Nhà giàu châu Á - kẻ thắt lưng buộc bụng, người săn tài sản giá hời

Thứ tư, 29/04/2020, 11:15
Trong khi một số gia đình giàu châu Á thận trọng hơn và bán bớt tài sản để tăng tiền mặt dự phòng, một số khác lại không muốn bỏ lỡ những cơ hội đầu tư béo bở.

Nhiều gia đình giàu châu Á ở thế phòng thủ trước những biến động kinh tế do dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Bloomberg).

Tháng 9/2019, khi đường phố Hong Kong chìm các cuộc biểu tình, Tony Yeung, người thừa kế thuộc thế hệ thứ ba của một doanh nghiệp, vẫn tự tin rằng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi. Yeung thường xuyên bay qua lại giữa châu Á và châu Âu để giúp công ty quản lý tài sản của gia đình và các đối tác tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Giờ đây, Yeung quan ngại rằng nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh chóng do sức tàn phá của đại dịch Covid-19.
Tiếp cận thận trọng, tích trữ tiền mặt
Theo Bloomberg, trong khi, các công ty quản lý tài sản cho gia đình siêu giàu tại Mỹ và châu Âu đổ xô mua tài sản với mức giá hời, các công ty châu Á nhìn chung tỏ ra thận trọng. Họ giám sát chặt danh mục hiện có và tích trữ tiền mặt để chuẩn bị cho tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
“Chúng tôi đang tiếp cận một cách thận trọng, trước tiên giám sát danh mục hiện có và sẵn sàng vị thế phòng thủ”, Yeung cho biết. “Chúng tôi là công ty quản lý tài sản gia đình nên bỏ qua một cơ hội cũng không sao cả, nhưng sẽ là vấn đề nếu mất tiền”.
Tài sản của Yeung chủ yếu đến từ hãng bất động sản Peterson Group và anh cũng là CEO của công ty này.
Sự thận trọng của các gia đình giàu bậc nhất châu Á có thể là dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi nhiều công ty quản lý tài sản phương Tây vận hành giống các công ty đầu tư thông thường, các doanh nghiệp như thế này ở châu Á vẫn lấy hoạt động kinh doanh gốc làm cốt lõi. Điều này giúp họ có cái nhìn trực diện về nền kinh tế - từ ngành khách sạn, bán lẻ cho tới sản xuất, vận tải biển.
Joseph Poon, người đứng đầu mảng dịch vụ Private Bank của Ngân hàng DBS Singapore, cho biết nhiều công ty quản lý tài sản gia đình ban đầu triển khai các biện pháp tương tự như họ đã dùng trong thời gian dịch SARS bùng phát năm 2003. Thời điểm đó, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng chỉ sau vài tháng. Tuy nhiên, khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và các thiên đường tài chính cũng biến mất, những công ty với danh mục lớn bắt đầu nhìn nhận rằng lần này hoàn toàn khác.
Mối quan ngại lớn nhất là làn sóng thất nghiệp trên toàn cầu với tác động tiêu cực đến tiêu dùng. AJ Capital Asset Management, công ty quản lý tài sản của gia đình Jhunjhunwala, ban đầu có kế hoạch cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những nước như Ấn Độ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phải hoãn lại khi các nền kinh tế đóng băng vì lệnh phong toả. Công ty này cũng thận trọng hơn và chỉ chấp nhận những công ty lớn sở hữu tài sản có thể dùng để thế chấp.
Một số quỹ quản lý tài sản châu Á tăng tiền mặt dự phòng. (Ảnh: Straits Times).
Một số thậm chí bán bớt tài sản để dự phòng tiền mặt. “Nhiều quỹ quản lý tài sản đang thắt lưng buộc bụng và tập trung vào danh mục hiện có”, Robin Pho, thành viên ban điều hành của Family Business Network Asia, cho biết. Pho cũng là nhà sáng lập công ty Right People Renewable Energy và điều hành công ty quản lý tài sản riêng.
Không muốn bỏ lỡ cơ hội
Tuy nhiên, một số ít quỹ sở hữu các công ty không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Với gia đình Tolaram, với tài sản chủ yếu đến từ công ty cung cấp thực phẩm thiết yếu như mì gói và ngũ cốc, hoạt động kinh doanh vẫn khá ổn định. Manish Tibrewal, CEO của quỹ quản lý tài sản Maitri của gia đình Tolaram, cho biết cả công ty lẫn quỹ quản lý tài sản của nhà Tolaram đều sẵn sàng thực hiện các thương vụ đầu tư mới.

Tính tới giữa năm 2019, trên toàn cầu có khoảng hơn 7.300 công ty quản lý tài sản của gia đình siêu giàu.
Tại Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau các lệnh phong tỏa, nhiều quỹ gia đình vẫn muốn đầu tư bởi đơn giản không muốn bỏ lỡ cơ hội.
“Thị trường bất ổn không có nghĩa là người giàu thoái lui”, Nick Xiao, CEO của Hywin International, chi nhánh tại Hong Kong của công ty quản lý tài sản Hywin Wealth, nói. “Giới giàu càng trở nên năng động hơn bao giờ hết, họ liên tục giám sát, tính toán và cân nhắc nên đầu tư tiền của mình vào đâu. Họ không muốn bỏ lỡ cơ hội như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008”.
Tính tới giữa năm 2019, trên toàn cầu có khoảng hơn 7.300 công ty quản lý tài sản của gia đình siêu giàu, quản lý khối tài sản lên tới 5.900 tỷ USD, theo hãng nghiên cứu Campden. Các công ty này thường quản lý tài sản cho một hoặc nhiều gia đình.
Dù cấu trúc và bản chất khác nhau, mục tiêu lớn chung của các công ty này là bảo vệ và phát triển tài sản, giúp các gia đình siêu giàu có tầm nhìn dài hạn trong những giai đoạn biến động của thị trường.

Theo Zing

Các tin cũ hơn