ghi nhận nhiễm bệnh vào tháng 2, đến 14/3, Vũ Hán không xuất hiện ca nhiễm mới. Thời điểm này, dịch bệnh tại các khu vực khác trên toàn Trung Quốc nói chung đã được kiểm soát.
Hôm 10/3, ông Tập Cận Bình "bất ngờ" xuất hiện tại tâm dịch Vũ Hán, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh địa phương, cuộc kiểm tra được coi là tín hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát ở Trung Quốc. Sau đó không lâu, giao thông được lối lại tại Hồ Bắc từ ngày 25/3.
Từ ngày 29/3 đến ngày 1/4, ông Tập Cận Bình rời Bắc Kinh lần thứ hai để tới Chiết Giang. Chiết Giang là tỉnh ven biển phía đông nam với các doanh nghiệp tư nhân và hoạt động kinh tế xuất khẩu hoạt động mạnh nhất. Trọng tâm của chuyến thăm này không còn chỉ là phòng chống dịch bệnh mà còn nhằm khởi độngcác hoạt động kinh tế và xã hội một cách có trật tự, theo giai đoạn, lĩnh vực sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Bắc Kinh đã thay đổi trọng tâm chiến lược kể từ tháng Hai. Nếu ví chỉ thị cao nhất của ông Tập Cận Bình vào đêm trước phong tỏa Vũ Hán là hành động quyết đoán nhấn nút tạm dừng của toàn Trung Quốc, thì từ cuộc họp trực tuyến toàn quốc với sự tham gia của 170.000 cán bộ vào ngày 23/2 thực sự bắt đầu bấm nửa nút khởi động. Tính đến ngày 14/4, tỷ lệ hoạt động trung bình của các doanh nghiệp công nghiệp trên quy mô toàn Trung Quốc đã đạt 99% và tỷ lệ nhân sự đi làm đạt 94%.
Theo giới phân tích, dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán và nối lại giao thông, vận chuyển hàng hóa có nghĩa là Trung Quốc đã đặt nền tảng cho một sự tái khởi động xã hội.
Cho đến cuối tháng 4, từ sau chuyến khảo sát Thiểm Tây của ông Tập, ban lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp tục các hoạt động thị sát thông thường. Về cơ bản, trật tự đời sống chính trị đã được khôi phục bình thường, các hội nghị chính trị quy mới lớn cũng được đảm bảo an ninh.
Như vậy, nếu dịch bệnh không bùng phát trở lại ở Trung Quốc, các hoạt động xã hội của nước này có hy vọng phục hồi hoàn toàn vào trước tháng 6.
Tất nhiên, điều này không phải khẳng định rằng Trung Quốc đã hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, so với các nước châu Âu và Mỹ đang vật lộn trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, Trung Quốc đã có thể tái hoạt động sản xuất sớm hơn.
Theo Soha