Trao đổi với Tiền Phong, anh Trần Văn H., người nhà bệnh nhân điều trị tại khoa Ngoại thần kinh, BV Chợ Rẫy cho biết, sau hơn 1 tuần nuôi người thân bị bệnh tại đây, đã chứng kiến hàng chục “cò” xe cứu thương từ bên ngoài vào phát tờ rơi, cho card với số điện thoại để liên hệ khi người thân xuất viện về quê. “Em trai tôi vẫn đang điều trị tại đây nên tôi chỉ hứa sẽ gọi dịch vụ khi nào người nhà xuất viện”- anh H. nói và cho biết, sẽ không gọi dịch vụ này bởi đã có nhiều trường hợp bệnh nhân chở đi gặp phải xe “dù”.
Báo cáo về việc phản ánh của người nhà bệnh nhân với bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian qua cho thấy rất nhiều người bệnh đã bị “tiền mất tật mang” khi đi xe cấp cứu “dù” ở bên ngoài. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị T.C, ở Bình Thuận là một ví dụ. Theo người nhà bệnh nhân, cuối tháng 5/2020, sau khi bà C. xuất viện thì gặp xe cứu thương của một “cò” ở bên ngoài vào mời chào. Tưởng là xe dịch vụ chất lượng nên gia đình thuê về Bình Thuận với giá 2.5 triệu đồng.
“Vừa thoả thuận lên xe chạy được 2km thì tài xế sang bệnh nhân qua xe khác. Sau khi về đến địa giới Bình Thuận thì họ đòi thêm 2 triệu nữa mới chở về đến tận nhà ở huyện Tánh Linh vì họ cho rằng khi hợp đồng chỉ ghi chở về Bình Thuận chứ không nói chở về đến nhà tại huyện Tánh Linh”- người nhà bệnh nhân C. phản ánh với bệnh viện.
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, khi vào bệnh viện, các chủ xe thường đưa hình ảnh xe cho thân nhân người bệnh xem, thậm chí cho thân nhân kiểm tra trực tiếp thì xe nhìn mới, đẹp nhưng khi đưa bệnh lên xe thì lại là xe khác hoặc lên xe chạy ra khỏi bệnh viện được một đoạn đường ngắn thì đổi qua xe khác. Đó là chưa kể, nhiều xe không chống lây nhiễm như khử khuẩn khi chở người bệnh lây nhiễm, nhưng sau đó vẫn chuyển bệnh nhân khác.
Để chấn chỉnh vấn nạn “cò xe” trong Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc bệnh viện này đã thành lập Ban điều hành Dịch vụ vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu và chỉ đạo triển khai các biện pháp cung ứng dịch vụ vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và trách nhiệm phục vụ bệnh nhân, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh điều trị tại bệnh viện bị “cò xe” lừa đi xe cứu thương “dù” gây nguy cơ mất an toàn trên đường về nhà, hạn chế tình trạng bệnh nhân, thân nhân bị lừa “tiền mất, tật mang”.
Theo đó, bệnh viện này đã lập bộ phận đăng ký và điều xe độc lập với Tổ công xa của bệnh viện nhằm đảm bảo việc điều xe là vô tư, khách quan; Giám đốc bệnh viện ban hành giá phù hợp, tương đương hoặc thấp hơn giá một số công ty cung ứng xe hợp đồng tương ứng. Ngoài ra, trường hợp bệnh nhân, thân nhân tự nguyện đi xe cứu thương “dù” hay xe cứu thương ngoài bệnh viện thì đến Bộ phận đăng ký và cam kết với bệnh viện là tự chịu trách nhiệm thì Bộ phận đăng ký sẽ cấp cho phiếu để xe vào bệnh viện đón bệnh với “cụ thể số xe”…
Việc siết quản lý xe cứu thương này, ngày càng giảm rõ rệt số lượng xe cứu thương “dù” vào bệnh viện chở bệnh nhân. Tuy nhiên, ngược lại giám đốc bệnh viện, Ban điều hành gặp phải sự phản ứng, tung tin bịa đặt để “kiếm chuyện” của một số phần tử “cò xe” đang hoạt động trong bệnh viện, không loại trừ một vài nhân viên bệnh viện cấu kết với cò xe.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết, do việc siết chặt xe cứu thương “dù” nên xuất hiện nhiều facebook đe doạ ông, và bôi nhọ uy tín bệnh viện.
Theo TPO